(CMO) Trồng màu, cây ăn trái trên vùng ngọt hoá trong giai đoạn thiên tai hiện nay gặp nhiều khó khăn, ấy vậy mà ông Ðỗ Văn Ngỡi, Ấp 6, xã Nguyễn Phích, đã thành công khi trồng hơn 1.000 cây quýt trên đất nuôi tôm. Câu chuyện trái ngọt trên vùng đất mặn chính là tấm gương cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm của người cựu chiến binh đã bước sang tuổi 78.
Không khỏi bất ngờ khi tham quan vườn quýt trĩu quả của ông Ngỡi vào những ngày thu hoạch. Tuy được trồng ở vùng đất mặn nhưng cây quýt vẫn cho năng suất cao. Tại một số vùng nuôi tôm của Nguyễn Phích, việc cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn trái chủ yếu phục vụ trong gia đình. Riêng ông Ngỡi được xem là người đầu tiên mang lại hiệu quả kinh tế khi biến đất bờ vuông thành vườn cây ăn trái.
Ông Ngỡi cho biết: “Trước đây tôi sống ở xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển. Ở xứ nước mặn bao đời nay mà vợ chồng tôi vẫn trồng rau màu, cây ăn trái được. Từ lúc chuyển về U Minh sống, bên kia sông bà con trồng lúa, trồng màu, còn bên đây sông tôi nuôi tôm. Có hơn 10 công đất sản xuất mà kinh tế chỉ dựa vào con tôm thì khó có thể phát triển. Vậy là vợ chồng tôi quyết tâm cải tạo bờ vuông để trồng cây ăn trái”.
Vợ chồng ông Ngỡi phấn khởi vì thành công khi trồng cây quýt trên đất mặn. |
Trong khi nhiều người bỏ quê lên phố lập nghiệp, ông Ngỡi nhìn thấy tiềm năng mảnh đất này. Kinh nghiệm nhiều năm trồng trọt cộng thêm sự quan sát, ông Ngỡi quyết định chọn cây quýt để phát triển. Vậy là tận dụng đất bờ vuông, ông Ngỡi mạnh dạn trồng hơn 1.000 gốc quýt. Ông Ngỡi nhận định: “Cây quýt thuộc nhóm cây có múi như cam, bưởi, chanh. Trong khi đó, cây bưởi, cây chanh chịu nhiệt độ cao và sống được ở vùng mặn, cộng thêm quýt có giá thành ổn định nên tôi quyết chọn trồng quýt”.
Cây quýt vốn khó chăm sóc, khi trồng trên đất mặn cần chú ý nhiều hơn. Bên cạnh chọn giống uy tín, khâu cải tạo đất quyết định đến năng suất của cây rất lớn. Theo ông Ngỡi: “Cái khó đầu tiên là cải tạo đất và chọn được giống phù hợp. Nhiều người nghĩ đất mặn sẽ không trồng được cây ăn trái nên không làm tới nơi tới chốn. Theo kinh nghiệm của tôi, đất mặn trước khi trồng cây cần phải rải vôi để xử lý”.
Theo chu kỳ phát triển, quýt trồng khoảng 2 năm là cho trái. Tuy nhiên, những năm sau quýt cho năng suất cao hơn. Hiện tại vườn quýt của ông Ngỡi chính thức thu hoạch được 2 năm. Năm nay ông Ngỡi thu hoạch trên 1 tấn quýt, năng suất cao hơn vụ thu hoạch đầu tiên. Quýt sau khi thu hoạch được tiêu thụ ổn định, lái đến tận nhà mua. Hiện nay, giá quýt bán tại vườn được 25.000 đồng/kg.
Quýt nhà ông Ngỡi đang vào vụ thu hoạch, giá mỗi ký 25.000 đồng. |
Ông Ngỡi tính toán: “Thông thường thời gian quýt ra bông khoảng tháng 4 âm lịch, đến tháng 11 âm lịch bắt đầu thu hoạch. Giai đoạn từ khi quýt ra bông đến khi thu hoạch có vài tháng rất nắng nên người trồng quýt phải theo dõi. Trong giai đoạn này phải tưới nước thường xuyên, tưới gấp 2 lần bình thường để trái quýt không bị chai thịt, thiếu nước”.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn quýt đang chín óng ánh, vợ chồng ông Ngỡi không giấu được niềm vui. Trồng cây trên vùng đất ngọt vốn đã khó, trồng cây trên vùng đất mặn còn khó gấp nhiều lần. Từ mảnh đất mặn chuyên nuôi tôm, vợ chồng ông Ngỡi đã phủ lên màu xanh của cây trái. Hiện nay, ngoài cây quýt, ông Ngỡi còn trồng thêm các loại cây ăn trái khác như bưởi, sa bô chê…
Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nguyễn Phích Lữ Trường Ðảm cho biết: “Hiện nay, nhiều hội viên cựu chiến binh đã tận dụng đất tăng gia sản xuất. Mô hình trồng cây ăn trái trên vùng đất mặn của ông Ngỡi là cách làm mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Thành công từ cách làm của ông Ngỡi không chỉ cho thấy sự sáng tạo, cần mẫn và quyết tâm của người nông dân, mà còn là động lực để nhiều người mạnh dạn hơn trong lao động sản xuất”./.
An Kỳ