(CMO) Giá từ xăng dầu cho đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn… đều tăng cao, trong khi đó giá đầu ra nông - lâm - thuỷ sản biến động theo chiều hướng sụt giảm, đã khiến người trồng trọt, chăn nuôi, khai thác rơi vào tình cảnh không lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
Khó từ chăn nuôi, trồng trọt…
Lên được ao tôm siêu thâm canh hơn 600 triệu đồng nhưng anh Trương Văn Ða, ấp Tân Phước, xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, không vui mừng. Anh Ða bộc bạch, sau gần 2 năm chuyển từ loại hình công nghiệp ao đất sang siêu thâm canh ao bạt, đây là vụ tôm thành công nhất. Tuy nhiên, trừ tất cả các chi phí trong hơn 90 ngày, kể từ khi thả tôm giống thì lợi nhuận chưa đầy 100 triệu đồng, không đủ để tái sản xuất vụ tiếp theo.
Theo anh Ða, với ao tôm chưa được 1.000 m2 của gia đình mà thu sản lượng gần 6 tấn (loại 36 con/kg/vụ) là đạt. Tuy nhiên, lợi nhuận thấp là do chi phí đầu vào quá cao, trong khi ngay đợt thu hoạch giá tôm lại giảm gần 10.000 đồng/kg. Cách đây khoảng 2 năm, giá thức ăn chỉ hơn 30.000 đồng/kg, người nuôi đã khó, nay tăng lên hơn 40.000 đồng/kg, thậm chí thức ăn của C.P lên trên 50.000 đồng/kg.
“Nếu bình quân hệ số thức ăn 1.3 thì để có 1 tấn tôm phải tiêu tốn 1,3 tấn thức ăn, tức 50-65 triệu đồng, nếu cộng thêm tiền giống; thuốc, chất xử lý nước, tiền điện… thì người nuôi đâu còn gì”, anh Ða tính toán.
Nghề nuôi cá chình tại xã Tân Thành, TP Cà Mau cũng chịu tác động khi giá thành nhiều mặt hàng phục vụ nghề nuôi tăng.
Nghề nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh bị chi phối bởi vật tư đầu vào thì nghề trồng trọt, nhất là cây lúa lại vất vả vì giá phân bón tăng cao. Ông Lâm Thành Công, ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, bộc bạch: "Nông dân làm lúa ở đây xưa nay chủ yếu lấy công làm lời, nhưng vụ này phát sinh thêm chi phí bơm tát nước do mấy đợt mưa lớn vừa qua, cộng với giá phân bón tăng cao như hiện nay chắc không có lãi. Chỉ vài năm thôi mà giá phân urê từ khoảng 400.000-450.000 đồng/bao (loại 50 kg/bao), giờ tăng hơn 1 triệu đồng.
Mỗi vụ sản xuất, ngoài chịu áp lực từ nguyên liệu đầu vào cho đến đầu ra, nông dân trồng trọt, chăn nuôi còn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu dẫn đến giảm năng suất, giảm lợi nhuận.
... cho đến khai thác
Ngư dân khai thác biển cũng chẳng khá hơn khi thời gian qua giá xăng, dầu tăng cao, sản lượng giảm, giá thành sản phẩm không tăng, khiến không ít phương tiện khai thác phải nằm bờ.
Nhiều phương tiện khai thác tại Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời gặp khó khăn do giá đầu vào tăng cao.
Nhắc đến giá xăng dầu, hầu như tất cả ngư dân từ nghề câu, lưới đều than vãn. Ông Lâm Quốc Sự, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, cho biết, kể từ khi giá xăng dầu tăng, không ít chuyến biển phải thua lỗ. Tuy nhiên, ông không thể để ghe nằm bờ vì muốn giữ chân ngư phủ. Mỗi chuyến biển đội tàu của gia đình cần từ 2.000-3.000 lít dầu nên giá nguyên liệu này chỉ cần tăng nhẹ là ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận sau khai thác.
Khai thác biển là nghề tiêu hao nhiều nhiên liệu, nhất là đối với đội tàu khai thác xa bờ. Không chỉ vậy, giá xăng dầu tăng còn ảnh hưởng đến một chuỗi các dịch vụ hậu cần nghề cá như đánh bắt, bảo quản, chế biến, vận chuyển. Trong khi đó, giá một số mặt hàng thuỷ sản khai thác chẳng những không tăng mà còn giảm. Anh Trần Trọng Khâm, ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Trước kia mực nang có giá từ 60.000-70.000 đồng/kg thì giờ đây có thời điểm chỉ còn 45.000-50.000 đồng/kg. Sản lượng khai thác giảm, giá thành cũng giảm, trong khi sản phẩm đầu vào thứ gì cũng tăng nên tôi đành phải cho phương tiện lớn nằm bờ, chỉ còn 2 phương tiện nhỏ hoạt động để nuôi giữ bạn tàu".
Ngư dân Khánh Hội gặp khó khăn do chi phí đầu vào chuyến biển tăng, trong khi giá sản phẩm lại giảm.
Ông Huỳnh Quốc Hoàng, Bí thư Huyện uỷ Thới Bình, đã từng nhận định, năm nay các loại hình sản xuất trên địa bàn huyện, nhất là những loại hình có thế mạnh của địa phương như lúa - tôm, tôm càng xanh đều vượt kế hoạch đề ra từ diện tích đến năng suất, kinh tế tập thể cũng đang phát triển mạnh khi tăng thêm được 3 HTX. Tuy nhiên, thu nhập của người dân lại giảm so với năm 2021 do giá đầu vào tăng cao.
Nhiều năm qua, nhằm hướng tới nền nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh đã xây dựng đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp. Theo đó, bên cạnh việc tập trung xây dựng quy hoạch phân vùng sản xuất, bố trí sản xuất, cơ cấu lại giống cây trồng, vật nuôi, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết, tỉnh đang triển khai quyết liệt và coi trọng xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất và tiêu thụ hàng hoá. Dù đã xây dựng được 23 chuỗi liên kết với quy mô diện tích khoảng 8.500 ha, nhưng chỉ có thể tiêu thụ được 8% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh.
Liên kết chuỗi là giải pháp giúp người dân giảm chi phí đầu vào. Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, quy mô triển khai vẫn chưa lớn, số lượng chuỗi chưa nhiều và còn thiếu bền vững. Do tính pháp lý của các hợp đồng bao tiêu chưa cao, sự chia sẻ lợi nhuận giữa các bên chưa thật sự hài hoà.
Ông Quân cho biết, thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh hoạt động liên kết chuỗi từ cây lúa cho đến con tôm. Mục tiêu mà ngành đề ra là đến năm 2025, ít nhất từ 15-20% sản phẩm lúa của người dân, cũng như con tôm được tiêu thụ thông qua chuỗi liên kết trong quá trình sản xuất và cả khai thác. Ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được với các hợp tác xã trên cơ sở đàm phán hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia. Song song đó, sẽ tập trung phát triển kinh tế tập thể để tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động liên kết giúp giảm chi phí đầu vào, ổn định đầu ra./.
Nguyễn Phú