“Quy định hiện hành bắt buộc tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ sản phẩm còn nhiều bất cập. Bởi, việc di chuyển của tàu cá từ cửa biển không có cảng cá chỉ định sang cửa biển có cảng cá chỉ định (cửa biển Sông Ðốc và Rạch Gốc) để cập cảng, bốc dỡ, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản phục vụ xuất khẩu rất tốn kém chi phí, thời gian và gần như không thể bắt buộc tất cả tàu cá chiều dài từ 15 m trở lên thực hiện đúng theo quy định”, ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trăn trở.
Thực tế trên đang gây bức xúc đối với các chủ phương tiện hành nghề khai thác hải sản ở một địa phương có bờ biển trên 254 km, nhiều cửa biển trải rộng từ Ðông sang Tây như Cà Mau. Các cửa biển lớn trên địa bàn tỉnh cách xa nhau từ 60-100 km; hạ tầng, hậu cần ở các cảng cá chỉ định cũng không thể đảm bảo. Việc buộc những tàu khai thác tại khu vực biển Gành Hào (Tân Thuận - Ðầm Dơi) phải vào cảng chỉ định Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), hay như Khánh Hội (huyện U Minh), Cái Ðôi Vàm (huyện Phú Tân) vào cảng chỉ định tại cửa Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) là điều rất thiếu thực tế.
Tàu khai thác công suất lớn thuộc khu vực cửa biển Khánh Hội phải vào cảng chỉ định tại Sông Ðốc để bốc dỡ hàng hoá là điều rất bất cập hiện nay. (Ảnh chụp tại Khánh Hội, huyện U Minh).
Toàn tỉnh có trên 4 ngàn phương tiện hành nghề khai thác hải sản có công suất lớn, trong đó có trên 1.500 phương tiện có chiều dài từ 15 m trở lên. Nếu sau mỗi đợt khai thác, các tàu phải vào 2 cảng chỉ định nêu trên thì sẽ “vỡ trận”, không chỉ về năng lực các cảng không đáp ứng mà kéo theo nhiều vấn đề liên quan như: an ninh - trật tự, dự trữ hàng hoá, vận chuyển, nguồn nhiên liệu và các vấn đề hậu cần phục vụ chuyến biển tiếp theo... Ðiều này cũng đồng nghĩa phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương có cửa biển mà chưa có cảng chỉ định, sinh kế hậu cần nghề cá...
“Có 10.624 ngư phủ hoạt động trên tàu có chiều dài từ 15 m trở lên mà chỉ tập trung vào 2 cảng cá chỉ định thì khó đảm bảo về mọi mặt, cùng với lượng ngư phủ các tàu nhỏ hơn sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp khác tại 2 địa phương Sông Ðốc và Rạch Gốc”, ông Nguyễn Việt Triều nhận định tình hình.
Một thực tế nữa là toàn tỉnh có 349 chiếc tàu hành nghề hậu cần (274 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên, với 1.976 ngư phủ), có bến cá ngay tại các cửa biển gắn liền với hệ thống nhà xưởng phục vụ sản xuất, kinh doanh, nếu buộc phải cập cảng thì sẽ phát sinh nhiều chi phí, không đáp ứng nhu cầu thực tế trong sản xuất, kinh doanh.
“Quy định tàu thu mua của doanh nghiệp tư nhân (gia đình) lên hàng tại cảng chỉ định, sau đó vận chuyển về cơ sở sản xuất làm phát sinh chi phí rất lớn, làm giảm chất lượng hàng hoá, trong khi đó đơn vị có bến cá, hàng hoá lên được cán bộ đến thống kê, theo dõi, xác nhận, thuận lợi cho sản xuất và cũng đảm bảo công tác quản lý, giảm tình trạng ùn ứ tại cảng cá...”, một chủ doanh nghiệp hành nghề thu mua tại thị trấn Sông Ðốc phản ảnh.
Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 70 bến cá hoạt động theo hình thức này.
Hải sản sau chuyến biển tại Cảng Sông Đốc.
Ông Huỳnh Thanh Ðảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, cho biết, trên địa bàn hiện có bến cá tư nhân hoạt động rất hiệu quả vì gần cửa biển, trung tâm thị trấn, thuận tiện về giao thông, trong khi đó cảng cá thì xây dựng sâu vào bên trong, đường bộ thiếu đảm bảo cho xe tải trọng lớn vào vận chuyển nên việc buộc tàu khai thác vào cập cảng còn nhiều khó khăn.
Toàn tỉnh có 5 cảng cá đang hoạt động, gồm: Cà Mau, Sông Ðốc, Cái Ðôi Vàm, Rạch Gốc và Hố Gùi. Các cảng cá đáp ứng được 350 tàu cập cảng/ngày, sản lượng hàng hoá qua cảng khoảng 86 ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, hạ tầng tại các cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ, các tuyến lộ xe đấu nối từ cảng cá chỉ định (Sông Ðốc, Rạch Gốc) với Quốc lộ 1 giới hạn tải trọng (không quá 8-10 tấn) nên việc xếp dỡ, vận chuyển hàng hoá bị hạn chế.
Theo thống kê của ngành thuỷ sản, sản lượng khai thác biển được theo dõi đạt 167.033 tấn tại cảng cá và trên 50.318 tấn thuỷ sản khai thác được thống kê tại các địa phương không có cảng cá (số liệu năm 2020). Tỉnh đã nâng tỷ lệ sản lượng khai thác được theo dõi từ 10% (năm 2020) lên 54% (đến đầu tháng 11/2023), do đã chủ động triển khai thống kê sản lượng khai thác tại các cơ sở thu mua ở những địa phương không có cảng cá.
Với điều kiện địa lý “trên bến dưới thuyền” của vùng sông nước, các cơ sở kinh doanh được hình thành các bến cá để tổ chức thu mua, chuyển tải, phân loại, sơ chế, chế biến các mặt hàng thuỷ sản từ khai thác nhằm góp phần giảm tải việc ùn ứ tàu cá, hàng hoá khi cập cảng, bốc dỡ trong điều kiện hạ tầng dịch vụ nghề cá chưa được đầu tư đúng mức ở từng giai đoạn, thời kỳ đã qua, đây là thực tế, cần xem xét và linh hoạt trong thực hiện quy định trong quản lý nguồn lợi hải sản./.
Trần Nguyên