Sách lý luận chính trị được ví như cẩm nang của cán bộ, đảng viên, chuyên cung cấp hệ thống tri thức về lĩnh vực chính trị, kết quả hoạt động nghiên cứu lý luận và thực tiễn chính trị qua từng giai đoạn lịch sử, có tính kế thừa và phát triển. Sách lý luận chính trị rất “kén” người đọc, bởi nội dung còn khô khan. Song, giá trị của sách lý luận chính trị vô cùng to lớn, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ
- Ðảng viên lan toả thông tin tích cực
- Phụ nữ khẳng định tầm quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng
Sách lý luận chính trị bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là sách có nội dung khẳng định giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của sách lý luận, chính trị. Trong bài viết “Vì sao phải viết sách này?”, giới thiệu tác phẩm “Ðường cách mệnh”, Người bày tỏ: “Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh” (1).
Trưng bày sách tại Trung tâm Báo chí Ðại hội XIII của Ðảng.
Giá trị sách lý luận chính trị
Sách lý luận chính trị chuyên cung cấp luận cứ khẳng định bản chất cách mạng, khoa học, cùng những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp những luận cứ chứng minh con đường đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế... là sự vận dụng sáng tạo, phù hợp chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Hệ thống kiến thức, nội dung phong phú, đa dạng, đa chiều, có tính tổng kết lý luận và thực tiễn, nhìn về lịch sử, dự báo tương lai của sách lý luận chính trị đã góp phần xây dựng thế giới quan và tạo dựng niềm tin vững chắc cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng. Ðặc biệt, trong giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay, việc định hướng tư tưởng, thống nhất nhận thức chính trị, nhất là đối với những vấn đề mới, phức tạp, nhạy cảm của sách lý luận chính trị là nhu cầu cấp thiết. Theo đó, nhiều nhà xuất bản, đặc biệt là Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã xuất bản nhiều ấn phẩm sách lý luận, chính trị như: tác phẩm kinh điển về lý luận chính trị, về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; sách văn kiện, nghị quyết Ðại hội Ðảng các cấp, Hội nghị Trung ương; sách bàn về Ðảng cầm quyền, về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; sách tổng kết lý luận và thực tiễn về quá trình đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; sách về các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Ðảng; sách về triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sách về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Vì thế, có thể khẳng định rằng, sách lý luận chính trị không chỉ là phương tiện thông tin thuần tuý, mà còn có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức các cuộc đấu tranh cách mạng; giáo dục và hướng dẫn hành động cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân. Bên cạnh đó, sách lý luận chính trị đặc biệt quan tâm nội dung tuyên truyền giữa xây và chống; cổ vũ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới... Thông qua việc luận giải, làm rõ luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch, sách lý luận chính trị giúp chúng ta nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, thái độ cương quyết, đấu tranh trực diện bằng những luận cứ khoa học, lý luận sắc bén. Ðồng thời, bằng những minh chứng thực tiễn về thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh, ngoại giao... để góp phần đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Ðiều đáng phấn khởi là thời gian vừa qua, các cấp uỷ đảng trong cả nước đưa một số sách, bài viết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào sinh hoạt chi bộ, như cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; tác phẩm Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”; bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng;...
Những thách thức, hạn chế
Hiện nay, hệ thống chính trị các cấp nói chung, từng cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp... nói riêng đều bố trí tủ sách pháp luật, thư viện, phòng sách, góc đọc sách... trong đó, có nhiều đầu sách lý luận chính trị. Tuy nhiên, việc tự giác đọc, nghiên cứu, làm theo sách lý luận chính trị còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, những vấn đề lý luận trong sách được áp dụng trong thực tiễn đời sống chưa nhiều. Số lượng sách bình quân theo đầu người còn thấp, cơ cấu đầu sách chưa hợp lý. Tiến độ phát hành sách còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu độc giả. Tình trạng in lậu sách vẫn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, sức thuyết phục về tính khoa học, lý luận, bút chiến của một số tác phẩm đấu tranh, phản bác chưa cao; một số vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng lý luận chậm giải quyết hoặc giải quyết nhưng chưa thấu đáo. Ðặc biệt, hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị chưa được đầu tư tương xứng. Việc mua, đọc, nghiên cứu, học tập lý luận chính trị của không ít tổ chức Ðảng và cán bộ, đảng viên chưa được chú trọng. Cơ chế, chính sách cho hoạt động xuất bản sách lý luận, chính trị còn những khó khăn, còn chậm trong việc thể chế hoá chủ trương, định hướng của Ðảng. Mặt khác, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, biên tập viên về lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý... của các nhà xuất bản chưa thật sự được quan tâm đúng mức.
Giải pháp phát huy giá trị sách
Từ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và những hạn chế, thách thức, để phát huy giá trị sách lý luận chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, bám sát chủ trương, đường lối của Ðảng về xuất bản sách lý luận chính trị. Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020, của Ban Bí thư Trung ương Ðảng “về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành, nghiên cứu, học tập lý luận, chính trị”. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Việc xuất bản loại sách đặc biệt này cần có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ hai, sách lý luận chính trị phải nâng cao chất lượng nội dung, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, chiến đấu, lại vừa truyền tải nội dung không khô cứng, mà sinh động, gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Tích cực, chủ động dự báo đúng tình hình; nắm chắc, nắm rõ luận điệu xuyên tạc, sai trái, vu khống của các thế lực phản động, thù địch để kịp thời biên soạn những cuốn sách có giá trị và hiệu quả, nhằm vạch trần âm mưu “diễn biến hoà bình”, chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, trong thời đại 4.0, đòi hỏi công tác xuất bản sách lý luận chính trị phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về nội dung, hình thức, phương thức phát hành, ứng dụng công nghệ, nền tảng số... nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ ba, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ biên tập tinh về kỹ năng, giỏi về chuyên môn, mạnh về nghiệp vụ. Có cơ chế, chính sách nhằm ưu tiên, ưu đãi để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý có kinh nghiệm, uy tín để tham gia nghiên cứu, biên soạn, biên dịch sách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, gắn với tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc nghiên cứu, quán triệt nội dung của sách.
Thứ năm, các cấp uỷ đảng cần đưa nội dung giới thiệu sách lý luận chính trị; các bài viết, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng... vào sinh hoạt chi bộ, để góp phần lan toả giá trị nội dung tuyên truyền, định hướng đến cán bộ, đảng viên.
Thứ sáu, cần xây dựng hệ thống quy định về tính pháp lý, kỹ thuật để tạo cơ sở cho việc phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm liên quan đến sách nói chung, sách lý luận chính trị nói riêng đăng tải nội dung trên không gian mạng./.
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.283.
Ðỗ Chí Công