ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 5-2-25 11:03:03
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung mong có một ngày…

Báo Cà Mau Thuở thiếu thời, Nguyễn Ngọc Cung đam mê bộ môn đờn ca tài tử, cải lương và mong muốn bộ môn này ngày càng được phát triển rộng rãi phục vụ đông đảo người dân. Điều mong muốn đó đã trở thành hiện thực khi ông đến với văn hoá, văn nghệ cách mạng. Nhưng còn một mong muốn rằng, ngày nào đó bộ phim nhựa “Biển động” được trình chiếu cho Nhân dân Cà Mau xem, thì đã trải qua hơn 60 năm vẫn chưa thực hiện được.

Chân dung Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung.

Nguyễn Ngọc Cung sinh ngày 8/2/1927, tại ngôi nhà gần bờ sông thị trấn Cà Mau (nay là nhà Số 21, đường Trưng Trắc, TP Cà Mau). Thân sinh là ông Nguyễn Ðạo Ðức, xuất thân từ người làm thợ bạc, sau đó trở thành chủ tiệm vàng.

Vào những năm 30 của thế kỷ trước, thị tứ Cà Mau chưa có trường trung học nên Nguyễn Ngọc Cung được cha đưa lên Cần Thơ học. Thời đó, Nguyễn Ngọc Cung dành một phần tiền đi học đàn và học ca những bài bản tài tử, cải lương. Tài năng bộc phát, được nhiều người cổ vũ, Nguyễn Ngọc Cung mong ước có ngày những bài ca vọng cổ, vở cải lương sẽ được phục vụ người lao động ở xứ sở mình.

Năm 1945, Nguyễn Ngọc Cung tham gia tổ chức Thanh niên tiền phong. Năm sau, ông và cha bị thực dân Pháp bắt và giam ở Bến Tre. Năm 1947, vì không có bằng chứng, cha con ông được thả. Ra tù, Nguyễn Ngọc Cung thoát ly theo kháng chiến, được kết nạp vào Ðảng Lao động Việt Nam.

Theo các tài liệu, khoảng đầu năm 1950, vọng cổ hầu như bị cấm hát ở các vùng giải phóng Nam Bộ. Lý do vì âm điệu của nó quá uỷ mị, làm nhụt chí khí chiến đấu. Việc cấm đoán này xem ra không hợp với lòng dân nên nhiều anh em văn nghệ sĩ đặt vấn đề nên xem xét lại.

Cuối năm 1951, Chi hội Văn nghệ Nam Bộ tổ chức hội nghị tranh luận về nghệ thuật cải lương. Nhiều ý kiến trái ngược nhau nhưng cuối cùng đi đến kết luận: cải lương vẫn có tác dụng phục vụ kháng chiến; đồng thời, đề xuất trong buổi liên hoan bế mạc, sẽ diễn cải lương, mời các đồng chí cấp lãnh đạo Nam Bộ đến xem.

Nguyễn Ngọc Cung được phân công viết vở cải lương ngắn để biểu diễn. Ðược sáng tác và được biểu diễn là điều ông mong đợi từ lâu, nên chỉ trong một buổi sáng, ông đã viết xong vở cải lương “Nợ nước tình nhà”.

Buổi biểu diễn thành công, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, chính quyền Nam Bộ quyết định cho phục hồi hình thức ca cải lương. Từ đó, nhiều đoàn cải lương được thành lập, từ các tỉnh miền Tây đến các tỉnh miền Ðông Nam Bộ. Các soạn giả say mê sáng tác, nhiều vở cải lương lần lượt ra đời, trong đó, Nguyễn Ngọc Cung có các vở “Vẹn tình cá nước”, “Hai bó rơm”... và đặc biệt, vở “Huyết lệ thù” của Nguyễn Ngọc Cung và Chi Lăng đoạt giải Nhất giải Cửu Long 2 do Sở Tuyên - Văn (tuyên truyền và văn nghệ) Nam Bộ phát động sáng tác. Vở “Hai bó rơm” ca ngợi tình đoàn kết quân dân, được đưa đi lưu diễn nhiều nơi, trở thành nguồn động viên to lớn đối với bộ đội và Nhân dân Nam Bộ.

