(CMO) Tại Cà Mau, thời gian qua, việc dừng hẳn lao động trẻ em tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) luôn được quan tâm đúng mức; ý thức của DN không ngừng được nâng lên, sử dụng lao động đúng với độ tuổi quy định.
Ông Từ Hoàng Ân, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), cho biết: “Trên địa bàn tỉnh, số lao động độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là hơn 517 ngàn lao động, làm việc cho hơn 4 ngàn DN, chủ yếu là DN thuỷ sản và DN vừa và nhỏ. Thời gian qua, địa phương thường xuyên rà soát nhóm lao động tại các cơ sở này và đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm quy định của pháp luật về độ tuổi lao động”.
Theo đánh giá của Sở LÐ-TB&XH, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về sử dụng lao động đúng độ tuổi. |
Theo ông Lê Thành Nơi, Trưởng phòng LÐ-TB&XH TP Cà Mau, cho biết: “Thành phố có dân số 226.372 người, trong đó có 102.734 lao động đang làm việc và 38.205 trẻ em từ 16 tuổi trở xuống. Về lao động trẻ em qua số liệu quản lý của Phòng LÐ-TB&XH thì chưa có. Thời gian qua, qua phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra các cơ sở, hộ kinh doanh cá thể, DN về việc sử dụng lao động, nhận thấy hầu hết đều thực hiện đúng theo quy định, không có vi phạm”.
Ðó là những tín hiệu tích cực. Song, nhìn toàn diện, đâu đó trên thực tế vẫn còn tình trạng trẻ em lao động sớm, bươn chải vất vả với cuộc sống mưu sinh, như bán vé số, nhặt rác, phụ bán quán...
Theo số liệu điều tra và các nghiên cứu về lao động trẻ em gần đây cho thấy, thực trạng này chủ yếu xuất phát từ việc gia đình nghèo và gia đình dễ bị tổn thương; nhận thức còn hạn chế của một bộ phận cha mẹ, gia đình và của chính trẻ em về giá trị của học tập để có công việc phù hợp và thu nhập bền vững trong tương lai. Thời gian qua, đại dịch Covid-19 làm suy giảm sự tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, vì vậy, một số trẻ em phải tham gia lao động như là một phương án để đối phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế của gia đình.
Ðể giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, rất cần sự liên kết, hợp tác, phối hợp chặt chẽ của xã hội.
Ông Từ Hoàng Ân cho biết, một trong những nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nằm trong chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, định hướng đến năm 2030, được Cà Mau xác định là cần phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, truyền thông. Nhóm nhiệm vụ này cần phải được thực hiện thường xuyên và phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.
Theo đó, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5-17 tuổi xuống dưới 1%; 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi; trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông; trên 95% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được đào tạo nghề phù hợp.
Ðể đạt mục tiêu này, địa phương xác định cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn trong việc lập kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Triển khai có hiệu quả các chính sách trợ giúp xã hội nhằm cải thiện đời sống, môi trường lao động phù hợp tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ trẻ em và gia đình cải thiện đời sống.
Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, DN, người sử dụng lao động, xã hội và cha mẹ trẻ em về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động chiến dịch truyền thông theo chủ đề hoặc lồng ghép trong các đợt cao điểm, nhân Tháng Hành động vì trẻ em, Tết Trung thu... nhằm tạo mối quan tâm, thúc đẩy sự thay đổi về nhận thức, cam kết trách nhiệm và vận động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác phòng ngừa tình trạng trẻ em tham gia lao động, nhóm trẻ em có nguy cơ, trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật. Trong đó, tập trung tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục, tư vấn, truyền thông trực tiếp cho người sử dụng lao động và cộng đồng, trường học, tại các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế./.
Văn Ðum