(CMO) Người ta hay gọi ông là "Hồng nhà xác" thay cho tên thật Nguyễn Văn Hồng, cái biệt danh thoáng nghe qua dễ mang đến cảm giác ghê rợn. Hỏi ông có buồn không, ông chỉ cười xoà.
Ông Hồng hiện là tổ trưởng tổ phụ trách trông coi nhà tang lễ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Những hình ảnh tưởng chừng xa lạ, sợ hãi với nhiều người, với ông lại trở nên gần gũi, quen thuộc.
10 Năm gắn bó với nhà xác
Mang tâm trạng hồi hộp theo chân ông đến khu nhà tang lễ (nằm khuất sau lưng bệnh viện), hàng sứ trắng trổ bông dưới ánh nắng sớm phần nào làm vơi đi cảm giác u ám nhuốm mùi tử khí như hình dung ban đầu. Vừa bước lên thềm bậc tam cấp, ông pha trò hóm hỉnh: "Bắt đầu vào nhà tang lễ, mấy chú nhà báo có sợ không?". Rồi ông lần lượt dẫn chúng tôi đi qua từng gian, từng phòng của khu nhà đặc biệt này.
Những chiếc tủ đông lạnh lẽo đã đón và đưa rất nhiều bước chân cuối cùng của một kiếp người. |
Trên chiếc bàn cũ ngổn ngang chân nhang, vài nén nhang mới được thắp lên như muốn an ủi đôi chút phần tâm linh cho những mảnh đời bất hạnh. |
Những cái tên được tuần tự giới thiệu như: Nhà đại thể, phòng giám định, phòng mổ xác, phòng bảo quản tử thi... nghe qua thôi cũng đủ rùng mình. "Đây là chỗ của pháp y làm việc, tính ra cũng ngót 500 người đã nằm trên cái giường này rồi đó. Bốn hôm trước cũng vừa mới chuyển vài xác về với thân nhân", ông Hồng hạ giọng chỉ tay vào cái giường inox nằm lặng lẽ có 4 chân được ai đó buộc 4 tấm giấy trắng tinh. Dừng chân tại căn phòng có phần thoáng đãng hơn, chưa kịp định hình, ông bảo đây là "phòng tủ đông" có chức năng lưu giữ xác, rồi nhẹ nhàng từng thao tác xếp dọn, ông chậm rãi kể cho chúng tôi nghe cơ duyên đến với nghề mà chỉ có những người mang "thần kinh thép" mới dám làm.
Rời quê hương Tiền Giang cùng vợ đến Cà Mau mưu sinh, cái nghèo đeo đẵng khiến cả gia đình ông vô cùng chật vật. Thời điểm ấy, ở tuổi 40, ông phải chật vật với đủ thứ nghề từ phụ hồ, đóng trần nhà, đến nhân viên vệ sinh bệnh viện. Năm 2009, khi nhà tang lễ được thành lập tại bệnh viện mới, ông cùng vài anh em khác về tổ lao động, riêng ông kiêm nhiệm công việc trông coi và bảo quản tử thi.
Lật đật mở cánh cửa chiếc tủ đông cho chúng tôi xem, ông Hồng lần lượt giải thích: Trường hợp bệnh nhân của bệnh viện tử vong, thân nhân chưa có điều kiện đưa về ngay thì nhiệm vụ của ông và anh em là đưa những thi thể này vào tủ để bảo quản, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của tủ đông, đảm bảo xác không bị phân huỷ chờ thân nhân mang về. Những xác sau một thời gian không người nhận trở thành vô danh thì phần hậu sự bệnh viện phải lo hết các khâu.
