ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 6-10-24 23:18:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tầm nhìn mới - Cơ hội mới

Báo Cà Mau Trong những ngày cận kề năm mới, tỉnh Cà Mau hân hoan tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về dự và phát biểu chỉ đạo nhiều vấn đề chiến lược, hệ trọng, tâm huyết. Quy hoạch là cơ sở, là căn cứ quan trọng để tỉnh Cà Mau hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư, kiến tạo động lực phát triển, thể hiện tầm nhìn mới, mở ra vận hội mới cho Cà Mau phát triển toàn diện và bền vững. Nhân dịp năm mới, báo Cà Mau trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

Thời gian qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Trung ương, sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Tuy nhiên, Cà Mau vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, sạt lở, sụp lún đất; cách xa các trung tâm kinh tế lớn; hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều yếu kém; địa hình chia cắt bởi sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; địa chất yếu; không có vật liệu xây dựng tại chỗ, dẫn đến suất đầu tư công trình, nhất là hạ tầng giao thông cao hơn nhiều so với các tỉnh lân cận. Cà Mau còn là tỉnh duy nhất trong khu vực không có nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Mê Kông. Ðây là những “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau trong thời gian qua.

Trước bối cảnh đó, công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tỉnh Cà Mau xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là giải pháp và là động lực cho tăng trưởng và phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới. Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QÐ-TTg, ngày 16/11/2023. Ðây là cơ sở pháp lý quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hội nhập và đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển từng ngành, lĩnh vực, cũng như huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh; xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (hàng đầu, thứ năm từ trái sang) và lãnh đạo tỉnh Cà Mau tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà đầu tư tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau, tổ chức ngày 9/12/2023. Ảnh: HUỲNH LÂM

Theo mục tiêu quy hoạch, phấn đấu đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, đề ra một số mục tiêu cụ thể quan trọng như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 7,5%/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 30-35% GRDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 0,5%/năm…

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 7,5 %/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 khoảng 30-35% GRDP... là những mục tiêu được đề cập trong quy hoạch của tỉnh. (Ảnh minh hoạ:  Trung tâm TP Cà Mau nhìn từ trên cao). Ảnh: NHẬT MINH

Ðến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hoá mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (thứ hai từ phải sang) cùng lãnh đạo tỉnh Cà Mau khảo sát thực địa, xem bản đồ quy hoạch nâng cấp Sân bay Cà Mau, nhân chuyến thăm và làm việc tại Cà Mau ngày 9/12/2023. Ảnh: HUỲNH LÂM

Ðể tạo nền tảng, cơ sở triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh, trong năm 2023, UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược:

Một là, tập trung chỉ đạo kỳ quyết công tác cải cách hành chính, trọng tâm là giải quyết hồ sơ trực tuyến; thanh toán trực tuyến; số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu thực hiện. Các chỉ số về cải cách hành chính tăng so với cùng kỳ: Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh (SIPAS) xếp hạng 3, tăng 18 bậc; Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (PAR INDEX) xếp hạng 30, tăng 16 bậc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 35, tăng 4 bậc. Theo kết quả mới được công bố của Văn phòng Chính phủ, năm 2023, Chỉ số thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng của tỉnh Cà Mau đứng đầu cả nước.

Hai là, quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Trong năm, đã hoàn thành cầu sông Ông Ðốc, tuyến trục Ðông - Tây, tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP Cà Mau…; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh: cầu Gành Hào, tuyến đường Cà Mau - Ðầm Dơi, Cái Nước - Vàm Ðình - Cái Ðôi Vàm, U Minh - Khánh Hội... Công tác xây dựng giao thông nông thôn được quan tâm chỉ đạo; thực hiện hoàn thành 450 km đường bê tông, vượt 125% kế hoạch. UBND tỉnh đã thực hiện quyết liệt và cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án Ðầu tư xây dựng đường cao tốc phía Ðông, đoạn Hậu Giang - Cà Mau; kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất nâng cấp Cảng Hàng không Cà Mau, bổ sung cao tốc Cà Mau - Ðất Mũi vào quy hoạch, nâng cấp Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh từ Cà Mau đi Ðất Mũi…

Ðường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là một dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Trong ảnh: Công trình đường cao tốc, đoạn thuộc địa phận xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình). Ảnh: NHẬT MINH

Ngoài ra, hạ tầng văn hoá, xã hội cũng được quan tâm đầu tư: toàn tỉnh hiện có 365 trường đạt chuẩn quốc gia, vượt 11,3% kế hoạch; đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa 1.200 giường, nâng cấp, xây dựng 42 trạm y tế cấp xã; hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, toàn tỉnh hiện có 60/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 6 xã so cùng kỳ), chiếm 73% tổng số xã…

Ba là, tiếp tục chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp được nâng lên: tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% (tăng 2% so với năm 2022), tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 99,22%; đã đưa 471 lao động đi làm việc nước ngoài, vượt 17,8% kế hoạch, tăng 47% so với năm 2022.

Ðể quy hoạch tỉnh triển khai thành công, là điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư hiệu quả nhất, tỉnh Cà Mau đặt ra các giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, UBND tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, phân bổ nguồn lực, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ các chương trình, dự án trong quy hoạch. Công bố rộng rãi, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội thực hiện quy hoạch; đồng thời rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ.

Tỉnh Cà Mau phát huy hợp lý, hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, riêng biệt, lợi thế về biển, đảo, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng ÐBSCL, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. (Trong ảnh: Cảng Hòn Khoai). Ảnh: THANH MINH

Thứ hai, nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá; phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Ban hành các tiêu chuẩn xanh, suất vốn đầu tư, công nghệ trong thu hút đầu tư để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, lấy kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm nền tảng. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố.