Ðầu năm 1955, tại cửa Sông Ðốc, Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung tạm biệt vợ con, quê hương lên tàu tập kết ra Bắc. Tại Hà Nội, ông sáng tác nhiều tác phẩm với nhiều thể loại phục vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; trong đó có vở cải lương “Kiều Nguyệt Nga”; kịch bản phim truyện “Biển động”; ca kịch truyền thanh “Câu chuyện dưới trăng”, vở cải lương “Trương Ðịnh”...

Phim truyện “Biển động” (Ðạo diễn Mai Lộc, quay phim Khương Mễ) thực hiện xong năm 1957, tại Sầm Sơn, Thanh Hoá, nội dung nói về Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai, do Anh hùng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo.

Ở miền Bắc, ông là thành viên sáng lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, thành viên sáng lập Hội Ðiện ảnh Việt Nam, thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1958, ông là Uỷ viên Thường trực, Bí thư Ðảng - Ðoàn Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, tham gia thành lập Ðoàn Cải lương Nam Bộ trên đất Bắc.

Ở cương vị lãnh đạo Hội Sân khấu Việt Nam, ông nằm trong danh sách đề cử đi học nước ngoài, nhưng ông từ chối. Ông luôn nung nấu mong ước có ngày trở lại miền Nam, đem lời ca tiếng hát phục vụ kháng chiến chống Mỹ, mong sớm có ngày thống nhất non sông. Vì vậy, năm 1961, Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung lựa chọn con đường đi B.

Về miền Nam, ông công tác ở Tiểu ban Văn nghệ, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, được phân công về rừng đước Năm Căn chỉ đạo phát triển phong trào văn nghệ tỉnh Cà Mau. Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), Ðạo diễn Huỳnh Hảnh, lúc đó là Phó đoàn Văn công giải phóng Cà Mau, kể, Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung xa vợ con đã 9 năm chưa lần gặp lại. Năm 1964, tại cứ của Ðoàn Văn công giải phóng Cà Mau (kênh Ông Ðơn, rừng đước Năm Căn), lãnh đạo Ðoàn thấu hiểu, đã bố trí chỗ ở, phân công người đi đón vợ ông vào, để vợ chồng có dịp gặp nhau ít hôm.  

Năm 1965, Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung trở lại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, tại Tây Ninh. Ngày 18/6/1966, B52 dội bom xuống căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục ở Suối Cây (Tây Ninh) khiến Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung, Phạm Trần, Phong Anh và Nghệ sĩ Bảy Lương hy sinh. Ðiều đau đớn thay, sau đó B52 rải thảm lần thứ hai, mộ phần của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Cung và đồng đội đã hoá thân vào đất.

Vợ của ông là bà Trần Thị Lan Thanh, người luôn chung thuỷ sắt son, khi đứa con gái đầu lòng hơn 1 tuổi, bà tiễn chồng đi tập kết. Hơn 9 năm vợ chồng mới có cơ hội đoàn tụ. Cùng với đứa con gái đầu lòng tên Hoà, ông bà còn có người con trai tên Nguyễn Ngọc Bình, đặt tên con là Hoà - Bình, Nguyễn Ngọc Cung muốn gửi gắm niềm tin về ngày hoà bình, thống nhất đất nước.

Sau ngày giải phóng, Ðoàn Cải lương Nam Bộ từ miền Bắc về Cà Mau, đoàn đến thăm gia đình Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung. Tại Sân vận động Cà Mau, đoàn có đêm biểu diễn vở cải lương “Kiều Nguyệt Nga” ngay trên quê hương soạn giả.

Tháng 5/1975, vở cải lương "Kiều Nguyệt Nga" của Nguyễn Ngọc Cung là một trong những vở cải lương đầu tiên được biểu diễn ở Sài Gòn (rạp Quốc Thanh) sau ngày thống nhất đất nước. Người nghệ sĩ cách mạng Nguyễn Ngọc Cung đã ngã xuống, nhưng những bài ca vọng cổ, vở cải lương của ông vẫn vang lên trong những ngày nước nhà thống nhất.

