ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 16:03:56
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM SỰ KIỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954-2024)

Sâu nặng tấm lòng với Bác Hồ, với miền Bắc

Báo Cà Mau Ở Minh Hải, nay là Cà Mau - Bạc Liêu, ông Nguyễn Hoe, bí danh Bảy Hoe, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Minh Hải, thuộc lớp chứng nhân hiếm hoi còn lại gắn với những bước ngoặt lịch sử vĩ đại của quê hương, Tổ quốc trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc. Tôi được đôi lần nghe ông nói chuyện ở các cuộc họp mặt cán bộ hưu trí, thích thú với những “giai thoại” đầy tính truyền kỳ về ông qua những người thân biết, nhưng rất tiếc là không có duyên may để có một cuộc gặp gỡ riêng tư.

Để rồi tôi thật sự xúc động, mê mải đọc hết các bài viết của ông từ một quyển sách cũ, cuốn “Bán đảo Cà Mau - Ðất và Người”, được viết nhân dịp kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1995). Tôi đối diện với những trang sách, nhưng cảm nhận rất thật là cũng đang đối diện với tấm lòng, trí tuệ của một con người, mà như ông Nguyễn Hải Tùng (Út Nghệ) đã đánh giá sâu sắc rằng: “Một lòng son sắt, thuỷ chung với Ðảng, với dân”. Và trong những trang lòng, trang đời rứt ra từ máu thịt, tâm huyết ấy, ông Bảy Hoe đã dành phần trân trọng, thiêng liêng, đằm thắm nhất để nói về Bác Hồ, về miền Bắc trong hơn 20 năm “in dấu chân khắp nơi trên miền Bắc”.

Ông Nguyễn Hoe - Bảy Hoe, người con ưu tú của vùng đất Cà Mau luôn sâu nặng tấm lòng với Bác Hồ, với miền Bắc, "một lòng son sắt, thuỷ chung với Ðảng, với dân".Ảnh: THANH MINH

Năm 1954, ông Bảy Hoe là bộ đội tập kết. Như ông tâm tình: “Tôi sinh ra ở vùng bán đảo phù sa tận cùng phương Nam của Tổ quốc. Tôi vào bộ đội cuối những năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Sau đó không lâu, cùng đồng đội lên đường tập kết ra miền Bắc”. Khi chia tay, ông Bảy Hoe cùng đồng đội hứa với quê hương và những người ở lại bằng biểu tượng 2 ngón tay, hẹn 2 năm sẽ hội ngộ, nhưng phải mất hơn 20 năm để hoàn thành lời hẹn ước đó.

Ðơn vị của ông Bảy Hoe đóng quân, làm nhiệm vụ tại vùng đồi Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (tỉnh Hà Ðông, sau đổi tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội - PV). Ông Bảy Hoe đã xúc động nói về quãng thời gian đầu tiên trên đất Bắc: “Mặc dầu nhớ thương đồng bào, bà con ruột thịt vô cùng da diết, có thể nói luôn sống trong cảnh “ngày Bắc đêm Nam”, nhưng tất cả các đơn vị bộ đội miền Nam đều hoà cùng khí thế của toàn quân hăng hái tham gia các phong trào thi đua tiến nhanh vượt mức kế hoạch “Vì miền Nam ruột thịt” của toàn miền Bắc”.

Không khí của miền Bắc lúc đó, qua trang viết của ông Bảy Hoe hết sức kỳ vĩ, hào hùng: “Những năm giữa cuối thập kỷ 50, cả miền Bắc như một công trường vĩ đại, người người ngày đêm lao động quên mình trên tất cả các lĩnh vực để hàn gắn vết thương chiến tranh do thực dân Pháp xâm lược gây ra và để xây dựng chế độ mới làm vai trò hậu phương lớn đấu tranh giành thống nhất nước nhà”.

