(CMO) Ðược thành lập cách đây 15 năm với nhiệm vụ quản lý, vận hành sản xuất 2 nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, đến nay, Công ty Ðiện lực Dầu khí Cà Mau (PV Power Ca Mau) đã vận hành thương mại lên điện lưới quốc gia trên 108 tỷ kWh, đạt doanh thu 157.340 tỷ đồng, nộp vào ngân sách 4.380 tỷ đồng và thực hiện an sinh xã hội trên 15,7 tỷ đồng.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Ðức Hải nghe lãnh đạo Nhà máy Ðiện Cà Mau 1 giới thiệu về quá trình hoạt động của nhà máy trong chuyến khảo sát tại đơn vị nhân chuyến làm việc tại tỉnh Cà Mau, ngày 7/8 vừa qua.
Vận hành bằng nguồn khí tự nhiên từ mỏ PM3 CAA, lô 46 Cái Nước (cách bờ biển Cà Mau 298 km), mỗi ngày một nhà máy tiêu thụ tương đương 3,1 triệu Sm3 (mét khối khí tiêu chuẩn). Hàng năm, 2 nhà máy cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8 tỷ kWh (tương đương lượng tiêu thụ 1,55 tỷ Sm3), góp phần đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.
Vai trò và tầm quan trọng của PV Power Ca Mau càng thể hiện khi từ tháng 4/2023, do phụ tải của hệ thống điện cả nước tăng cao, đã huy động tối đa sản lượng sản xuất của 2 nhà máy điện Cà Mau 1 và 2. Nhằm đáp ứng nhu cầu của hệ thống, ngoài vận hành bằng nhiên liệu khí, Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện quốc gia thuộc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN/A0) còn huy động Nhà máy Ðiện Cà Mau 1 vận hành bằng nhiên liệu dầu (16.840 tấn dầu) với sản lượng 104 triệu kWh. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, PV Power Ca Mau đã sản xuất đạt 112% kế hoạch, doanh thu đạt 115% kế hoạch.
Được thiết kế với mỗi nhà máy là 2 turbine khí (mỗi turbine công suất 250MW), 2 lò thu hồi nhiệt và 1 turbine hơi (công suất 250MW), 2 nhà máy điện Cà Mau 1&2 có tổng công suất thiết kế 1.500 MW.
Cùng với các đơn vị sản xuất thuộc Cụm công nghiệp Khí - Ðiện - Ðạm Cà Mau, trải qua 15 năm vận hành an toàn, hiệu quả, PV Power Ca Mau đã đóng góp rất lớn vào tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh, đưa kinh tế Cà Mau đạt tốc độ tăng trưởng nhiều tháng qua đứng thứ nhì tại đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 5 cả nước.
Tuy nhiên, hiện hoạt động tại 2 nhà máy điện vẫn còn đang gặp khó về nhiều mặt, cần được linh hoạt tháo gỡ. Ông Ðoàn Công Ðức, Giám đốc PV Power Ca Mau, cho biết, đơn vị bị giới hạn khí khi nguồn cung cấp đang ngày càng ít đi, chỉ đủ cho 3 tổ máy vận hành theo cao điểm, ở mức 4,5/6,3 triệu Sm3/ngày theo yêu cầu. Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn mùa mưa, do nhu cầu phụ tải của hệ thống giảm và thị trường ưu tiên khai thác các nhà máy thuỷ điện cùng với các nguồn năng lượng tái tạo khác nên ảnh hưởng đến công tác vận hành của 2 nhà máy điện, không sử dụng hết lượng khí cấp theo khả năng. Tổng số lần khởi động trong 6 tháng đầu năm 2023 theo yêu cầu của EVN/A0 lên đến 93 lần, làm tốn kém rất nhiều sức lực và hiệu quả hoạt động của thiết bị.
Bồn nước lọc số 51-2 là một trong các công đoạn sản xuất từ khí chuyển hoá thành điện năng phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.
Một khó khăn nữa ảnh hưởng đến sự chủ động vận hành 2 nhà máy điện, theo ông Lê Xuân Huyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: "Việc ký kết mua khí nhằm bổ sung nguồn đang thiếu hụt phải được thực hiện trước 1 năm, nhưng việc ký kết mua bán điện với EVN/A0 lại không được cụ thể, rõ ràng, khi nào cần thì mới “để mắt” đến, dẫn đến khi thiếu, khi thừa, lãng phí và thiệt hại không nhỏ".
Khẳng định 2 nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 là điểm sáng ngành điện Việt Nam nói chung và dầu khí nói riêng, tuy nhiên, theo ông Lê Như Linh, Tổng giám đốc Tổng Công ty Ðiện lực Dầu khí Việt Nam, hoạt động tại đơn vị lên xuống theo... thời tiết. Chiều tối thì tăng ca, hoạt động hết công suất, nhưng khi ngày mới có nắng lên thì phải giảm tải vì lúc đó EVN/A0 ưu tiên sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời.
“Tại thời điểm này (đầu tháng 8-PV), dù tổng công suất thiết kế 2 nhà máy 1.500 MW nhưng chỉ hoạt động đạt khoảng 15-17%. Lượng khí đang thiếu hụt, mà dù có cung cấp đủ thì cũng chỉ hoạt động đạt tối đa 75% công suất”, ông Linh chia sẻ.
PV Power Ca Mau được xây dựng trên diện tích 54 ha tại Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau (xã Khánh An, huyện U Minh) với nguồn nhân sự hiện có 241 người, trong đó nguồn lực tại địa phương chiếm 41%. Hệ thống thiết bị máy móc bên trong 2 nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 do Tập đoàn Siemens (Cộng hoà Liên bang Đức) thiết kế, cung cấp, lắp đặt, hoạt động hiệu quả, an toàn trong suốt 15 năm qua, đóng góp quan trọng vào nguồn an ninh năng lượng quốc gia.
Trần Nguyên