(CMO) Khai thác thuỷ sản vẫn là lĩnh vực đóng góp lớn trong nền kinh tế chung của toàn tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu bền vững. Một trong những khó khăn ấy chính là công tác quản lý tàu cá còn nhiều bất cập. Từ đó chưa thể xây dựng được giải pháp toàn diện để nghề khai thác phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Qua kết quả đăng ký cho thấy, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.472 phương tiện. Trong đó, tàu có chiều dài dưới 12 m là 1.531 phương tiện; tàu có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m là 1.357 phương tiện; tàu từ 15 m trở lên khoảng 1.584 phương tiện. Với đội tàu hùng hậu này, hàng năm mang về cho tỉnh hơn 200.000 tấn thuỷ hải sản các loại.
Hàng loạt tàu trễ hạn đăng kiểm
Đăng kiểm, đăng ký và cấp giấy phép khai thác là hoạt động bắt buộc không thể thiếu đối với các phương tiện tham gia khai thác biển. Theo Luật Thuỷ sản 2017 và các quy định có liên quan thì phương tiện có chiều dài từ 12 m trở lên thuộc diện phải đăng kiểm và phương tiện có chiều dài từ 6 m trở lên phải có giấy phép khai thác thuỷ sản mới được hoạt động. Như vậy, đây không chỉ là hoạt động bắt buộc mà còn đảm bảo an toàn về trang thiết bị và kỹ thuật cho phương tiện trong quá trình hoạt động trên biển. Tuy nhiên, thời gian qua không ít chủ tàu cố tình tìm cách né tránh quy định này. Điều này càng thấy rõ hơn khi đối chiếu với số lượng tàu cá mà chi cục thuỷ sản đang quản lý. Qua thống kê, đến nay có trên 839 tàu trễ hạn đăng kiểm và trên 1.880 tàu trễ hạn giấy phép khai thác.
Nhiều phương tiện hoạt động nghề cấm nên chủ tàu cố tình né tránh việc đăng kiểm, đăng ký giấy phép khai thác bằng cách đi ra các cửa sông nhỏ thông ra biển, nơi không có chốt của lực lượng chức năng. |
Đặc biệt, trong số tàu trễ hạn đăng kiểm hơn 1 năm có đến 404 tàu và trễ hạn giấy phép khai thác hơn 1 năm có trên 1.359 tàu. Một trong những nguyên nhân khiến số lượng tàu trễ hạn đăng kiểm và giấy phép khai thác, theo Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Nguyễn Việt Triều phân tích, do chủ phương tiện đã rời địa phương, không liên hệ được và không biết được địa chỉ liên lạc với chủ tàu dẫn đến khó khăn trong công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thuỷ sản. “Có những tàu bán qua 2-3 chủ và nhiều tỉnh, thành phố khác nhau nên không thể tìm được”, ông Triều cho biết thêm.
Tình trạng trễ hạn đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác diễn ra nhiều nhất trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Theo Phó chủ tịch UBND huyện Võ Quốc Thống, hiện toàn huyện có 66 tàu chưa thể điều tra được hiện trạng do chủ tàu và tàu không còn ở địa phương hoặc nơi cư trú; 39 tàu đã sang bán mà không rõ người mua hiện tại ở đâu; 10 tàu đã hư hỏng rã xác và 67 tàu ngưng hoạt động do thiếu kinh phí.
Thực trạng trên không chỉ xảy ra ở huyện Trần Văn Thời mà là tình cảnh chung của các huyện ven biển. Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến cho biết, trên địa bàn huyện nhiều phương tiện chỉ còn trên mặt giấy tờ nhưng thực chất đã bị hư hỏng hay hoạt động nhiều nơi không tìm ra được. Do đó, cần có giải pháp xử lý dứt điểm số phương tiện này.
Hay trên địa bàn huyện Phú Tân cũng diễn ra tình cảnh tương tự. Toàn huyện hiện có khoảng 22 phương tiện có tên trong danh sách tàu cá nhưng thực tế đã hư hỏng không hoạt động từ lâu.
Báo động tàu chưa đăng ký
Không chỉ số tàu trễ hạn đăng kiểm, đăng ký cấp giấy chứng nhận khai thác thuỷ sản mà lượng tàu chưa được đăng ký đang tham gia hoạt động khai thác cũng đáng báo động. Qua điều tra sơ bộ, hiện toàn tỉnh còn hơn 1.000 phương tiện thuộc diện này. Đây là những trường hợp thuộc diện mới cải hoán từ phương tiện thuỷ nội địa, đóng mới và mua lại.
Theo quy định về quản lý tàu cá, các trường hợp tàu cải hoán, đóng mới hay mua trong và ngoài tỉnh phải có văn bản chấp thuận của chi cục thuỷ sản. Nếu chủ tàu không chấp hành sẽ căn cứ theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ để xử phạt, trung bình các trường hợp này bị phạt đến 150 triệu đồng. Ông Triều cho biết, tất cả các tàu cá trong diện chưa được đăng ký hiện nay đều rơi vào tình cảnh không có văn bản chấp thuận của chi cục thuỷ sản. Do đó, để khôi phục lại hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, chủ tàu phải chịu phạt bình quân 150 triệu đồng, trong khi những phương tiện đóng mới chỉ khoảng chục triệu đồng nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
Một thực tế gần như ai cũng biết là hầu hết các phương tiện chưa đăng ký hiện nay đều là tàu nhỏ được cải hoán từ phương tiện thuỷ nội địa tự phát. Đa phần các ngành nghề khai thác, ngư cụ của các phương tiện này thuộc diện cấm. Tuy nhiên, họ là những ngư dân nghèo chỉ biết bám vào vùng ven biển mưu sinh hàng ngày. Do đó, giải quyết dứt điểm thực trạng này là vấn đề lớn và vô cùng khó khăn, cần có giải pháp căn cơ, bền vững từ nhiều cấp, nhiều ngành và toàn xã hội.
Đối với tàu đã trễ hạn đăng kiểm từ 1 năm trở lên, ông Triều cho biết, giải pháp mà chi cục thuỷ sản đưa ra là sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý có liên quan về tàu mất tích. Nếu sau 1 năm kể từ ngày công bố mất tích, các chủ tàu không thực hiện việc gia hạn đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thuỷ sản thì sẽ bị xoá tên tàu khỏi sổ bộ tàu cá quốc gia. “Một khi tàu đã được "khai tử” thì không thể "khai sinh” lại!”, ông Triều khẳng định.
Riêng đối với các trường hợp hơn 1.000 tàu chưa đăng ký hiện nay, ông Triều cho biết thêm, nếu các địa phương từ ấp đến xã cam kết chốt con số 1.000 và cam kết không phát sinh thêm trong thời gian tới thì chi cục thuỷ sản sẽ kiến nghị cho chủ trương đăng lý lần đầu đối với tàu không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền và sẽ tiến hành phục hồi văn bản này, đồng thời xin miễn xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019, của Chính phủ.
Các quy định trong công tác quản lý tàu cá và hoạt động khai thác hiện nay là không thiếu, tuy nhiên như thế là chưa đủ mà cần tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền, vận động. Chỉ khi ngư dân biết, hiểu và tự giác thực hiện thì nghề khai thác mới thực sự ổn định, hiệu quả và phát triển bền vững./.
Nguyễn Phú