Những năm sau ngày giải phóng, TP Hồ Chí Minh quy tập hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố. Mộ phần của ông (mộ tượng trưng) được trân trọng đặt  ở Khu mộ Liệt sĩ tiêu biểu, cạnh mộ Soạn giả Trần Hữu Trang. Tên của Soạn giả Trần Hữu Trang được đặt cho một đoàn cải lương và một nhà hát của TP Hồ Chí Minh. Tại TP Hồ Chí Minh có con đường ở Quận 8 mang tên Nguyễn Ngọc Cung. Ở Phường 8, TP Cà Mau, sau này cũng có con đường mang tên Nguyễn Ngọc Cung.

Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung đã cống hiến trọn cuộc đời cho văn nghệ kháng chiến. Từ mảnh đất Cà Mau, ông lên tàu ra Bắc; từ miền Bắc lại vượt Trường Sơn về chiến trường miền Nam. Những bài ca vọng cổ, vở cải lương của ông đã có mặt ở hai miền Nam - Bắc, góp phần cổ vũ lòng yêu nước của Nhân dân, phục vụ kịp thời nhiệm vụ kháng chiến.

Từ trái qua: Anh Nguyễn Ngọc Bình, Nghệ sĩ Ưu tú - Ðạo diễn Huỳnh Hảnh, Nhà biên kịch Trịnh Thanh Vũ cùng nhắc nhớ về Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung.Từ trái qua: Anh Nguyễn Ngọc Bình, Nghệ sĩ Ưu tú - Ðạo diễn Huỳnh Hảnh, Nhà biên kịch Trịnh Thanh Vũ cùng nhắc nhớ về Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung.

Tôi cùng NSƯT, Ðạo diễn Huỳnh Hảnh được Nhà biên kịch Trịnh Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau, cho xem kịch bản phim “Biển động”. Qua đó mới thấu hiểu mong ước của Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung, trong lời nói đầu của bộ phim: “Hy vọng ngày nào đó, bộ phim nhựa thời lượng 60 phút này sẽ được trình chiếu cho Nhân dân Cà Mau xem, dù chỉ một lần”. Mong ước của cố soạn giả nhiều năm qua vẫn chưa được thực hiện.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Vũ chia sẻ: “Kịch bản phim “Biển động” đã có hồ sơ đề cử xét trao Giải thưởng Phan Ngọc Hiển gần 10 năm qua, nhưng chưa đủ điều kiện công nhận. Vì theo quy chế, tác phẩm phải được trình chiếu phổ biến. Về phía Hội Văn học Nghệ thuật, sẽ xin ý kiến của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh để ra Hà Nội xin Cục Ðiện ảnh in sang phim “Biển động” về chiếu cho Nhân dân Cà Mau xem. Ðây là bộ phim đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam và sẽ là tư liệu quý giá phục vụ tuyên truyền kỷ niệm 85 năm Ngày Truyền thống của Ðảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau (13/12/1940-13/12/2025)”. 

Cũng trong dòng suy nghĩ tưởng nhớ, NSƯT, Ðạo diễn Huỳnh Hảnh mong muốn: “Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung có nhiều bài ca, vở cải lương có giá trị phục vụ cách mạng qua hai cuộc kháng chiến. Ông có công lớn đối với đờn ca tài tử, cải lương Nam Bộ, mong sao tỉnh ta có giải thưởng hay sáng tác mang tên Nguyễn Ngọc Cung”.

Anh Nguyễn Ngọc Bình khi sinh ra mới 5 tháng tuổi thì cha hy sinh, nay anh đã gần 60 tuổi. Anh bày tỏ: “Ngôi nhà của ba tôi hiện Nhà nước đang quản lý. Tôi thiết tha mong các cơ quan của tỉnh giải quyết để tôi được thờ cúng và được trưng bày những kỷ vật về cuộc đời và sáng tác của cha tôi là Soạn giả, Nhà biên kịch điện ảnh, Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Cung ngay tại ngôi nhà Số 21, Trưng Trắc, Phường 2, TP Cà Mau, nơi gần 100 năm trước đã sinh ra ông”.

Mong có một ngày phim “Biển động” của Nguyễn Ngọc Cung được trình chiếu cho Nhân dân Cà Mau xem. Mong có một ngày tên Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung được chọn đặt cho một giải thưởng về sáng tác hoặc biểu diễn ca kịch cải lương. Mong được thờ cúng ông tại ngôi nhà của chính mình... Những điều mong ước ấy trở thành hiện thực, cũng là cách tri ân, nhắc nhớ về người nghệ sĩ cách mạng tài ba có cống hiến lớn cho công cuộc kháng chiến và nền nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Làm được điều này, cũng là góp phần giúp những bài ca, vở cải lương vẫn còn âm vang trong cuộc sống./.

