(CMO) Từ tháng 6 cho đến hết năm 2023 có khả năng xuất hiện khoảng 12-15 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên biển Ðông; mùa mưa khả năng kết thúc sớm hơn vào khoảng cuối tháng 10. Theo dự báo, thời tiết năm nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân, do đó, ngay từ bây giờ cần chủ động tổ chức sản xuất mùa vụ nhằm giảm thiệt hại, nhất là những tháng cuối năm.
Lúa, tôm vẫn là hai loại cây trồng, vật nuôi có nguy cơ bị tác động và thiệt hại nhiều nhất trước diễn biến bất thường của thiên tai, thời tiết. Cụ thể, thời tiết nắng nóng trong thời gian qua đã làm xuất hiện một số bệnh và thiệt hại trên tôm nuôi. Ðối với tôm thâm canh đã có hơn 10 ha bị bệnh; tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến bệnh xảy ra trên 800 ha, mức độ thiệt hại khoảng 50-85%. Theo dự báo, từ nay đến hết tháng 4, thời tiết vẫn tiếp tục duy trì ở trạng thái nắng nóng, đồng nghĩa với diện tích tôm nuôi đối diện với nguy cơ thiệt hại cao.
Trong năm 2023, tỉnh đặt ra mục tiêu đạt sản lượng tôm nuôi khoảng 233 ngàn tấn. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết, môi trường và dịch bệnh diễn biến phức tạp, dự báo diện tích nuôi thành công giảm thấp. |
Thời gian qua, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu được quan tâm; hệ thống đê bao, thuỷ lợi dần hoàn thiện, giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất. Tuy nhiên, hạ tầng thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế so với nhu cầu sản xuất thực tế, nhất là trước diễn biến bất thường của thời tiết.
Năm nay, do ảnh hưởng của El Nino, dự báo trên địa bàn tỉnh dứt mưa sớm, xảy ra hạn hán kéo dài, tương tự chu kỳ mùa khô những năm 2015-2016 và 2019-2020. Hiện tượng thời tiết này được dự báo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng ngọt của hai huyện Trần Văn Thời, U Minh và vùng sản xuất lúa - tôm của huyện Thới Bình. Do đó, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, kiến nghị, các địa phương cần có kế hoạch sản xuất ngay từ đầu. Ngay khi dứt mưa cần vận động người dân chủ động trữ nước trên đồng ruộng. Ðồng thời, sẽ tiến hành đóng các cống thuỷ lợi để trữ nước ngọt trong kênh, rạch.
Theo ông Tô Quốc Nam, năm nay khi dứt mưa sẽ tiến hành đóng các cống thuỷ lợi để trữ nước ngọt trong kênh, rạch phục vụ sản xuất.
“Sở NN&PTNT sẽ có dự báo, cảnh báo thường xuyên, đặc biệt sẽ xây dựng và ban hành lịch thời vụ, quy trình sản xuất, chăm sóc cho từng loại cây trồng, vật nuôi theo diễn biến của thời tiết ở từng thời điểm”, ông Nam chia sẻ.
Riêng đối với vùng sản xuất lúa - tôm, cần dành sự quan tâm đặc biệt cho vụ mùa năm nay. Bởi vùng sản xuất này được cảnh báo sẽ chịu tác động nặng nề nếu xảy ra tình trạng hạn hán kéo dài như dự báo. Các năm xảy ra hạn hán lớn 2015-2016 và 2019-2020, những thiệt hại là bài học kinh nghiệm đắt giá (vùng sản xuất lúa - tôm bị thiệt hại hơn 40.000 ha, mức độ thiệt hại hơn 50%). Năm nay đang trong thời gian lặp lại của chu kỳ hạn hán, do đó ông Nam khuyến cáo: Người dân cần tiến hành rà soát và chủ động gia cố bờ bao để trữ nước trên đồng ruộng, nhất là cần tuân thủ đúng lịch mùa vụ, xuống giống sớm hơn để đảm bảo đủ nước vào cuối mùa.
Người dân trong vùng ngọt hoá chủ động trữ nước trên đồng ruộng, ao đầm để phục vụ sản xuất, vì mùa khô năm nay dự báo sẽ kéo dài và gay gắt.
Sạt lở, sụp lún cũng là một trong những thiệt hại nặng nề mà các vùng ngọt hoá phải gánh chịu khi xảy ra hạn hán. Do đây là khu vực được khép kín để ngăn mặn, khi xảy ra hạn hán, các tuyến kênh, rạch có thể bị khô đến tận đáy; không còn phản áp từ nước nên khả năng bị sụp lún là rất lớn. Trên thực tế, những đợt hạn hán trước đã để lại hệ luỵ vô cùng lớn do tình trạng sụp lún. Ông Nam cho biết thêm, các địa phương cần sớm tiến hành rà soát những điểm xung yếu có khả năng sạt lở, sụt lún (nhất là đối với những nơi người dân tự lấy đất dưới sông quá sâu) để chủ động có kế hoạch gia cố trước.
Là tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, các hiện tượng El Nino và La Nina đã gây ra các trạng thái thời tiết cực đoan, như hạn hán gia tăng trong mùa khô. Tình trạng sụp lún đất, xâm thực biển, xói lở bờ sông, bờ biển, thiếu nước, xâm nhập mặn… ngày càng nghiêm trọng là điều khó tránh khỏi. Từng bước thích ứng, phát triển theo hướng "thuận thiên”, chủ động "hoá giải" những thách thức, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu là hướng đi hữu hiệu nhất hiện nay. Ðặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cần có nhiều hơn nữa các giải pháp công trình, phi công trình, những mô hình sản xuất theo hướng đảm bảo năng suất, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần tạo sự phát triển bền vững cho toàn tỉnh.
Trước dự báo thời tiết từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn hoả tốc số 2154/UBND-NNTN về tăng cường các giải pháp ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với lĩnh vực tổ chức sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT tiến hành rà soát kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất trên từng lĩnh vực. Qua đó, hướng dẫn địa phương điều chỉnh lịch mùa vụ sản xuất, tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước ngọt, độ mặn tăng cao.
Ðồng thời, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt thuỷ sản nuôi trong thời gian cao điểm mùa khô và chuyển mùa. Ðẩy mạnh công tác hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật sản xuất sát với tình hình, điều kiện hạn, mặn; thường xuyên kiểm tra các vị trí xung yếu, cống đập để kịp thời xử lý sự cố, tránh để nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hoá.
Nguyễn Phú