ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 14-11-24 23:52:22
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Rừng gọi

Báo Cà Mau (CMO) Cà Mau, được mẹ thiên nhiên ban tặng hệ thống rừng ngập mặn trải dài qua 6 huyện ven biển và rộng hơn 60.000 ha. Muôn đời nay, con người luôn gắn bó với rừng. Trong mưa bom, bão đạn, rừng chở che bao đoàn quân cách mạng, bao chuyến tàu chở vũ khí. Hoà bình về, rừng tiếp tục toả bóng, giúp người dân an cư, sản xuất.

Sau gần 120 phút ngồi xe, chúng tôi đã đứng trước Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển). Ngôi nhà sàn bằng bê-tông (trụ sở làm việc của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau), được những cây đước cao vời vợi, thân to gần 1 vòng ôm, toả bóng rợp mát. Câu đầu tiên khi gặp “chủ rừng” - anh Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, tôi hỏi: "Hình ảnh nào thể hiện khi rừng ngập mặn vào xuân?". Anh Dũng hứa: "Lát nữa, khi vào rừng, tôi sẽ chỉ cho chị thấy".

Chiếc ca nô chòng chành đưa chúng tôi xuyên qua những cánh rừng đước cao vời vợi, thân thẳng đứng, rễ tua tủa cắm sâu xuống đất, anh Dũng chỉ tay vào rừng, bảo: "Ðây là rừng phục hồi sinh thái, trong này, nhiều khu cây hơn 30 năm". Cứ thế, chiếc ca nô đưa chúng tôi xuyên qua những dòng kênh, con rạch dưới tán cây rừng ngút ngàn mát rợi. Bất giác, anh Dũng tay chỉ phía có 1 cây lá đỏ, rồi ra hiệu cho ca nô chạy chậm lại, sau đó nói: "Ðây là hình ảnh rừng ngập mặn vào xuân đó chị!".

Anh Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, giải thích: "Ðó là cây dá, loài cây sống ở vùng ngập mặn. Khi trời chuyển gió chướng, cây dá trút lá già, sau đó, chồi màu đỏ lớn dần". Nhìn cây dá cao chừng 2 mét, mang trên mình chiếc áo màu đỏ tía, tôi bâng khuâng chợt nghe mùa xuân đến bên thềm và thầm nghĩ: Cảnh vật đón xuân ở đất nước mình phong phú làm sao! Mỗi vùng miền một loài hoa đặc trưng. Miền Bắc vào xuân có hoa đào; mai vàng, về đúng hẹn khi Nam Bộ vào xuân. Còn nơi cuối trời Nam của Tổ quốc, tuy không trổ bông, nhưng cây dá lại khoác lên mình chiếc áo ấn tượng, rồi vươn mình, lớn lên cùng các loài cây trên đất ngập mặn, như: đước, sú, mắm...

Trong tổng diện tích hơn 63.000 ha rừng ngập mặn của Cà Mau, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 41.000 ha. Nhớ một dạo, rừng ngập mặn nói chung và rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nói riêng, luôn bị con người “dòm ngó”. Ðước dùng làm cột, làm kèo, hoặc làm chất đốt… Vì vậy, nhiều mảng rừng đước lâu năm ở Tam Giang, Viên An, Bảy Háp, Kiến Vàng, Rạch Gốc… bị thưa dần. Qua nhiều biện pháp tuyên truyền, quản lý, cũng như các chính sách khuyến khích người dân giữ rừng; mặt khác, thực tiễn chứng minh: nơi nào có rừng, nơi đó thuỷ sản không bị chết trắng. Nhờ vậy, tình trạng chặt phá rừng đã giảm.

Rừng ngập mặn sinh sôi.

Theo anh Lê Văn Dũng, hiện tại trên lâm phần của ban có hơn 220 hộ thuê khoán rừng. Trong đó, đại đa số bà con thực hiện đúng cam kết bảo vệ rừng. Ðiển hình như ông Trần Văn Hướng, nhận 8 ha rừng từ năm 1998, đến nay, vườn rừng của ông còn nguyên vẹn. Với phương châm sản xuất xen canh (nuôi cua, tôm) dưới tán rừng, mỗi năm, ông Hướng thu hoạch bạc trăm triệu. Ông Hướng cho rằng: Rừng không chỉ là lá phổi cho con người sinh tồn, mà còn là mái nhà cho thuỷ sản sinh sôi.

