Trước đây, bà con nông dân trồng bồn bồn ấp Ðông Hưng, xã Tân Hưng Ðông khi thu hoạch chỉ lấy phần non của cây để bán, còn phần thân và lá được xem là phế phẩm, bà con vứt bỏ ngoài đồng. Thời gian gần đây, thương lái đến tận nhà thu mua với giá 5 ngàn đồng/kg để sản xuất một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ, bà con hết sức phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập từ phế phẩm cây bồn bồn.
Ấp Ðông Hưng, xã Tân Hưng Ðông là địa phương có diện tích trồng bồn bồn lớn nhất so với một số địa phương trên địa bàn huyện, tập trung chủ yếu ven theo tuyến Quốc lộ 1 ngang qua địa bàn, với gần 100 ha (được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Sản phẩm bồn bồn Cái Nước - Cà Mau” vào năm 2017).
Ðể gia tăng giá trị sản phẩm cây bồn bồn, ấp Ðông Hưng hình thành 2 hợp tác xã (HTX) chế biến sản phẩm bồn bồn (đạt OCOP 3 sao), giúp bà con tiêu thụ sản phẩm bồn bồn tươi. Nhưng khi thu hoạch, bà con chỉ lấy phần non, còn thân và lá thì vứt bỏ.
Thời gian gần đây, thương lái ngoài huyện đến tìm hiểu vùng trồng bồn bồn nguyên liệu, đặt vấn đề thu mua thân và lá cây bồn bồn khô sau khi thu hoạch để sản xuất một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ra nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Hai, ấp Ðông Hưng, cũng như nhiều hộ dân vùng trồng bồn bồn nguyên liệu vui vẻ nhận lời. Trước Tết vừa qua, gia đình bà Hai thu gom thân và lá cây bồn bồn sau thu hoạch, phơi khô bán được hơn 2 triệu đồng, gia đình hết sức phấn khởi.
Ông Lê Thanh Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, tìm hiểu phế phẩm cây bồn bồn tại hộ bà Nguyễn Thị Hai ấp Đông Hưng.
Ngay sau Tết, hộ bà Nguyễn Thị Niềm, ấp Ðông Hưng, cũng tranh thủ thời gian thu gom thân và lá cây bồn bồn bị vứt bỏ mang về phơi nắng, bó lại, chờ thương lái đến thu mua. Bà Niềm cho biết, tuy nguồn thu nhập từ phế phẩm thân và lá bồn bồn không lớn nhưng có thêm khoản tiền trang trải sinh hoạt trong gia đình.
Phế phẩm cây bồn bồn được bà Nguyễn Thị Niềm bó lại gọn gàng, chờ thương lái đến thu mua.
Ông Lê Thanh Toàn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng Ðông, cho biết, việc thương lái thu mua phế phẩm thân và lá cây bồn bồn đã giúp bà con ấp Ðông Hưng có thêm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống. Nếu thương lái thu mua lâu dài, chính quyền địa phương sẽ vận động bà con thành lập tổ hợp tác thu gom phế phẩm cây bồn bồn về điểm tập trung để dễ dàng tiêu thụ.
Hiện trên địa bàn huyện Cái Nước có HTX nuôi trồng thuỷ sản Hà Nguyên, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, đang sản xuất mặt hàng túi xách với nguyên liệu từ thân và lá cây bồn bồn, được ngành chức năng cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Nay phế phẩm cây bồn bồn được thương lái đến thu mua để sản xuất một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, mở ra hướng đi mới cho nông dân vùng trồng bồn bồn ấp Ðông Hưng. Qua đó, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều bà con./.
Việt Tiến