(CMO) LTS: Là tỉnh có gần 4% dân số là người dân tộc Khmer, những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về công tác dân tộc, Cà Mau rất chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người dân tộc Khmer trong hệ thống chính trị; đồng thời, tạo mọi điều kiện để đội ngũ này yên tâm công tác, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị để hoàn thành nhiệm vụ, nhất là đối với nữ. Qua đó, xuất hiện nhiều phụ nữ người Khmer tiêu biểu, trở thành hạt nhân trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Bài 1: Những bông hoa đẹp
Ông Nguyễn Thành Niệm, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ đảng viên nữ nói chung, nữ đảng viên người Khmer nói riêng tại các địa phương ngày càng tăng. Trong đó, nhiều đảng viên nữ vươn lên trong cuộc sống, trở thành "nội tướng" gia đình; gương mẫu, đi đầu trong các phong trào và là gương sáng tiêu biểu cho bà con đồng bào dân tộc Khmer, nhất là chị em học tập, noi theo.
Sẻ chia vì cộng đồng
Nhắc đến những người phụ nữ dân tộc Khmer với nghị lực vươn lên mạnh mẽ để thành công trong cuộc sống và đóng góp cho cộng đồng, xã hội, thì chị Sơn Thị Sa Thươl là một điển hình.
Gần 20 năm làm nghề, cái tên Sa Thươl đã gần gũi trên sóng phát thanh - truyền hình Cà Mau, nhất là với đồng bào dân tộc Khmer thông qua Chương trình tiếng Khmer.
Chị Sa Thươl (bìa trái) cùng cô bạn diễn viên Danh Thị Rót duyên dáng trong trang phục cổ truyền. (ảnh chụp 2020) |
Nhà đông chị em, ba mẹ làm nông nên muốn thoát sự nghèo nàn, lạc hậu chỉ có con đường duy nhất là học. Chị chia sẻ: “Mẹ là tấm gương để chị em tự lực vươn lên, nhất là xoá bỏ những định kiến và sự tự ti”. Nhờ vậy mà nay tất thảy 10 chị em đều thành tài, 9 chị lớn đều là giáo viên, riêng chị là con út làm nghề báo".
Chị kể, năm 2002, khi được tuyển dụng vào Ðài PT-TH Cà Mau, ban ngày đi làm, tối chị học bổ túc. Nỗ lực nâng cao trình độ, chị học tiếp đại học Luật, rồi trở thành Thạc sĩ Báo chí. “Tôi may mắn vì được chồng (cũng là người dân tộc Khmer) và cơ quan tạo mọi điều kiện học tập, chăm bồi phát triển để đứng vào hàng ngũ của Ðảng”, chị tâm tình.
Ðể xứng đáng với sự tin yêu, và trở thành cầu nối tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc Khmer, chị không ngừng học hỏi, sáng tạo để mỗi chương trình lên sóng được bà con quan tâm, đón nhận, qua đó, cổ vũ, khích lệ họ nỗ lực vươn lên thông qua việc hiểu rõ chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước những tấm gương người tốt, việc tốt, những mô hình hay, cách làm giàu của bà con đồng bào dân tộc Kinh - Hoa - Khmer.
Tay ngang làm kinh tế, chị chịu khó học, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại từ các diễn đàn, hội, nhóm, từ năm 2012, chị Sa Thươl đã có thể “hái ra tiền” từ việc kinh doanh Online, sau đó thành lập công ty riêng. Năm 2017, chị thuê đất rừng trồng chuối Nam Mỹ “phủ sóng” thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu nước ngoài. Hiện nay, chị đã tự mua đất tạo lập trang trại nuôi heo rừng, trồng cây ăn trái để ấp ủ dự định vươn xa cho những sản phẩm OCOP có thương hiệu mang tên Minh Ngọc (tên 2 con của chị - PV); ngoài ra, sẽ ra mắt những sản phẩm OCOP mang thương hiệu riêng của đồng bào dân tộc Khmer...
Chị bộc bạch: “Mục tiêu làm kinh tế không chỉ cải thiện cuộc sống mà còn mong muốn tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động của huyện U Minh, nhất là phụ nữ, đặc biệt là nữ đồng bào dân tộc Khmer với thu nhập ổn định”.
Nhiều năm qua, từ sự khởi sắc kinh tế gia đình, mỗi năm chị đều trao tặng xe đạp, tập vở học sinh, tặng quà hộ nghèo, hộ khó khăn. Ðược tin yêu, tín nhiệm, với vai trò là Uỷ viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chị tích cực vận động vì an sinh xã hội của tỉnh, góp sức hỗ trợ bà con vượt khó và mở ra cơ hội đổi thay cuộc đời. Trong suốt thời gian bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, chị Sơn Thị Sa Thươl cùng những người bạn đã hỗ trợ gạo, mì, nhu yếu phẩm, các suất ăn miễn phí… cho bà con khó khăn các huyện, thành phố và tiếp sức lực lượng tuyến đầu.