Vào một sáng mùa hè năm 1958, ông Bảy Hoe đã ghi lại một kỷ niệm mà ông thổn thức rằng: “Suốt cả cuộc đời không thể nào quên” - một lần được nghe Bác Hồ nói chuyện. Khi đơn vị được lệnh sửa chữa đường sá để đón lãnh đạo Trung ương về thăm, cả đơn vị của ông Bảy Hoe xôn xao, hồi hộp chờ đợi. “Kia rồi! Bác Hồ! Trời ơi! Bác... cả khối người xôn xao chồm tới và kêu lên gần như một lúc”.

Tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm!” vang dội núi đồi...

Ông Bảy Hoe và nhiều người không thể kìm được cơn chấn động cảm xúc lớn lao: “Bên cạnh tôi, nhiều đồng chí nhìn thẳng về Bác, mắt đỏ hoe”. Còn người con ở Mũi Cà Mau thì bồi hồi: “Tôi vô cùng xúc động, lòng rưng rưng, bồi hồi tưởng nhớ đến người thân đang chịu biết bao đau thương ở tận cùng phương Nam của Tổ quốc. Biết bao giờ bà con đồng bào, đồng chí quê hương mới tận nhìn thấy Bác như mình dưới bầu trời xanh trong, yên ả này”.

Bác Hồ bước lên bục cao, đưa tay vẫy chào cả đoàn quân - những đứa con của Nam Bộ thành đồng. Bác hỏi: “Các chú có nhớ nhà, nhớ miền Nam không?”... Buổi nói chuyện của Bác Hồ về tình hình Nhân dân miền Nam đấu tranh anh dũng chống lại sự đàn áp dã man của Mỹ - Diệm; Nhân dân miền Bắc đang ra sức thi đua lao động sản xuất và xây dựng “Vì miền Nam ruột thịt”; Nhân dân các nước trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà của Nhân dân ta. Bác dặn dò cán bộ, chiến sĩ phải đoàn kết một lòng, đoàn kết quân dân, giữ gìn kỷ luật, ra sức học tập và rèn luyện đưa bộ đội ta tiến lên chính quy, hiện đại, làm trụ cột vững chắc cho Nhân dân cả nước đấu tranh đòi hoà bình, thống nhất của Tổ quốc. Căn dặn những công việc của đơn vị, rồi sau rốt, Bác Hồ khẳng định: “Cuộc đấu tranh của Nhân dân ta tuy phải trải qua gian khổ, hy sinh, nhưng nhất định sẽ giành được thắng lợi, Bắc Nam sẽ sum họp một nhà”.

Ông Bảy Hoe vẫn nhớ như in: “Bác nói chuyện khoan thai, ngắn gọn, rõ ràng như người cha dạy bảo đàn con. Bầu trời mùa hạ xanh trong. Bóng Bác cao lồng lộng dưới nắng mai. Cả đoàn quân im phăng phắc như nuốt vào lòng mỗi lời Bác dạy”.

Lần gặp Bác, nghe Bác nói chuyện đã trở thành nguồn sống, nguồn động lực tinh thần lớn lao để những người con miền Nam tiếp tục bền gan, vững chí học tập, chiến đấu, công tác trên đất Bắc. Với ông Bảy Hoe, hơn 20 năm gắn bó với miền Bắc thì có đến hơn một nửa thời gian gắn bó với mảnh đất Quảng Bình, mà ông trìu mến gọi là vùng đất “vất vả mà thân thương, gian lao mà đầy lòng nhân ái và thuỷ chung”.

Ðầu những năm 1960, ông Bảy Hoe rời quân ngũ, học chuyên môn ngành văn hoá và về công tác tại Quảng Bình. “Về Quảng Bình là về gần hơn với quê hương”, cảm xúc đầu tiên được ông Bảy Hoe ghi lại khi về vùng đất lửa. Suốt hơn 4 ngàn ngày đêm gắn bó với mảnh đất này, ông Bảy Hoe đã cùng với đồng chí, đồng đội, Nhân dân Quảng Bình sống trọn vẹn với không khí hào hùng, oanh liệt để chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại ác liệt của kẻ thù.

