(CMO) Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay là công nghệ tự động hoá sản xuất nông nghiệp được phát triển nhiều tại các tỉnh như: Ðồng Tháp, An Giang, Kiên Giang trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, đối với tỉnh Cà Mau, đây là loại hình mới mẻ. Tuy mới, nhưng nhờ tính ưu việt của nó nên thời gian gần đây người dân xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đã đầu tư 5 chiếc máy bay như thế này để phục vụ quá trình sản xuất lúa.
Ứng dụng công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ bay không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí, thuốc bảo vệ thực vật mà còn giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về da, thần kinh, ngộ độc… do tiếp xúc thường xuyên với thuốc trừ sâu gây ra. Mỗi máy phun thuốc như thế này có thể tải được bình thuốc với dung tích 10 lít và pin có thể duy trì việc bay được 5-7 phút cho 1 lần xịt 5.000 m2. Máy được lập trình sẵn đường bay, đường phun và liều lượng thuốc phun ra nên đảm bảo không sót lúa, chi phí cho một lần xịt bằng hoặc thấp hơn so với cách xịt truyền thống. “Phun thuốc bằng cách này thì giá từ bằng tới thấp hơn giá phun xịt truyền thống, mình có thể làm nhanh và tranh thủ làm đêm nên kịp tiếng độ không thiệt hại lúa khi sâu bệnh bùng phát”, anh Ngô Văn Hưng, chủ thiết bị bay phun thuốc Ấp 3, xã Trần Hợi, cho biết.
Anh Ngô Văn Hưng phun thuốc cho bà con. |
Mỗi vụ lúa, người dân thường xịt thuốc từ 4-5 lần. Ðối với những hộ có đất nhỏ thì đa phần tự xịt thuốc kiểu thủ công; những hộ đất nhiều thì thường thuê mướn người xịt. Tuy nhiên, các đợt xịt thuốc thường đồng loạt nên việc thuê lao động gặp khó khăn. Việc xịt chậm trễ sẽ gây ra nhiều hệ lụy làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Phun thuốc bằng công nghệ bay có thể phun thuốc vào ban đêm và ban ngày với công suất hơn 40 ha/ngày đêm. Lượng nước pha thuốc ít nên sẽ tránh được tình trạng dư thừa thuốc tràn xuống mặt ruộng. Và đặc biệt là không xảy ra tình trạng thiệt hại lúa do giẫm đạp so với cách phun xịt truyền thống.
Ông Lê Phú Luân, Ấp 3, xã Trần Hợi, chia sẻ: “Sợ nhất của phun thuốc bảo vệ thực vật là tình trạng đạp lúa, nhất là những lúc lúa trổ đồng, lúa sẽ giảm năng suất rất nhiều. Tôi đã phun thuốc bằng máy bay được 2 năm nay rồi, hiệu quả hơn phun truyền thống rất nhiều mà khỏi lo không có nhân công. Chỉ cần bấm điện thoại alo một cái là có người lại xịt liền được”.
Là hộ gần 2 năm gắn bó với công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay Trưởng Ấp 3, xã Trần Hợi Nguyễn Văn Uyên đánh giá: Ðây là thiết bị hỗ trợ cho nông dân rất nhiều và hiệu quả nó qua từng vụ thì tốt hơn là phun xịt thuốc bằng cách truyền thống, thuốc được đều hơn, ít thiệt hại, gảy đỗ hơn. Cũng theo ông Nguyễn Văn Uyên: “Tình trạng lao động đi làm ăn xa là thực tế đáng ngại cho việc thuê nhân công lao động ở nông thôn hiện nay. Máy bay làm được phần việc hơn 10 người lành nghề thì là quá tuyệt. Không những làm được ban ngày mà phun thuốc được luôn cả ban đêm, tránh tình trạng khô thuốc nhanh, cây lúa hấp thu tốt hơn phun kiểu truyền thống”.
Công nghệ thời 4.0 đã len lỏi đến từng mảnh vườn, thửa ruộng và việc nông dân ngồi nhà thao tác trên điện thoại di động để điều khiển việc sản xuất đã không còn xa lạ. Những cánh đồng được cơ giới hoá từ mặt đất, đến phun thuốc, quản lý dịch hại từ trên bầu trời đã mang đến sắc thái mới cho nông nghiệp./.
Huệ Như