Cà Mau triển khai chủ trương giao đất, giao rừng cho những hộ nghèo, thiếu đất sản xuất từ những năm cuối thế kỷ trước. Tỷ lệ rừng và tôm giữa hộ được giao khoán đất với các đơn vị quản lý có khác nhau. Trong đó, 60% diện tích nuôi tôm, phần còn lại là rừng. Áp dụng tiến bộ khoa học trong nuôi thuỷ sản, nhiều hộ định cư trên các lâm phần từng bước sản xuất đạt hiệu quả. Vui hơn, gần 50% trong tổng số hơn 18.000 hộ nhận đất rừng cuộc sống yên an. Ví dụ như ông Ðoàn Quốc Tuấn ở ấp Nhưng Miên, xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển, nhận 6 ha đất rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ðất Mũi, sau gần 15 năm canh tác, ông Tuấn vừa giữ rừng tốt, vừa nuôi thuỷ sản đạt kết quả, mỗi năm thu về từ 250-300 triệu đồng. Ông Tuấn cho biết: “Tôi giữ rừng sau 10 năm, được Nhà nước cho tỉa thưa, thu về gần 70 triệu đồng”.

Rừng ngập mặn Cà Mau được con người “ký thác” nhiều trọng yếu: vành đai chắn sóng biển Tây; lá phổi xanh bảo vệ môi trường sống. Ðặc biệt, rừng ngập mặn ngày càng có vai trò quan trọng đối với lợi ích kinh tế của con người. Trước mắt, rừng ngập mặn là một trong những “nguyên cớ” lôi cuốn du khách xuôi về miền cực Nam của Tổ quốc tham quan, thưởng lãm.

Vai trò, chức năng của rừng rất lớn. Tuy nhiên, ngoại trừ số hộ nhận đất rừng sản xuất, được gọi là “chủ rừng cá thể”, có thu nhập từ nuôi trồng thuỷ sản dưới tán rừng, còn hàng trăm cán bộ, nhân viên công tác tại 5 đơn vị quản lý rừng ngập mặn thuộc ngành kiểm lâm Cà Mau, gọi là “chủ rừng tập thể”, nguồn thu nhập chính và kinh phí hoạt động của đơn vị đều từ ngân sách.

Anh Phan Ðức Út, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Năm Căn - đơn vị quản lý hơn 24.000 ha đất rừng, trong đó, có 4.600 hộ dân được giao khoán, tâm sự: “Trong số gần 100 cán bộ, nhân viên ngành kiểm lâm công tác tại huyện Năm Căn, nhiều anh em gia cảnh khó khăn. Ngoài ra, cơ sở vật chất cơ quan xuống cấp, chúng tôi chỉ chờ cấp trên phân bổ”. Cùng chung tâm tư, anh Phan Minh Trí, Phó ban Quản lý rừng phòng hộ Ðất Mũi, bộc bạch: “Tôi ở rừng đã hơn 28 năm, nhiều lúc cũng băn khoăn, chỉ mong tỉnh có chính sách giúp ngành kiểm lâm tạo nguồn thu từ rừng, để có thêm sinh kế, giúp anh em an tâm công tác”.

Với anh Lê Văn Dũng, vấn đề tạo sinh kế từ rừng, dường như nóng bỏng, thôi thúc cán bộ, nhân viên ở đây xây dựng phương án, kế hoạch, đề xuất, kiến nghị cấp trên xem xét. Anh Dũng cho rằng: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đang đứng trước nhiều cơ hội tạo sinh kế. Trước hết, rừng phải gắn liền với du lịch, tạo nguồn lợi để hỗ trợ kinh phí cho đơn vị hoạt động và đầu tư nuôi rừng. Theo anh Dũng, bình quân mỗi ngày có từ 60-80 du khách ghé qua vườn trải nghiệm, thưởng ngoạn phong cảnh rừng đước Mũi Cà Mau. Song khách đến ngắm nghía thoáng chốc rồi đi… Cứ thế, cây rừng lớn lên theo thời gian, nhưng chưa tạo ra nguồn lợi giúp người giữ rừng cải thiện đời sống.

Cà Mau đang triển khai nhiều dự án phát triển du lịch, trong đó, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là một trong những điểm nhấn thu hút du khách. Tuy nhiên, mọi xúc tiến vẫn trong trạng thái chờ. Trong lúc đó, nhiều hộ dân nhạy bén mở tour, điểm du lịch - tuy chỉ là dịch vụ ăn uống, nhưng dẫu sao cũng níu chân du khách trải nghiệm rừng ngập mặn Cà Mau.

