(CMO) “Năm 2022, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, nguồn vốn hỗ trợ nông dân (HTND) tăng từ 2 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ông Nguyễn Trường Giang cho biết.
Khi tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ đầu tư sản xuất, thu nhập nông dân không ngừng tăng lên so với trước khi tham gia dự án (bình quân thu nhập tăng từ 15-20%/năm, cụ thể tăng khoảng từ 30-40 triệu đồng/hộ/năm). Các cấp Hội Nông dân góp phần vào thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, giúp được 186 hộ hội viên, nông dân thoát nghèo, qua 281 điểm giải ngân dự án, giải quyết việc làm cho 2.849 lao động nhàn rỗi trong hội viên, giảm tỷ lệ hội viên vì cuộc sống khó khăn phải đi làm ăn xa.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, cho biết, đầu năm 2022, Hội Nông dân huyện giải ngân dự án nuôi cá bổi thương phẩm tại xã Khánh Lộc, với số vốn 150 triệu đồng cho 5 hộ vay. Từ những mô hình như thế đã phát huy vai trò của tổ chức hội, đời sống hội viên nông dân từng bước ổn định, biết tổ chức sản xuất, tạo điều kiện đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào ứng dụng thực tế trong sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tận dụng tối đa tiềm năng đất đai…
Trong danh sách 62 nông dân được đề nghị danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương năm 2021 có 2 cá nhân để lại ấn tượng sâu sắc. Họ là những nông dân chí thú làm ăn; hướng mô hình sản xuất, kinh doanh theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), bằng ý chí và quyết tâm cao đã khẳng định được tính bền vững của mô hình. Sản phẩm tôm khô của ông Hồng Chí Tâm đã được chứng nhận OCOP vào năm 2020, xếp hạng 3 sao. Ðây là động lực để doanh nghiệp phấn đấu lên 4 sao, 5 sao thời gian tới.
Ðể chủ động nguồn nguyên liệu tôm, ở thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) hiện nay, hầu như chỉ còn gia đình ông Hồng Chí Tâm và người anh ruột là Hồng Chí Phong duy trì nghề đáy hàng khơi. |
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển Lê Ngọc Lâm chia sẻ: “Từ năm 2011, khi ông Tâm khởi nghiệp, Hội Nông dân huyện đã trợ lực xây dựng thương hiệu cho con tôm khô Rạch Gốc, hỗ trợ hết mình và phấn khởi hơn khi năm 2020 con tôm khô của cơ sở Chí Tâm đã được chứng nhận OCOP và là sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện; tiền đề cho những hộ nông dân khởi nghiệp sau. Qua 11 năm, vai trò của Hội Nông dân đã được khẳng định”.
Trong danh sách đề cử năm nay có anh Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp, thuỷ sản Ông Muộn (ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau). Thành lập và đi vào hoạt động cuối tháng 10/2018, chức năng của HTX là cung ứng lúa giống, con giống và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Vụ đầu, ngoài diện tích đất của các thành viên, HTX còn liên kết sản xuất với 34 hộ dân lân cận để sản xuất lúa VietGAP trên diện tích 52 ha. Sau vụ mùa, HTX bao tiêu với tổng sản lượng hơn 460 tấn lúa. Ðiểm nhấn là HTX đã xây dựng nhãn hiệu gạo, được cơ quan chức năng chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và sản phẩm gạo của HTX cũng đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020.
Cũng trong năm 2020, từ nguồn Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ giống lúa, vật tư nông nghiệp, con tôm giống cho Hợp tác xã Ông Muộn. Từ sự quan tâm đó, các xã viên rất phấn khởi, vì trong hành trình này họ không đơn độc.
Anh Nguyễn Văn Toàn phấn khởi chia sẻ: “Vụ đông xuân vừa qua, diện tích sản xuất lúa VietGAP của HTX đạt năng suất hơn 5,5 tấn/ha trên tổng diện tích liên doanh, liên kết và của tất cả các xã viên; tháng 8 âm lịch năm nay sẽ tiến hành làm vụ mới; hướng tới mở rộng liên doanh, liên kết để tăng sản lượng lúa, đồng thời tập trung mọi nguồn lực để nâng sao cho sản phẩm “Gạo sạch Ông Muộn”./.
Phú Hữu