ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 16-11-24 09:54:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nâng chất giáo dục mầm non

Báo Cà Mau Huyện Ngọc Hiển có 8 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, với tổng số hơn 1.600 trẻ theo học. Những năm qua, huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, sân chơi cho trẻ theo hướng ngày càng chuẩn hoá, đáp ứng điều kiện chăm sóc, giáo dục, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến trường.

Năm học này, Trường Mẫu giáo xã Tân Ân Tây được đầu tư xây dựng mới với nguồn vốn gần 15 tỷ đồng, quy mô theo chuẩn mức độ 2 (gồm 2 tầng, 6 phòng học, 5 phòng chức năng). Cô Vũ Thị Hảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trước đây, trường cũ có phòng học nhỏ hẹp, thiếu trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, lại thường bị ngập nước vào mùa triều cường, gây khó khăn trong việc chăm sóc và dạy trẻ. Nhiều phụ huynh ngán ngại, cho con đi học ở các điểm lân cận. Ðầu năm 2024, trường được đầu tư mới, cơ sở vật chất khang trang, phòng học rộng rãi, trang bị đầy đủ các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ học tập, vui chơi và phát triển; có khu vực cho trẻ hoạt động vui chơi, sinh hoạt, học tập ngoài trời, khu vực trồng và chăm sóc cây xanh... Nhờ đó, đến nay trường thu hút 105 trẻ đến lớp, cao hơn khoảng 30% so với năm nước.

Cô và trò Trường Mẫu giáo thị trấn Rạch Gốc tổ chức nhóm học tập theo chủ đề góc học tập.

Cô và trò Trường Mẫu giáo thị trấn Rạch Gốc tổ chức nhóm học tập theo chủ đề góc học tập.

Bên cạnh hoàn thiện cơ sở vật chất, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện, các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn huyện còn tích cực đổi mới phương pháp giáo dục, trọng tâm là tăng cường hoạt động trải nghiệm, khám phá cho trẻ.

Năm học này, Trường Mẫu giáo Tân Ân Tây có phòng học rộng rãi, khang trang, tạo điều kiện cho cô và trò tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập hiệu quả.

Năm học này, Trường Mẫu giáo Tân Ân Tây có phòng học rộng rãi, khang trang, tạo điều kiện cho cô và trò tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập hiệu quả.

Với phương châm lấy trẻ làm trung tâm, Trường Mẫu giáo xã Tân Ân thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm phù hợp với nội dung, chủ đề học tập. Gần đây nhất, trường phối hợp với Ðồn Biên phòng Rạch Gốc tổ chức hoạt động trải nghiệm “Bé giao lưu cùng các chú bộ đội biên phòng”, thu hút hơn 100 trẻ từ 3-6 tuổi tham gia. Trẻ được cùng các chú bộ đội trải nghiệm trò chơi dân gian; nghe kể về truyền thống anh hùng, đấu tranh, hy sinh giành độc lập của các thế hệ cha ông đi trước; đồng thời, được tham quan vườn rau, ao cá và học tập kỹ năng gấp mền, khăn... cùng cô giáo và các chú bộ đội. Không chỉ vậy, cô và trò của trường còn được giao lưu các tiết mục văn nghệ, được hoà mình vào không khí vui tươi, đầy ý nghĩa, tạo sự hứng khởi và thích thú cho trẻ.

Trẻ hào hứng khi tham quan vườn rau của các chú bộ đội biên phòng.

Trẻ hào hứng khi tham quan vườn rau của các chú bộ đội biên phòng.

Các bé Trường Mẫu giáo xã Tân Ân thích thú khi giao lưu cùng các chú bộ đội biên phòng.

Các bé Trường Mẫu giáo xã Tân Ân thích thú khi giao lưu cùng các chú bộ đội biên phòng.

Ði đôi với công tác giáo dục, việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ cũng được các trường thực hiện chu đáo, khoa học. 100% trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn huyện tổ chức hiệu quả việc bán trú cho trẻ. Cô Nguyễn Thị Sáu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Dương, thị trấn Rạch Gốc, cho biết, mỗi ngày trẻ được ăn 2 bữa, gồm bữa chính vào buổi trưa và bữa nhẹ vào buổi xế. Bữa ăn có đủ các loại rau củ, thịt, cá, trái cây, đảm bảo cung cấp vitamin, dinh dưỡng, lượng calo để các bé vui chơi, học tập.

Toàn huyện hiện có 133 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở bậc học mầm non. 100% cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn, vững về chuyên môn, nghiệp vụ, yêu nghề, mến trẻ.

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Lê Xuân Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện, cũng nhìn nhận, cái khó của bậc học mầm non hiện nay là tỷ lệ huy động trẻ đến trường chưa cao; do phụ huynh ở vùng nông thôn chưa mặn mà với việc đưa con đến lớp. Nhiều trường vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Mặt khác, huyện còn 4 điểm lẻ phải mượn phòng ở các trường tiểu học cho các cháu học tập. Ðể tháo gỡ, địa phương đã đề ra những kế hoạch, giải pháp, bước đi cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng các điểm trường. Mục tiêu ngành giáo dục huyện nhà hướng tới là ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, để những “mầm xanh” của quê hương phát triển toàn diện về trí lực và thể lực./.