“Ðất lửa Quảng Bình” với những chiến khu nổi tiếng như Ba Rền, những ngôi làng vang dội chiến công như Cự Nẫm, Xuân Bồ, Cảnh Ðương, Ngư Thuỷ, Quảng Phúc... khiến ông Bảy Hoe càng nhung nhớ, tự hào về Cà Mau quê mình với căn cứ địa U Minh Hạ, rừng đước Năm Căn; lẫy lừng những tên đất kiên trung, anh dũng ở Nhị Nguyệt, Mương Ðiều, Biện Nhị, Chà Là... Ông gọi Quảng Bình và Cà Mau là hai quê hương, bởi: “Con người Quảng Bình gắn với biển, với rừng, với ruộng vườn cũng như con người ở vùng bán đảo Cà Mau quê tôi. Và trên tất cả là tấm lòng quả cảm và sức chịu đựng dẻo dai, tính trung thực và nhân hậu, sống với tình thương và lẽ phải”.

Ông Nguyễn Hoe nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Ðảng, do đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh uỷ trao tặng, ngày 3/11/2021.                                                                                                                                                                         Ảnh: THANH MINH

Ông Nguyễn Hoe nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Ðảng, do đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh uỷ trao tặng, ngày 3/11/2021. Ảnh: THANH MINH

Tại Quảng Bình, ông Bảy Hoe học được bài học nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn lao, từ “Kỷ niệm về một bản tin”. Ngày 2/3/1965, miền Bắc thắng lớn. Riêng Quảng Bình bắn rơi 5 máy bay chiến đấu phản lực Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác. Ðặc biệt, lần đầu tiên bắt sống giặc lái mang cấp hàm thiếu tá Mỹ. Ông Bảy Hoe là người biên tập tin tức chiến thắng ấy để phổ biến, tuyên truyền rộng khắp trong tỉnh; và đặc biệt là chuẩn bị cho tỉnh Quảng Bình tổ chức cuộc họp báo quan trọng với các nhà báo quốc tế của Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Nhật Bản... có chuyến thăm đất lửa đúng dịp này.

Vị Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Quảng Bình lướt qua bản tin, gọi ông Bảy Hoe lại và nói: “Phải thu hồi và sửa ngay bản tin này”..., ông Bảy Hoe “đổ mồ hôi hột và như không còn đứng vững nữa”. Ðầu đề của bản tin ấy in đậm: “Ngày 2/3/1965 Quân dân Quảng Bình lập thêm một chiến công tuyệt vời”. Vị Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh nói: “Quân dân mình thắng lớn thật, nhưng nếu dùng chữ “tuyệt vời” rồi các trận sau chiến thắng lớn hơn, thì lấy chữ gì mà dùng. Dùng cụm từ ấy không có gì sai, nhưng phải đặt sao cho đúng chỗ thì mới có sức thuyết phục”. Chính từ bài học ấy, ông Bảy Hoe luôn nghiêm cẩn khi viết, khi nói, coi đó là một nguyên tắc bất di bất dịch, nhất là đối với người làm công tác trong lĩnh vực văn hoá, tư tưởng.

“Bệ phóng Quảng Bình” đã tôi luyện một bản lĩnh, nhân cách và trí tuệ của ông Nguyễn Hoe, cán bộ ưu tú của lĩnh vực tuyên huấn - tuyên giáo của Ðảng, nhất là khi ông trở về công tác tại quê hương Minh Hải. Sinh thời, ông Nguyễn Hải Tùng đã có những chia sẻ thấu đáo về ông Bảy Hoe: “Tôi cảm nhận ở Nguyễn Hoe không chỉ là ngòi bút nhanh nhạy mà còn sâu lắng nữa. Càng về sau, tư duy lý luận ở anh cứ nâng lên như chiếc thang kiến thức không có nấc tột cùng... Có được cái đẹp và cái dễ thương ấy, tôi biết chắc ở Nguyễn Hoe một điều: Anh luôn học hỏi, khám phá và sáng tạo”./.