Nhiệt tình và trách nhiệm
“Gần gũi, nhiệt tình và trách nhiệm” là lời nhận xét của chị Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, dành cho chị Huỳnh Hồng Thắm, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời khi giới thiệu cán bộ nữ là người đồng bào dân tộc Khmer tiêu biểu.
Xuất phát điểm là thủ quỹ UBND xã Khánh Bình Tây (năm 2005), chị Thắm không ngừng nỗ lực phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Ðảng và đã kinh qua nhiều vị trí công tác.
Vốn tính chịu khó, nhiệt tình, hết lòng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nên chị Thắm thường xuyên rà soát những mô hình hiệu quả, phù hợp để nhân rộng; lúc thì xuống xã, vòng quanh các ấp, khóm đơn thuần chỉ để ghé thăm chị em nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, từ đó tranh thủ các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các nguồn vốn từ Trung ương, Hội LHPN tỉnh, các dự án phi chính phủ… để hỗ trợ vốn vay cho chị em, đặc biệt là chị em đồng bào dân tộc Khmer. Chị còn tích cực vận động công tác an sinh như nhà mái ấm tình thương, cầu giao thông, giếng nước sạch sinh hoạt…
“Công tác phụ nữ có rất nhiều việc không tên nhưng niềm vui lớn nhất của tôi là giúp đỡ chị em khi họ cần”, chị Thắm tâm tình.
Chị Huỳnh Hồng Thắm đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống trẻ em và phụ nữ đồng bào dân tộc Khmer. (ảnh chụp Tết 2020) |
Bởi thế, trong công tác chỉ đạo, chị Thắm yêu cầu các cấp hội thực hành tiết kiệm để xây dựng nhiều nguồn quỹ hỗ trợ hội viên, phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà cơ bản, nuôi con ăn học như hùn tiền mua BHYT, hùn tiền xây nhà tiêu hợp vệ sinh, biến rác thải thành vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hũ gạo tình thương, hùn vàng… được chị em tích cực ủng hộ và được Huyện uỷ, Hội LHPN tỉnh đánh giá cao về các mô hình. Nhiều năm liền Chi bộ Hội LHPN huyện là chi bộ vững mạnh, vững mạnh tiêu biểu. Qua đó, trong nhiệm kỳ được Chính phủ tặng 2 cờ thi đua, 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh. Ðặc biệt trong phòng, chống dịch Covid-19 được huyện đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Một điển hình khác là nữ người dân tộc “đầu tàu” trong hệ thống Ðoàn thanh niên. Tuy có con nhỏ, nhưng những ngày tham gia cuộc chiến chống dịch Covid-19, chị Danh Thị Mị, Bí thư Xã đoàn Khánh Hoà, huyện U Minh không ngại khó khăn, tích cực trên mọi mặt trận.
Chị Danh Thị Mị (bìa phải) làm cá khô tặng bà con vùng tâm dịch. |
Ðược Ðảng uỷ phân công làm Tổ trưởng Tổ chỉ đạo Ấp 5, xã Khánh Hoà về toàn diện các mặt công tác, trọng tâm là phòng, chống dịch, quản lý 17 tổ, 70 thành viên, có tổng số 582 hộ dân sinh sống, với 2.290 khẩu (trong đó có 11 hộ dân tộc Khmer), chị Mị chủ động thành lập đội hình tình nguyện tham gia các hoạt động hỗ trợ vận động quyên góp lương thực, thực phẩm gửi về vùng tâm dịch; còn có các hoạt động tại địa phương trực chốt kiểm soát, hỗ trợ đo thân nhiệt cho Nhân dân, phát tờ rơi, phát bản tin tuyên truyền về phòng, chống dịch… nơi nào chị Mị cũng có mặt.
Nói về vai trò của nữ thủ lĩnh này, anh Phạm Văn Hiền, Bí thư Huyện đoàn U Minh, gói gọn trong 8 chữ: “Nhiệt huyết, gương mẫu, trách nhiệm, hoà đồng”.
Với nữ cán bộ Ðoàn, hội rất nhiều vất vả, nhất là khoảng thời gian nuôi con nhỏ, nhưng đặc thù công việc, lửa nhiệt huyết của người đảng viên thì khát khao muốn cống hiến cháy hết mình và đem lại niềm vui, sự yên bình cho mọi người là động lực giúp các chị vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ./.
Băng Thanh
BÀI 2: KHẲNG ÐỊNH VỊ THẾ PHỤ NỮ KHMER