Những ngày tập tễnh bước vào nghề, nghĩ âu cũng vì chén cơm manh áo, không ngờ, chớp mắt đã 10 năm và trong đó ngót 9 năm cả gia đình nhỏ ăn ngủ trong nhà tang lễ bệnh viện. Thời gian đầu, đồng lương ít ỏi không thể cáng đáng đủ chi tiêu nên ông xin lãnh đạo đưa vợ và con vào tá túc tại phòng ngủ trực của nhân viên, cách phòng tủ đông vỏn vẹn một bức tường. Sợ con còn nhỏ sớm phải thấy cảnh chết chóc tang thương, ông mua giấy về dán kín phòng. "Vậy rồi cả gia đình cùng sống, đứa con cũng lớn dần và quen với công việc của cha. Cố gắng tích góp vay mượn, đến năm ngoái mới thực sự có căn nhà nhỏ của riêng mình, mừng không có gì bằng", ánh mắt ông không giấu được niềm vui.
Làm việc trong môi trường độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, bên cạnh đó, công việc chỉ là hợp đồng dài hạn, ngày lễ hay ngày tết có cũng như không, thời gian dành cho gia đình không nhiều. Nhưng ngần ấy thời gian gắn bó, ông suy nghĩ gọn hơ, không chỉ vì trách nhiệm của một ông tổ trưởng tổ lao động hay đơn thuần là người làm công ăn lương mà đó là khi làm công việc này, đầu tiên phải đặt cái tâm vào nghĩa cử cao đẹp cuối cùng mà người sống dành cho người chết. Đằng sau mỗi đôi mắt nhắm lại, hay mỗi nhịp tim ngừng đập là nhiều câu chuyện buồn về nhiều mảnh đời khác nhau trong xã hội.
Hành trình nhọc nhằn đầy kỷ niệm
Thắp nén nhang cắm lên lư hương trên chiếc bàn cũ ngổn ngang chân nhang trong phòng pháp y với ánh nhìn trầm ngâm, không ai bảo phải làm vậy, nhưng từ lâu rồi ông tự coi đó là trách nhiệm của mình để mong an ủi đôi chút phần tâm linh cho những mảnh đời bất hạnh. "Nhiều khi đêm khuya hay mưa gió, sực nhớ cũng lục đục qua đây đốt vài ba cây nhang, rồi lễ, rằm mua ít bánh trái cúng kiếng để họ ấm lòng. Tội nghiệp, nghĩa tử là nghĩa tận mà!", ông bộc bạch.
Theo ông Hồng, ngày trước đa phần xác sau khi không có người thân nhận sẽ được đem chôn ở nghĩa trang thành phố, nhưng sau này do bệnh viện không đủ kinh phí mua đất nên chuyển sang hình thức hoả táng. Chi phí cho 1 ca là 3 triệu đồng, tro cốt sau khi hoả táng được gửi vào chùa và trên mỗi hũ cốt sẽ ghi rõ tên, tuổi, quê quán, đồng thời lưu vào sổ bộ cụ thể để mong một ngày nào đó có người đến nhận. Trường hợp xác cô đơn lang thang không có thông tin sẽ đưa vào tháp vô danh. Quyển sổ ngày một dày thêm như những kỷ niệm, tâm tư ngày càng nặng trĩu của người đàn ông này.
Công việc luôn phải tiếp xúc với chết chóc, người mất được chuyển đến nhà xác đa phần là bệnh nhân cô đơn, vô danh, tai nạn giao thông hoặc chuyển từ các trại giam, trại tâm thần... thường mắc các bệnh hiểm nghèo, tai nạn, không ít ca khi chuyển đến xác đã không còn nguyên vẹn..., cảm giác sợ ban đầu dần chai sạn qua từng ngày. "Tôi không mê tín dị đoan, nhưng thiết nghĩ, sống sao thì thác vậy, nên đôi lúc cũng thấy những dấu hiệu lạ như tiếng động, tiếng gió rít qua cửa sổ hay những giấc mơ, mình cũng có phần chột dạ. Không biết có phải vì thường xuyên tiếp xúc với môi trường này hay không, nhưng bổn phận của mình thì cứ làm tròn thế thôi", ông từ tốn chia sẻ.