 

Phạm Hải Nguyên

 

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai viếng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng nay (16/11), Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai làm trưởng đoàn đến viếng, dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khóm 1, Phường 1, TP Cà Mau) và Khu di tích lịch sử cấp tỉnh Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam, tại Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

Tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Để chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện trọng đại lễ kỹ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954-2024), tối 15/11, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đến dự buổi tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) và rà soát công tác tổ chức lễ.

“200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử” 

Nhằm đánh giá toàn diện về vai trò, ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ trong sự kiện tập kết năm 1954, chiều 15/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử". Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc.

Bến tập kết năm xưa

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định, cùng với Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân (Bình Thuận) và Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh (Ðồng Tháp), thì Khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau. Cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời là bến tập kết để đưa cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, học sinh ở miền Nam ra Bắc để lao động, học tập, tạo nguồn cán bộ phục vụ cách mạng miền Nam.

Xúc cảm vẹn nguyên

Từ những ngày đầu tháng 11, cao điểm các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) được diễn ra khắp nơi trong tỉnh Cà Mau. Ðối với những người trong cuộc - chứng nhân của dấu mốc lịch sử ấy lại ùa về bao cảm xúc bồi hồi, nôn nao ngày họp mặt để sống lại hồi ức cách nay 70 năm, ngày lên tàu rời quê hương với niềm tin mãnh liệt vào con đường cách mạng mà Ðảng và Bác Hồ đã chọn.

Từ Sông Ðốc các anh đi

Vào khoảng cuối năm 1954, mấy chục căn nhà dọc theo sông Cái Bát (xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi ngày nay) đều có bộ đội đóng quân, riêng căn nhà 3 gian của tôi đủ chứa cả tiểu đội. Các anh di chuyển bằng những chiếc xuồng năm lá, từ Cần Thơ, Vĩnh Long... xuống. Chỉ ít hôm là các anh đi, về đâu tôi chẳng hề biết, chỉ để lại tình cảm quân - dân như cá với nước. Cho đến khi lớn lên, đi làm cách mạng, tôi mới biết Cà Mau là vùng tập kết 200 ngày, vậy là chắc các anh đi về Sông Ðốc để lên tàu tập kết ra Bắc.

Bác Ba Lê Duẩn và Nghị quyết 15

Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Cà Mau là điểm tập kết lớn nhất Nam Bộ với 200 ngày và Sông Ðốc là bến tiễn đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra Bắc.

Sông Đốc sẵn sàng cho sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc (1954-2024)

Chỉ còn 2 ngày nữa tại thị trấn Sông Đốc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sẽ diễn ra lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024). Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, ghi nhớ sự kiện các chuyến tàu chở hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam.

Nói chuyện chuyên đề vai trò phụ nữ trong sự kiện tập kết ra Bắc

Sáng nay (14/11), Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau tổ chức buổi chuyên đề Vai trò đóng góp của phụ nữ trong sự kiện tập kết ra Bắc và hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình. 

Lịch sử vọng vang

Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Ðông Dương được ký kết (20/7/1954), Cà Mau được chọn là 1 trong 3 khu vực tập kết, chuyển quân của lực lượng cách mạng ở Nam Bộ với thời hạn 200 ngày. Sau 70 năm, với độ lùi của thời gian, sự kiện tập kết ở Cà Mau đã được đánh giá, khẳng định ngày càng toàn diện, thấu đáo về tầm vóc, ý nghĩa, vai trò hết sức đặc biệt trong tiến trình lịch sử cách mạng của địa phương, Nam Bộ và đất nước.