(CMO) Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Cà Mau thời đại mới” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Ðảm đang”, dưới mái nhà chung của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp, phụ nữ Cà Mau từ thành thị đến nông thôn bằng ý chí vươn lên, khả năng và sức sáng tạo của mình đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong gia đình và ngoài xã hội, tham gia tạo lập kinh tế gia đình, đóng góp to lớn cho sự phát triển quê hương, bắt kịp đời sống xã hội thời đại 4.0.
> Bài 2: Xứng tầm phụ nữ thành phố
>Bài 4: Rèn luyện phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam
Bài 1: Đoàn kết, giúp nhau
Với đặc thù địa phương có hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn, vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh nhà trong giai đoạn mới, cũng như nâng cao đời sống phụ nữ, các cấp hội LHPN trong tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở.
Theo đó, từ sự tập hợp và hỗ trợ của tổ chức hội, phụ nữ ở nông thôn đã tự tin vươn lên, tạo lập được kinh tế cho gia đình, tham gia hiệu quả trên các mặt trận phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần vào công tác giảm nghèo và xây dựng NTM.
Nhiều mô hình trợ lực
Ðể công tác giảm nghèo ngày càng hiệu quả, Hội LHPN huyện Thới Bình triển khai thực hiện nhiều phong trào, hoạt động thiết thực, như phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; tạo điều kiện vay vốn; trao phương tiện sinh kế; vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà “Mái ấm tình thương”; phối hợp dạy nghề, tạo việc làm, nhất là xuất khẩu lao động... Các mô hình tiết kiệm luôn được duy trì, vận động hội viên tham gia gắn với an sinh xã hội, như nuôi heo đất tiết kiệm, tiết kiệm xoay vòng, hũ gạo tình thương, tiết kiệm tại các tổ tiết kiệm và vay vốn...
Hiện tại, Hội LHPN huyện Thới Bình nhận làm “Mẹ đỡ đầu” cho 25 trẻ mồ côi bị ảnh hưởng dịch Covid-19; 79 trẻ mồ côi do hoàn cảnh khác.
Bà Nguyễn Việt Biên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thới Bình, cho biết: “Nhằm khôi phục nghề đan đát truyền thống, đồng thời hỗ trợ phát triển hàng thủ công mỹ nghệ, hướng đến sản xuất các sản phẩm theo chuỗi giá trị, vươn ra thị trường trong và ngoài nước, góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, các cấp hội vận động hội viên thành lập 7 tổ phụ nữ đan đát, có 167 thành viên”.
Chị Dương Thị Bé Tư, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 9, xã Thới Bình, chia sẻ: “Ban đầu không có vốn, tôi được Hội LHPN xã giới thiệu, tạo điều kiện được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện. Với số vốn vay 20 triệu đồng, tôi đầu tư thu mua nguyên liệu. Thấy mô hình khả quan nên Hội LHPN huyện cho tôi mượn 3 triệu đồng làm vốn. Tôi vận động chị em phụ nữ trong ấp tham gia và thành lập tổ thủ công mỹ nghệ với 25 thành viên. Từ đó, các sản phẩm đan từ năn tượng ra đời, như quạt, túi xách, nón, bình hoa...”. Hiện thu nhập của các thành viên trong tổ khoảng 80-90 ngàn đồng/ngày, người làm ít thì 50-70 ngàn đồng, người làm giỏi thì trên 100 ngàn đồng/ngày. Bình quân thu nhập của chị em trên 2 triệu đồng/tháng.
Thời gian qua, Hội LHPN xã Tân Bằng học tập và làm theo gương Bác bằng những mô hình thiết thực, như tiết kiệm mua bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, tiết kiệm để giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, hũ gạo tình thương, thu gom phế liệu bán gây quỹ giúp chị em phụ nữ nghèo, thành lập tổ giúp đỡ hộ nghèo. “Ðiển hình là tổ nuôi heo đất mua BHYT, BHXH tự nguyện. Hàng tháng các chị tập hợp lại, họp tổ khui heo, số tiền có được sẽ giúp 1 chị khó khăn trong tổ có thể mua con giống phát triển kinh tế, hoặc mua BHYT, BHXH tự nguyện”, bà Lê Thị Ðặng Tiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Bằng, chia sẻ.
Mô hình nuôi heo đất, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội được chị em phụ nữ xã Tân Bằng nhiệt tình hưởng ứng.
Bà Nguyễn Thị Phượng, ấp Kênh 9, xã Tân Bằng, cảm nhận: “Tôi rất thích mô hình nuôi heo đất. Tham gia mô hình này, chị em vừa giúp đỡ lẫn nhau, xoay đồng vốn để làm ăn và lấy ra một ít tiền mua thêm bảo hiểm, còn lại đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, cho con ăn học”.
“Chúng tôi đã chọn và xây dựng nhiều mô hình để giúp đỡ phụ nữ vươn lên thoát nghèo, nổi bật như đan đát từ cây năn tượng, đan dây gân nhựa, chăn nuôi, gần đây nhất là thu gom rác thải nhựa, thu hút nhiều chị em hội viên tham gia. Năm 2022, hội đã nhận giúp đỡ 7 hộ thoát nghèo; năm 2023 nhận giúp đỡ 11 hộ thoát nghèo”, bà Quách Kim Tiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Bình, cho biết.