Tình cờ gặp đoàn khách từ miền Trung đến tham quan Ðất Mũi. Tìm hiểu nhu cầu du khách, ông Ðoàn Ngọc Năm, một trong số du khách, cho rằng: “Các dịch vụ ở đây còn đơn điệu. Chúng tôi muốn biết nhiều hơn về Ðất Mũi, về rừng đước, nhưng tài liệu sơ sài quá! Việc kết nối tour, tuyến chưa liền mạch, thu hút sự tò mò của du khách”.

Năm mới sắp đến, mọi dự tính, mọi công việc cho năm sau đang được các ngành, các địa phương xây dựng, triển khai. Liệu chăng năm Quý Mão 2023, rừng ngập mặn Cà Mau, cũng như Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có gì mới, thu hút du khách? Tạm biệt rừng ngập mặn, câu hỏi này cứ văng vẳng bên tôi!.

 

Quỳnh Mai

 

Ðề án 1 triệu héc-ta lúa hiệu quả tích cực bước đầu

Theo kế hoạch thực hiện Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Ðề án), trên địa bàn tỉnh hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp khoảng 25.000 ha. Các vùng chuyên canh này được tổ chức hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Giữ nghề truyền thống

Nghề làm lờ, lọp ở huyện Trần Văn Thời được hình thành từ rất lâu. Theo thời gian, số hộ làm nghề ngày một ít đi và đang đứng trước nguy cơ mai một. Tuy nhiên, hiện tại một số người vẫn quyết tâm duy trì, với mong muốn giữ nghề truyền thống ông cha đã để lại và tiếp tục lưu truyền cho các thế hệ con cháu sau này.

Ðừng để hoang phí đất

Giảm nghèo là một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là mục tiêu được hướng đến. Thế nhưng, thực tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân tư duy sản xuất, cách sống chậm chuyển biến, dẫn đến không thể thoát khỏi cái nghèo. Trong nhiều trường hợp khó khăn ấy, qua khảo sát thực tế, có trường hợp vẫn sở hữu tư liệu sản xuất (dù ít), có đất vườn (khu vực nông thôn), nhưng quỹ đất này chưa phát huy hiệu quả.

Vào vụ màu Tết

Chưa đầy 3 tháng nữa là đến tết Nguyên đán 2025, ngay từ đầu tháng 11, nông dân trên địa bàn các xã Khánh Bình Tây, Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đã tích cực làm đất, ươm hạt, chăm sóc vụ rau màu, đặc biệt tập trung vào sản xuất các mặt hàng nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết.

Tập trung sản xuất lúa đông xuân

Những ngày này, nông dân trong tỉnh đang tập trung sản xuất vụ lúa đông xuân 2024-2025. Ðây là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, bởi ngoài thời tiết thuận lợi, lúa đạt năng suất thì giá lúa cũng cao hơn so với vụ hè thu.

Hỗ trợ nông dân kết nối, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử

Chiều 1/11, Hội Nông dân tỉnh và Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Felix tổ chức lễ ký kết hợp tác hỗ trợ hội viên, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp nông dân lên sàn Thương mại điện tử Nông sản B2B (Felix.store), kết nối giao thương, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Ứng dụng công nghệ để tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các viện, trường, nhà khoa học; các sở, ngành, chính quyền địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp; người trực tiếp sản xuất để xác định được các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tiễn địa phương. Đồng thời, đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp về nhân lực, khoa học và công nghệ, tín dụng và các ngành phụ trợ để giải quyết các vấn đề sản xuất mà Cà Mau đang gặp phải. Đây là mục tiêu đặt ra của Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống”, do Sở KH&CN tổ chức sáng 1/11.

Sản lượng và lợi nhuận của người nuôi tôm phải song hành

Đó là chủ đề chính được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo tham vấn về giải pháp nuôi tôm hiệu quả, vừa được Cục Thuỷ sản phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức sáng 31/10.

Thêm thu nhập từ soi ốc bươu vàng

Trên các cánh đồng bồn bồn của bà con huyện U Minh, ốc bươu vàng sinh sản nhanh. Soi ốc bươu vàng ban đêm thời gian gần đây đã tạo thêm thu nhập cho bà con, đồng thời góp phần giảm lượng ốc, bảo vệ cây trồng.

Ðưa bánh phồng tôm "xuất ngoại"

Làng nghề bánh phồng tôm ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, hình thành và phát triển đến nay trên 50 năm. Với hương vị thơm ngon, món bánh phồng tôm đã chinh phục được thực khách trong, ngoài tỉnh và nước ngoài. Những năm gần đây, để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm bánh phồng tôm, các chủ thể, cơ sở sản xuất đã đầu tư trang thiết bị, cải tiến chất lượng sản phẩm, bao bì, đưa bánh phồng trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, nâng lên 5 sao để đủ chuẩn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.