Thứ ba, các cấp, các ngành phải tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; chủ động giải quyết khó khăn vướng mắc; tạo niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ðào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Cuối cùng là nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Ðể quy hoạch tỉnh triển khai thành công cần có sự chung tay, giúp sức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh Cà Mau mong muốn người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành, chia sẻ những khó khăn trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đồng thời không ngừng nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh và chú trọng bảo vệ môi trường. Ðiều đó góp phần không nhỏ vào sự thành công và phát triển bền vững của tỉnh.

Bên cạnh đó, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, hướng dẫn của các ban, bộ, ngành Trung ương là hết sức quan trọng. Tỉnh Cà Mau hy vọng trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cùng các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp và người dân không chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Với quyết tâm và khí thế mới, cùng những dự án, công trình trọng điểm đã, đang, sắp được đầu tư, tin rằng các cấp uỷ, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà sẽ cùng chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thống nhất để triển khai và tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Mùa xuân mới đang về trong niềm vui tươi, phấn khởi, kính chúc toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, doanh nhân, những người con quê hương Cà Mau trên mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài năm mới mạnh khoẻ, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng!

 

HUỲNH QUỐC VIỆT, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

 

Nỗi lo dịch bệnh trên cá kèo

Những năm qua, việc tận dụng diện tích các ao, đầm tôm công nghiệp bỏ trống nuôi cá kèo đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân huyện Ðầm Dơi. Thêm nữa, vào cuối năm 2023, nhất là thời điểm tết Nguyên đán, giá cá kèo thương phẩm tăng cao nên bà con mở rộng diện tích nuôi. Tuy nhiên, vụ nuôi cá kèo năm nay gặp nhiều khó khăn, cùng với dịch bệnh gây thất thoát lớn cho hộ nuôi.

Không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hiện nay đang trở nên đáng báo động khi số lượng và liều lượng thuốc sử dụng trong một vụ sản xuất ngày càng gia tăng. Điều này không chỉ làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người mà còn gây ô nhiễm đến môi trường đất và nước.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động

Ngày 27/9, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ và đối thoại với doanh nghiệp kết hợp thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh.

Giá lúa cao hơn cùng kỳ từ 500-2.000 đồng/kg

Nhiều bà con nông dân đang thu hoạch lúa hè thu cho biết, hiện thương lái cân lúa tươi cắt máy tại ruộng đối với giống OM18 dao động từ 7.500-7.800 đồng/kg, còn giống lúa OM5451 ở mức từ 7.000-7.300 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 9.000-9.500 đồng/kg, lúa ST24 và ST25 giá từ 9.700-10.500 đồng/kg. Với mức giá như trên thì bình quân giá lúa tươi được nông dân bán cao hơn từ 500-2.000 đồng/kg so với cùng kỳ.

Ngọc Hiển - Nuôi tôm sinh thái gắn ngành hàng chủ lực

Tại tỉnh Cà Mau, mô hình nuôi tôm sinh thái được hình thành và phát triển từ trước năm 2000. Khi chất lượng tôm sinh thái của tỉnh được thị trường đánh giá cao, nhiều doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đã phối hợp với các đơn vị quản lý rừng đầu tư, xây dựng vùng nuôi tôm theo chứng nhận sinh thái, hữu cơ quốc tế, phổ biến nhất là hình thức nuôi tôm dưới tán rừng. Hiện, tỉnh có gần 40.000 ha nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, tập trung nhiều nhất ở huyện Ngọc Hiển với gần 23.000 ha; trong đó có khoảng 20.000 ha diện tích tôm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Sinh kế mới từ vỏ hàu

Thời gian qua, nghề nuôi hàu lồng phát triển mạnh mẽ trên địa bàn huyện Ngọc Hiển. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp con hàu nơi đây lớn nhanh, đạt kích cỡ tốt, giàu dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng. Ruột hàu tách sẵn được bán với giá từ 130-140 ngàn đồng/kg. Còn những mảnh vỏ hàu tưởng chừng như bỏ đi, bà con đã tìm cách tái sử dụng để cung cấp cho thương lái, tạo thêm sinh kế mới, giúp tăng thu nhập.

Tạo giá trị gia tăng từ công nghiệp hoá

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau từng bước khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất công nghiệp. Qua đó, ngành công nghiệp có bước phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Kỳ vọng đặc sản cá bổi

Vài năm gần đây, giá cá bổi thương phẩm giảm, cùng với tình hình nguồn nước, thời tiết bất lợi phần nào ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả nuôi, khiến nhiều nông dân bám nghề lâu năm cũng phải ngán ngại. Bà con nuôi cá bổi luôn kỳ vọng giá cá thương phẩm tăng trở lại và ổn định, để có động lực bám nghề và góp sức giữ vững thương hiệu cá bổi, đặc sản quê hương.

Ðồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

Các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ thanh niên trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế; xây dựng quỹ góp vốn xoay vòng, quỹ khởi nghiệp, giúp nhau lập nghiệp.

U Minh tăng tốc thu ngân sách

Ðối mặt nhiều khó khăn, thách thức do một số nguồn thu sụt giảm, tình hình kinh tế phục hồi chậm, các nguồn thu phát sinh hạn chế; tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt khai thác các nguồn thu, huyện U Minh đang tăng tốc thu ngân sách trong chặng nước rút.