 

Trúc Linh

 

Học để thoát nghèo

Cái nghèo đeo bám gia cảnh khiến giấc mơ nối dài con đường học tập của những bạn trẻ này không hề dễ dàng. Biến khó khăn thành động lực phấn đấu, hành trang bước vào đời là sự cố gắng không ngừng, cùng những vòng tay nhân ái luôn che chở - tất cả đã tạo nên sức mạnh để các bạn bước tiếp trên hành trình chinh phục tri thức.

Giáo dục sức khoẻ giới tính trong học đường

Nhằm thực hiện công tác giáo dục sức khoẻ giới tính trong lứa tuổi vị thành niên, thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGÐ) đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn trực tiếp, cung cấp kiến thức về vấn đề giới tính cho học sinh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh.

Trao bằng tốt nghiệp cho trên 400 tân thạc sĩ, dược sĩ, cử nhân

Năm học 2023-2024, Phân hiệu  trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau đã đào tạo hơn 2.000 người học các hệ chính quy và sau đại học, kết hợp linh hoạt giữa hình thức học trực tiếp và trực tuyến, góp phần tạo điều kiện để người học có thể tham gia học tập mọi lúc mọi nơi. Theo đó, có 410 tân thạc sĩ, dược sĩ, cử nhân được trao bằng tốt nghiệp.

Tìm giải pháp nâng chất lượng thi tốt nghiệp THPT

Năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 99,11%, giảm so với 2 năm gần nhất là 2022 (99,16%) và 2023 (99,22%), nhưng tỷ lệ điểm trung bình của tất cả các bài thi/môn thi tăng so với 4 năm liền kề. Từ đó cho thấy, chất lượng dạy và học tăng lên. Theo tổng hợp, điểm trung bình chung trong 5 năm cao hơn 0.01 điểm, xếp hạng trên 1 bậc so với khu vực và cả nước.

Nước uống sạch trong học đường

Dự án "Hỗ trợ bằng tiền mặt cho hộ gia đình và trường học bị ảnh hưởng bởi hạn hán năm 2024 tại huyện U Minh" do Tổ chức Cứu trợ trẻ em tài trợ và triển khai thực hiện từ tháng 5/2024. Dự án nhằm giúp trẻ em, gia đình và trường học tăng cường khả năng ứng phó với hạn hán, thiên tai. Bên cạnh các hộ dân, có 11 điểm trường tại 4 xã: Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Thuận, Khánh Lâm được hỗ trợ, mỗi điểm trường 65 triệu đồng, phục vụ lắp đặt máy lọc nước sạch uống trực tiếp theo tiêu chuẩn TCVN01.

Niềm vui trường mới

Sau 2 năm học tập và giảng dạy tại điểm Trường THCS Nguyễn Thái Bình, năm học này, toàn thể thầy cô giáo và 935 học sinh Trường THPT U Minh (thị trấn U Minh) phấn khởi khi được giảng dạy và học tập trong ngôi trường mới khang trang.

Tổng kết công tác dạy chữ Khmer, chữ Hoa hè năm 2024

Để đảm bảo công tác giảng dạy, học tập và làm tốt công tác tham mưu, Ban Dân tộc đã chỉ đạo Phòng Dân tộc các huyện, TP Cà Mau đồng loạt khai giảng các lớp dạy và học chữ Khmer vào ngày 5/6/2024, kéo dài trong 2 tháng hè. Chiều 4/11, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tổng kết công tác này.

Nữ sinh vượt khó, học giỏi

Nguyễn Hà Huyền Trân là nữ sinh năm 2 ngành Ngôn ngữ Anh, ấn tượng với người đối diện bằng nụ cười tươi và lúc nào cũng năng lượng. Năm vừa qua, Huyền Trân đạt thành tích học tập xuất sắc với điểm học tập 3.74/4.0 và điểm rèn luyện gần như tuyệt đối trên thang 100.

Trao 200 suất học bổng “Phân bón Cà Mau - Hạt ngọc mùa vàng” cho học sinh THPT

Tiếp tục đồng hành, khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên của học sinh Cà Mau trong học tập và cuộc sống, đồng thời, biểu dương những tấm gương giàu ý chí, nghị lực, chiều nay (2/11), Công ty Cổ phần Phân bón Cà Mau (PVCFC) với đầu mối triển khai là Đoàn thanh niên Công ty phối hợp với Tỉnh đoàn Cà Mau tổ chức lễ trao học bổng “Phân bón Cà Mau - Hạt ngọc mùa vàng” năm học 2024-2025.

Không để nhà vệ sinh trường học là “cơn ác mộng”

Các trường học đang cố gắng nâng cao chất lượng nhà vệ sinh (NVS) tại trường để học sinh có được môi trường sinh hoạt tốt hơn khi đến lớp.