Dọn dẹp phòng mổ pháp y được xem là vất vả nhất, sau khi bộ phận pháp y làm việc là nền ngổn ngang máu me, có khi vương vãi từ bậc tam cấp kéo dài vào. Mùi tanh tưởi của xác người xộc vào mũi nhưng ông vẫn phải tỉ mỉ lau rửa để trả mọi thứ sạch sẽ như lúc ban đầu. Hoặc đôi khi là khâu tẩn liệm xác bệnh nhân AIDS, ung bướu, ung thư, lao (đa phần là các bệnh nhân cô đơn, lang thang mắc phải bệnh lây nhiễm này), cũng ái ngại nhưng cứ nghĩa tử là nghĩa tận, phải làm cho đàng hoàng, đầy đủ các thủ tục mới đưa sang lò thiêu. Sau những lúc mệt nhoài, không ít lần chén cơm cầm trên tay bị bỏ dở vì không thể nuốt trôi.
Một ngày quần quật, giấc ngủ lắm khi chập chờn, gián đoạn bởi tiếp nhận xác mới, đón thân nhân đến nhận dạng người thân được lưu giữ ở tủ đông. Công việc tuy cứ thế lặp đi lặp lại, nhưng không dám xao lãng vì sợ tắc trách với người còn sống, cũng như chưa tròn bổn phận với người đã khuất. Xác được bảo quản, 1 ngày nhân viên phải thăm chừng 2 lần, đến khi nào không có người nhận thì phối hợp với bộ phận công tác xã hội vận động hòm tẩn liệm chu đáo, để đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Những xác không có người thân, nằm lạnh lẽo trong nhà xác rồi trở thành những ngôi mộ, hũ cốt vô danh đã đành, vậy mà nhiều khi có người thân, người ta cũng không dám nhận nữa thì mới buồn nhiều hơn. Trong dòng hồi ức, ông Hồng không thể nào quên được thời gian gần 10 năm trước, khi bệnh viện còn hình thức chôn cất xác vô danh. Có gia đình vì quá nghèo, không có tiền mua hòm rương tẩn liệm nên sau khi bệnh nhân mất, người nhà không chịu nhận. Họ cứ để người thân nằm ở nhà xác, đến khi bệnh viện mai táng, họ đến nơi chôn cất lén đào quan tài lên mang về nhà chôn.
Có một số trường hợp người thân không có khả năng đóng tiền viện phí nên giả làm hàng xóm của người đã khuất, viện lý do thấy tội nghiệp, xin mang xác về để mai táng... Nhiều không kể xiết, người làm công tác nhà xác nhận ra hết, nhưng biết sao được, bởi họ nghèo mà.
Điều làm ông Hồng nặng lòng nhất là có rất nhiều xác cô đơn không có người nhận, hay thỉnh thoảng có em bé sơ sinh bị bỏ tại bệnh viện, có khi chính tay cha mẹ mang đến với lời hẹn sẽ trở lại rồi bặt tăm. Trực tiếp tham gia những chuyến đưa tang cô đơn không có nổi nén hương, kèn trống hay đĩa trái cây, những hình hài sơ sinh trong trắng lại chịu hành trình đơn độc đến lò thiêu và gửi tro cốt trong toà tháp vô danh, đó là những lúc ông hiểu rõ nhất cái lằn ranh mỏng manh của sinh tử, vô thường.
"Ngày trước làm vì nghèo khổ, bây giờ làm vì chữ tình, vì quyến luyến với những mảnh đời. 58 tuổi rồi, còn mấy năm nữa đâu là hưu, chỉ sợ là khi tôi nghỉ không biết có ai tiếp tục làm công việc này không?", tiếng chặc lưỡi của ông Hồng chứa đựng cả nỗi niềm./.
Hoàng Phúc - Hữu Nghĩa