(CMO) Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho phụ nữ những tình cảm yêu quý, trân trọng; luôn đánh giá cao vai trò của phụ nữ, biểu dương, động viên phụ nữ hăng hái thi đua yêu nước. Những nỗ lực, kết quả đạt được thời gian qua của phụ nữ Cà Mau có được nhờ nguồn động lực to lớn từ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, gần gũi mà lan toả rộng khắp.
> Bài 2: Xứng tầm phụ nữ thành phố
- Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Cà Mau thời đại mới” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo và các cấp hội phụ nữ cơ sở hưởng ứng ra sao, thưa bà?
Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp hội phát động sâu rộng, với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, có sức lan toả, tác động mạnh mẽ trong cộng đồng, thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia hưởng ứng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, phát huy giá trị tốt đẹp của phụ nữ, phấn đấu xây dựng người phụ nữ Cà Mau có kiến thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc.
Kết quả triển khai được 8.738 cuộc, với 207.054 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham dự. Thông qua các mô hình thiết thực, hiệu quả, các cấp hội giới thiệu điển hình 97 mô hình tiêu biểu, hiệu quả; 964 gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực; 873 hội viên, phụ nữ đạt danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu” thực hiện phong trào thi đua.
- Kết quả nổi bật đạt được như thế nào? Bà có thể chia sẻ một số mô hình điển hình của chị em ở cơ sở?
Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Các cấp hội tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm của hội; tuyên truyền giáo dục truyền thống, các ngày lễ lớn của đất nước, của hội; tuyên truyền cho người dân về bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới, biển đảo, an ninh trên môi trường mạng, nhất là gắn với Chương trình "Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương". Kết quả triển khai được 5.044 cuộc, có 201.760 lượt chị dự.
Phát động “Tuần lễ Áo dài” được các sở, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và hội viên phụ nữ hưởng ứng tích cực. Hình ảnh về “Tuần lễ Áo dài” được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo). Kết quả có trên 1 ngàn hình ảnh mặc trang phục áo dài truyền thống tham dự hoạt động lễ hội, hội nghị, làm việc nơi công sở... đăng trên trang thông tin điện tử, Facebook của các cấp hội, báo, đài trong tỉnh, đồng thời chia sẻ trên 300 bộ áo dài cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tổng giá trị trên 100 triệu đồng.
Phát động “Tuần lễ áo dài” và được đông đảo hội viên, phụ nữ hưởng ứng tham gia.
Phát động tham gia Hội thi “Dân vũ trực tuyến” do Trung ương Hội tổ chức đến các tầng lớp phụ nữ trong huyện, thành phố tham gia nhằm nâng cao sức khoẻ cho chị em, có tổng số 37 video clip bài dự thi, tuyển chọn và gửi Trung ương Hội dự thi 2 video clip… Thành lập mới 64 mô hình, điển hình câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử, CLB thể dục thể thao, CLB dưỡng sinh, CLB “Sống vui, sống khoẻ, sống có ích”... Nâng tổng số hiện nay 231 mô hình, 4.486 thành viên.
Ðồng thời, duy trì tốt hoạt động các CLB xây dựng gia đình hạnh phúc, không sinh con thứ 3; Không bạo lực gia đình; An toàn giao thông; Vì một mái ấm bình yên; CLB chăm sóc và phát triển trẻ thơ... nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động các gia đình chuyển đổi hành vi tích cực.
Thực hiện hiệu quả mô hình “Mỗi tuần một sản phẩm”, các cơ sở hội giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của hội viên, phụ nữ trên trang Facebook của hội, nhằm quảng bá, giới thiệu 640 sản phẩm địa phương đến với người tiêu dùng. Duy trì và thành lập mới 2 hợp tác xã 29 thành viên, 6 tổ hợp tác 57 thành viên, nâng tổng số toàn tỉnh có 13 hợp tác xã với 167 thành viên và 134 tổ hợp tác 1.503 thành viên đang hoạt động hiệu quả và mang lại kinh tế ổn định cho 1.720 phụ nữ ở nông thôn có hoàn cảnh khó khăn (bình quân từ 2,5 đến 7 triệu đồng/thành viên/tháng).
Hỗ trợ các tổ phụ nữ may gia công, nâng cao chất lượng tạo việc làm cho lao động nữ tại địa phương.
Duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tiết kiệm tại các chi, tổ phụ nữ, huy động được 21,3 tỷ đồng, hỗ trợ 10.273 chị khó khăn giúp phát triển kinh tế; xây dựng, sửa chữa nhà, nuôi con ăn học. Trong đó, duy trì được 67 tổ hùn vốn bằng vàng, có 478 chỉ vàng giúp cho 49 chị. Tiêu biểu mô hình biến rác thải thành vốn khởi nghiệp (huyện Trần Văn Thời), tổng số tiền tiết kiệm từ rác thải nhựa thành vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được 353 triệu đồng, giúp 106 chị có vốn làm ăn (mỗi hội viên tham gia tiết kiệm từ rác thải ít nhất 3 ngàn đồng/người/năm).
Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của dịch Covid-19, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, gia đình đang nuôi dưỡng trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19, có 42 cơ sở hội nhận làm Mẹ đỡ đầu 102 trẻ mồ côi do Covid-19 và 53 trẻ mồ côi do nguyên nhân khác.
- Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhằm đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam, Ðảng, Chính phủ, Bác Hồ đã tặng phụ nữ bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Ðảm đang”. Bên cạnh việc kế thừa truyền thống, phụ nữ Việt Nam hiện đại đã và đang hướng đến 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” như Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã lựa chọn. Phụ nữ tỉnh Cà Mau nhận thức và đã thực hiện ra sao để xứng đáng với 8 chữ vàng trong thời đại mới, thưa bà?
Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Trong 2 nhiệm kỳ qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tập trung triển khai, thực hiện các phẩm chất, đạo đức của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trước những hành động tiêu cực từ mặt trái xã hội trong nền kinh tế thị trường, giữ gìn, phát huy và bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Nhiều tấm gương, tổ chức hội được tuyên dương trong công tác giảm nghèo bền vững.
Mặc dù chỉ qua 1 năm triển khai, tuyên truyền nhưng trên cơ sở và nền tảng của phong trào thi đua trước đó là phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc và học tập 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” nên phong trào mới dễ đi vào thực tiễn đời sống của hội viên phụ nữ trong tỉnh. Qua đó có nhiều gương điển hình tiêu biểu trong việc học tập và thực hiện phong trào thi đua, nổi bật là các phong trào rèn luyện sức khoẻ, các môn thể dục thể thao tập thể ngày càng nhiều; phụ nữ ngày càng ham học, tìm hiểu và nghiên cứu bằng nhiều cách, như đọc sách báo, xem truyền hình, học tập nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là quan tâm chăm sóc người thân, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc.
Qua triển khai thực hiện, những phẩm chất tốt đẹp, truyền thống cách mạng của phụ nữ Việt Nam được chị em đồng thuận, hưởng ứng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, coi trọng phẩm giá, danh dự bản thân; trung thành, trung thực, nhân hậu; quán xuyến công việc gia đình và làm tốt công tác xã hội. Qua đó, ngày càng có nhiều phụ nữ khẳng định được vị trí và trách nhiệm của mình trong thực hiện thiên chức đối với gia đình và trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội.
- Xin cảm ơn bà!
Hoàng Vũ thực hiện