(CMO) Bên cạnh thế mạnh nuôi thuỷ sản, nông dân huyện Cái Nước còn tận dụng hiệu quả bờ vuông tôm bố trí cây trồng hợp lý, với mô hình “Bờ dưa, ruộng lúa” và mô hình “Bờ rau, vuông tôm - sò huyết”, tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình.
Huyện Cái Nước có trên 30.000 ha nuôi thuỷ sản, trong đó một phần diện tích sản xuất của các xã: Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ, Hoà Mỹ, Trần Thới và thị trấn Cái Nước nằm trong các tiểu vùng Nam Cà Mau có hệ sinh thái mặn, ngọt đan xen; các địa phương còn lại có hệ sinh thái độ mặn cao.
Ðể khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế hệ sinh thái mặn, ngọt đan xen, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, hộ ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, tận dụng bờ vuông tôm phát triển mô hình “Bờ dưa, ruộng lúa”. Mùa mưa, ông bố trí sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm, tận dụng hơn 500 m2 bờ vuông trồng 450 dây dưa hấu Tết, ứng dụng màng phủ nông nghiệp tiết kiệm công tưới nước, vệ sinh cỏ dại. Nhờ vậy, dưa hấu phát triển tốt, cho thu hoạch đúng vào dịp Tết. Ước tính vụ dưa năm nay gia đình thu nhập khoảng 15 triệu đồng, chưa kể lợi nhuận từ lúa.
Ông Mai Văn Quốc chia sẻ: “Việc tận dụng bờ vuông trồng rau màu không chỉ tăng thu nhập mà còn làm cho bờ vuông thông thoáng, hạn chế chim chuột trú ngụ, ruộng lúa - tôm ít bị phá hoại, gia tăng năng suất. Còn bờ vuông không tận dụng trồng rau màu, cỏ sậy mọc um tùm, vừa gây lãng phí tài nguyên đất, vừa không thuận lợi trong sản xuất”.
Mô hình “Bờ dưa, ruộng lúa” tại hộ ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú. |
Nếu vùng sinh thái mặn, ngọt đan xen có mô hình “Bờ dưa, ruộng lúa”, thì ở các địa phương có hệ sinh thái độ mặn cao phù hợp phát triển tôm nuôi kết hợp sò huyết, nông dân tận dụng bờ vuông trồng rau màu, dưới vuông nuôi tôm, sò huyết.
Với 400 m2 bờ vuông tôm, anh Trần Văn Thảo, ấp Kinh Lớn, xã Ðông Thới, trồng rau thơm, làm lưới che, tiết kiệm công tưới nước, rau phát triển tốt và cho thu hoạch ngay những tháng mùa khô. Trung bình một tháng anh thu hoạch một lần, năng suất đạt từ 50-80 kg, bán với giá 40 ngàn đồng/kg, thu nhập trên 2 triệu đồng.
“Hàng năm, vào mùa mưa, bờ vuông tôm được rửa phèn mặn, các loại rau màu phát triển rất tốt và ít tốn kém chi phí. Nhưng để thu hoạch đạt năng suất cao phải luân canh cây trồng thường xuyên, không nên trồng một đối tượng trên bờ vuông trong thời gian dài, kết hợp bố trí các loại rau màu phù hợp với từng thời điểm trong năm”, anh Thảo chia sẻ cách làm.
Ông Trần Hoàng Ðạo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết: “Năm 2023, Phòng NN&PTNT xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục phát triển nông nghiệp - thuỷ sản. Ðể da dạng cây trồng, vật nuôi, ngành chuyên môn sẽ tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp bà con nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật nhân rộng các mô hình tận dụng bờ vuông tôm trồng rau màu mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Trong hơn 30.000 ha nuôi trồng thuỷ sản, bờ vuông tôm chiếm trên 30%. Cụ thể, toàn huyện có hơn 9.000 ha bờ vuông tôm, khi mô hình “Bờ dưa, ruộng lúa” và mô hình “Bờ rau, vuông tôm - sò huyết” được nhân rộng, đời sống kinh tế bà con nông dân huyện Cái Nước sẽ không ngừng phát triển và nâng cao./.
Việt Tiến