(CMO) Từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau chưa có trường hợp tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Đó là tín hiệu đáng mừng trong vấn đề tháo gỡ thẻ vàng của Uỷ ban Châu Âu (EC) đối với ngành khai thác thuỷ sản tỉnh. Đây không chỉ là kết quả của sự nhận thức ở ngư dân được nâng lên mà còn cho thấy hiệu quả của các biện pháp chế tài về vấn đề khai thác trái phép trên biển.
Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Nguyễn Việt Triều cho hay: “Rõ ràng, đã có sự chuyển biến so với cùng kỳ năm trước về vấn đề tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong đó, một phần phải kể đến chính là trong nội tại ngư dân bắt đầu “thấm” dần với mức phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 8/3/2019, của Chính phủ, cao gần 10 lần so với trước đây”.
Cửa biển Sông Đốc, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, sầm uất nhất tỉnh, được tuyên truyền mạnh về chống khai thác bất hợp pháp trên biển. |
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính từ cuối tháng 10/2017 đến đầu năm 2020, tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thuỷ sản trái phép đã giảm nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra. Đã có 38 tàu/219 thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Trong đó, Philippines 1 tàu/4 thuyền viên, Thái Lan 33 tàu/195 thuyền viên, Malaysia 4 tàu/20 thuyền viên. Điều phấn khởi là trong 8 tháng đầu năm 2020, chưa ghi nhận trường hợp tàu cá nào bị nước ngoài bắt giữ.
Để hạn chế thấp nhất vấn đề vi phạm này, đã qua, Sở NN&PTNT chỉ đạo lực lượng chuyên môn tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển. Qua đó, phát hiện và xử lý hơn 850 vụ vi phạm, với số tiền thu phạt trên 13 tỷ đồng. Trong đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản của Chi cục Thuỷ sản đã phát hiện, tham mưu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản trên 500 vụ, thu phạt với số tiền gần 9,4 tỷ đồng đối với các tàu cá trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, Thanh tra Sở NN&PTNT, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện phát hiện, xử lý 353 vụ, thu phạt gần 3,8 tỷ đồng. Qua đó còn lồng ghép vào công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thuỷ sản để tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác có liên quan đến lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho gần 3.200 trường hợp. Đây cũng là sự cố gắng, nỗ lực không chỉ riêng ngành NN&PTNT mà còn là sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ về các giải pháp chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định của cả hệ thống chính trị tỉnh.
Tuy nhiên, ông Triều cho biết thêm: “Một số chủ tàu lấy lý do bận công việc không trực tiếp tham gia các lớp tập huấn mà cử đại diện là người nhà, những người không trực tiếp sản xuất, không am hiểu về nghề cá khiến ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tuyên truyền cũng như thực thi pháp luật của ngư dân”.
Để tạo sức răn đe, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản với mức xử phạt rất cao. Qua triển khai, áp dụng trong thực tế, bước đầu đã mang lại những tác động tích cực đến nhận thức của người dân. Tuy nhiên, nghị định cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Triều quyết tâm: “Để tháo gỡ thẻ vàng, từng cơ quan, đơn vị phải thật sự vào cuộc, quyết liệt triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ bộ phận trực tiếp thực hiện nhiệm vụ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm, nâng cao ý thức ngư dân”./.
Hồng Nhung