(CMO) Mặc dù năm 2018 điều kiện thời tiết không thuận lợi cho tôm nuôi phát triển, cộng với giá tôm nguyên liệu trên thị trường không ổn định; Nhưng nhờ sự lãnh, chỉ đạo kỳ quyết của Huyện uỷ, điều hành linh hoạt của UBND huyện và tham mưu kịp thời của ngành chuyên môn, kinh tế thuỷ sản huyện Cái Nước tiếp tục tăng trưởng vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Để thực hiện đạt mục tiêu sản lượng thuỷ sản đề ra, ngay từ đầu năm, ngành chuyên môn huyện Cái Nước tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho bà con nông dân bằng nhiều hình thức như: Phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và quảng canh cải tiến, kết hợp với hội thảo đầu bờ nhằm giúp bà con nông dân có thêm kinh nghiệm thực tiễn để sản xuất hiệu quả hơn. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đối với loại hình nuôi tôm siêu thâm canh bằng giải pháp nuôi tôm theo quy trình công nghệ sinh học biofloc, nhằm ổn định môi trường nguồn nước trong ao đầm, hạn chế xảy ra dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tôm nuôi phát triển, rút ngắn thời gian thu hoạch, nuôi được nhiều vụ trong năm, tiết kiệm chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Năm 2018, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện Cái Nước được nhân lên gần 50 ha, với hơn 260 hộ dân thả nuôi, tập trung nhiều nhất ở xã Tân Hưng và Tân Hưng Đông. Đáng phấn khởi hơn, khi ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hầu hết các hộ nuôi tôm siêu thâm canh đều thành công và cho năng suất khá cao, trung bình hơn 30 tấn/ha/vụ. Cá biệt, một số hộ có kinh nghiệm chọn tôm giống sạch bệnh để thả nuôi, kết hợp quản lý tốt các yếu tố môi trường nguồn nước trong ao đầm, giúp tôm nuôi phát triển nhanh, tỷ lệ đạt đầu con cao, cho năng suất gần 45 tấn/ha/vụ, cao gấp 7 lần so với tôm thâm canh.
"Để loại hình tôm nuôi siêu thâm canh phát huy hiệu quả, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nuôi tôm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Qua đó, nông dân nuôi tôm siêu thâm canh nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa và thực hiện đầy đủ các quy định của ngành chức năng về điều kiện nuôi tôm siêu thâm canh", ông Nguyễn Thanh Việt, ấp Trần Mót, xã Tân Hưng Đông, chia sẻ.
Kiểm tra mật độ biofloc trong ao đầm nuôi tôm siêu thâm canh của HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng. |
Cùng với loại hình tôm nuôi siêu thâm canh, năm 2018, huyện Cái Nước có thêm loại hình nuôi tôm mới, đó là nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn. Thực hiện mô hình này, khi mua tôm giống từ trại sản xuất, nông dân không thả nuôi trực tiếp xuống vuông tôm mà dèo lại từ 10-15 ngày giúp tôm khoẻ mạnh, thích nghi với điều kiện môi trường, nguồn nước, sau đó mới thả ra vuông tôm để nuôi. "Cách nuôi mới này hạn chế cá tạp tấn công gây hại tôm giống nên tỷ lệ đầu con đạt khá cao, giúp năng suất tôm nuôi tăng so với cách nuôi truyền thống", anh Võ Tấn Đạt, ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, cho hay.
Ngoài 2 loại hình nuôi tôm mới được phát triển, diện tích tôm nuôi thâm canh cũng được bà con nông dân duy trì thả nuôi hơn 2 ngàn héc-ta, năng suất đạt gần 7,5 tấn/ha/vụ. Riêng loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cũng được bà con nông dân mở rộng diện tích thả nuôi hơn 20 ngàn héc-ta, tăng hơn so với năm 2017 và năng suất tôm nuôi đạt hơn 500 kg/ha/vụ.
Kết thúc năm 2018, tổng sản lượng thuỷ sản huyện Cái Nước thu hoạch được 43.500 tấn, đạt 101% chỉ tiêu kết hoạch đề ra. So với năm 2017 tăng 500 tấn, đáng phấn khởi trong đó sản lượng tôm nuôi tăng 100 tấn.
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất không chỉ giúp sản lượng thuỷ sản huyện nhà tiếp tục tăng trưởng vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, mà sản lượng tôm nuôi còn tăng lên đáng kể, nâng cao giá trị kinh tế, giúp đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân ngày thêm khởi sắc, góp phần thúc đẩy kinh tế huyện Cái Nước không ngừng phát triển./.
Việt Tiến