 

Chung Thanh Thuỷ

 

Mâm cơm ngày Tết

Quê tôi ở Bạc Liêu, giáp bán đảo Cà Mau của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tôi thấy mâm cơm ngày Tết quê mình cứ hằn sâu trong tâm khảm, đi đâu, làm gì cũng nhớ khi mấy ngọn gió chớm xuân len lỏi kéo về.

Về nơi phù sa

Mẫn nói với tôi, trong người thấy âm u quá, muốn đi đâu đó xa xa "chữa lành". Người đầu tiên nó nghĩ đến là tôi, bởi trong đầu đã ghim sâu cái ấn tượng “nghe nói Cà Mau xa lắm”. Tôi và Mẫn học cùng khoá ngành du lịch, sau khi tốt nghiệp thì cùng vào làm một công ty lữ hành. Cho đến thời điểm dịch bùng phát, mọi thứ đảo lộn. Tôi nghiệm ra chân lý, không đâu bằng quê mình, thế là về Cà Mau phụ tía má làm điểm homestay nho nhỏ. Còn Mẫn vẫn mải miết với những chuyến đi.

Nhớ thời diễn hài ở Miền Tây

Hài là món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả nói chung và người dân miền Tây nói riêng vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Thế nên, cứ đến tết Nguyên đán, bà con lại mong ngóng các đoàn về quê biểu diễn, với những tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng, để ngày Tết được cười “thả ga”.

Khơi nguồn cảm hứng

Trong thế giới đầy biến động của nghệ thuật, có những nghệ sĩ không chỉ chinh phục trái tim công chúng bằng những tác phẩm tuyệt vời mà còn góp phần truyền cảm hứng mạnh mẽ đến những người xung quanh. Một trong số đó là Hoạ sĩ Lý Cao Tấn.

Khai mạc Hội thi lân - sư - rồng và biểu diễn võ thuật mừng xuân Ất Tỵ

Sáng 26/1, tại sân quần vợt Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch khai mạc Hội thi lân - sư - rồng và biểu diễn võ thuật mừng xuân Ất Tỵ năm 2025. Đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, TP Cà Mau, các doanh nghiệp, các đội lân sư rồng, các câu lạc bộ võ thuật trong tỉnh và hơn 800 người dân đến xem và cổ vũ.

Bé vui Tết xưa

Những ngày giáp tết Nguyên đán, tại các trường mầm non, không gian ngập tràn sắc xuân với hình ảnh đặc trưng của phiên chợ quê như: thúng, nia, bánh chưng, bánh tét, dưa hấu, cành mai, cành đào, câu đối đỏ...

Xuân Quê hương 2025-Gắn kết kiều bào với nhân dân trong nước

Tối 19/1, Chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt Xuân Quê hương 2025 với chủ đề “Việt Nam - Vươn lên trong kỷ nguyên mới" - chương trình thường niên thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trên toàn thế giới đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Danh hài Hồng Tơ - Nhớ thời hoàng kim tấu hài Tết

Danh hài Hồng Tơ không giấu sự tiếc nuối khi thời hoàng kim của tấu hài qua đi, khiến cái Tết cũng đôi phần vơi bớt không khí rộn ràng.

KHI THÁNG CHẠP VỀ

Ai thả chút nắng mềm lên tháng Chạp Mà ngày như chìm giữa khoảng trời đông Sương sớm vẫn ngủ vùi trong ngọn bấc Cho người còn khoe áo lạnh cuối năm

Giao thoa tín ngưỡng dân gian

Văn hoá dân gian, trong đó có tín ngưỡng dân gian từ bao đời nay như những mạch nguồn dồi dào trong dòng chảy không ngừng của văn hoá. Nó có sức sống và đầy hấp dẫn. Do tồn tại trong những điều kiện lịch sử cụ thể, từng thời điểm, từng địa phương cũng có những khác biệt khó lẫn lộn, cũng như từ sự phong phú đó đã dựng nên những màu sắc đặc thù gắn liền với vùng đất được khai phá và xây dựng.