Ngoài ra, Hội LHPN huyện Thới Bình đã vận động, hỗ trợ thành lập được 13 tổ may gia công, có 140 thành viên, tạo điều kiện cho chị em có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, trung bình thu nhập của chị em từ 3-7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, với một số tổ hoạt động hiệu quả và muốn mở rộng quy mô, nhưng nguồn vốn hạn chế, hội đã đề xuất UBND huyện, Ngân hàng CSXH cho chị em vay vốn để mua thêm máy móc, nguyên liệu, công cụ, giúp tổ có thêm nhiều thành viên, chị em có việc làm ổn định.
Phát triển kinh tế bền vững
Bà Nguyễn Thị Màu, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Ðầm Dơi, khẳng định: “Hiện nay trong toàn huyện có 26.500 hội viên, trong đó tỷ lệ chị em tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế bền vững chiếm trên 60%. Nhiều mô hình của chị em phụ nữ góp phần quan trọng phát triển kinh tế gia đình và địa phương”.
Một số mô hình điển hình của phụ nữ Ðầm Dơi như Hợp tác xã (HTX) Nguyễn Thơ của chị Trần Trúc Ly, hội viên phụ nữ xã Quách Phẩm, với các sản phẩm tôm khô nguyên vỏ, tôm khô bóc vỏ, tôm chà bông, tôm ép đạt OCOP năm 2023, thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm; HTX Ba khía Ðầm Dơi của chị Trần Thị Xa, xã Quách Phẩm Bắc, thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm; chị Ðặng Ngọc Ngân, xã Thanh Tùng, làm kinh tế hiệu quả với sản phẩm cơm cháy chà bông, trừ chi phí còn lãi trên 40 triệu đồng; chị Huỳnh Tuyết Phương từ mô hình bánh nhà làm, trừ chi phí thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm…
HTX Ba khía muối Ðầm Dơi, xã Quách Phẩm Bắc, ban đầu chỉ là một cơ sở nhỏ lẻ, từ khi được các cấp hội LHPN tiếp cận, hướng dẫn về thủ tục cũng như cách liên kết sản xuất, đã tiến đến thành lập HTX, vận động được nhiều hội viên hội phụ nữ tham gia, từ đó hỗ trợ nhiều chị em lao động nhàn rỗi tại địa phương có thêm nguồn thu nhập.
Năm 2022, HTX Ba khía muối Ðầm Dơi tiếp tục đưa 3 sản phẩm: riêu ba khía, ba khía trộn và mắm tôm vào chương trình OCOP để khẳng định giá trị sản phẩm; định hướng những năm tiếp theo sẽ đưa 10 sản phẩm trực tiếp tại xưởng vào OCOP. Hiện tại, HTX đã xây dựng xưởng và phát triển chủ lực những sản phẩm được chế biến từ ba khía và tôm, với tiêu chí chất lượng nhất để phục vụ người tiêu dùng.
HTX sản xuất Ba khía Ðầm Dơi tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ, góp phần giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho địa phương. (Trong ảnh: HTX Ba khía Ðầm Dơi, xã Quách Phẩm Bắc của chị Trần Thị Xa, thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm). |
Chị Trần Thị Xa, Giám đốc HTX Ba khía muối Ðầm Dơi, người dẫn dắt đưa HTX phát triển, chia sẻ: “HTX hiện có 10 hội viên hội phụ nữ trên địa bàn xã tham gia vào công đoạn sơ chế cũng như sản xuất, đóng gói thành phẩm sản phẩm ba khía Ðầm Dơi. Hiện tại, sau khi đã xây dựng thương hiệu, sản lượng đã tăng gấp 10 lần so với năm ban đầu khởi nghiệp”.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh Cà Mau, mỗi chi hội phụ nữ nhận giúp ít nhất 1 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo. Năm 2022, các chi hội phụ nữ nhận giúp 772 hộ (cụ thể giúp 340 hộ nghèo, 283 hộ cận nghèo, 149 hộ mới thoát nghèo). Kết quả có 403/240 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, đạt 167%.
Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Tổ chức SRD thực hiện mô hình nuôi gia cầm bằng đệm lót sinh học, nuôi thuỷ sản dưới tán rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ 23.150 con gà, vịt giống, 5,52 tấn vọp, sò huyết, 20 ngàn con sú giống, 132.202 kg thức ăn và thuốc thú y cho 371 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo, tổng số tiền trên 3,6 tỷ đồng; tổ chức 1 cuộc hội thảo kết nối thị trường tiêu thụ thương phẩm gà, vịt giúp các hộ chăn nuôi có đầu ra sau sản xuất.
Các cấp Hội LHPN phối hợp tổ chức 13 lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng màu, trồng nấm, may dân dụng, trang điểm, tạo mẫu tóc, đan đát… cho 418 phụ nữ; giới thiệu việc làm cho 3.562 lao động nữ. Ðồng thời, rà soát thúc đẩy hỗ trợ các tổ phụ nữ may gia công, tạo việc làm cho lao động nữ tại địa phương.
Ðể hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN tín chấp với Ngân hàng CSXH giải ngân 143 tỷ 609 triệu đồng, tổng dư nợ 1.263 tỷ 367 triệu đồng, có 45.760 hộ vay (tỷ lệ nợ quá hạn 0,46%). Giải ngân 3 dự án tổng số tiền 650 triệu đồng từ nguồn vốn do Hội LHPN tỉnh quản lý, giúp 41 hội viên phụ nữ chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tiết kiệm tại các chi, tổ phụ nữ, huy động được 21,3 tỷ đồng, hỗ trợ 10.273 chị khó khăn phát triển kinh tế; xây dựng, sửa nhà, nuôi con ăn học; duy trì được 67 tổ hùn vàng được 478 chỉ vàng, giúp 49 chị./.
Hoàng Vũ
Bài 2: XỨNG TẦM PHỤ NỮ THÀNH PHỐ