Qua kết quả đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của tỉnh cho thấy, các sở, ban, ngành tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt. Ðặc biệt là các tiêu chí, tiêu chí thành phần về kết quả số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Từ đó, thể hiện rõ nét những thay đổi của tỉnh trong việc đẩy mạnh giải quyết TTHC qua môi trường mạng, ngày càng nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Chuẩn mực, chuyên nghiệp hướng đến sự hài lòng
- Lấy sự hài lòng làm thước đo hiệu quả
- Cải cách mạnh mẽ nền hành chính ở cơ sở
Chỉ số CCHC năm 2023 của các sở, ban, ngành tỉnh có giá trị trung bình là 82,49%, tăng 0,94% so với năm 2022 (đạt 81,55%); không có đơn vị đạt dưới 70%. Kết quả phân tích cho thấy, giá trị trung bình tăng là nhờ tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp thuận khi thực hiện TTHC trước đó; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến của các cơ quan, đơn vị được cải thiện rõ nét so với năm trước.
Bộ phận Một cửa thị trấn Cái Nước ngày càng hoàn thiện về nhân lực, cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu giải quyết TTHC cho người dân.
Sở Tư pháp là đơn vị đứng đầu Bảng xếp hạng với 88,25%, đây là đơn vị nhiều năm liền thuộc nhóm có vị trí xếp hạng cao (năm 2022 xếp hạng 2, năm 2021 xếp hạng 3). Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng là đơn vị có nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần đạt điểm tối đa như: cập nhật, tham mưu công bố TTHC đúng quy định; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp thuận khi thực hiện TTHC trước đó; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 100%...
Ông Võ Thanh Tòng, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: “Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trên lĩnh vực tư pháp, đơn vị đã tập trung giải quyết làm sao cho các TTHC được thực hiện nhanh chóng cho người dân. Trong đó, nổi bật là các thủ tục lý lịch tư pháp hộ tịch, đăng ký khai sinh, kết hôn qua môi trường điện tử được cắt giảm thời gian giải quyết TTHC, tạo thuận lợi cho người dân. Ðồng thời, đơn vị phối hợp với Công an tỉnh, kết nối VNeID, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, do đa số người dân còn làm chậm nên cán bộ tư pháp tập trung hướng dẫn. Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn nhằm nhắc nhở, đôn đốc để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Xếp vị trí thứ 2 là Sở Giáo dục và Ðào tạo, đây là đơn vị có vị trí xếp hạng được cải thiện trong năm 2023, có nhiều sáng kiến cấp tỉnh trong công tác CCHC được công nhận; tham mưu văn bản quy phạm pháp luật, cập nhật, tham mưu công bố TTHC đúng quy định; tỷ lệ văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đạt cao...
Tuy nhiên, nhóm 3 đơn vị có vị trí đứng cuối bảng xếp hạng gồm: Sở Giao thông vận tải (GTVT), Sở Xây dựng, Sở Y tế, thì Sở Xây dựng có vị trí xếp hạng không đổi so với năm 2022, Sở GTVT đứng cuối bảng xếp hạng (so với năm 2022, đơn vị giảm 3 bậc).
Qua rà soát cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị không có sáng kiến cấp tỉnh trong công tác CCHC được công nhận; có lãnh đạo cấp phòng và tương đương, công chức, viên chức bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên; không có đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tăng mức độ tự chủ kinh phí chi thường xuyên trong năm. Ngoài ra, Sở GTVT là đơn vị bị nhiều điểm trừ nhất so với các đơn vị còn lại.
Ngoài ra, xét về lĩnh vực, trong 7 lĩnh vực thì lĩnh vực cải cách chế độ công vụ là có điểm số cao nhất, đạt 89,25%. Theo kết quả đánh giá, đa số các sở, ban, ngành tỉnh thực hiện khá tốt việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm vị trí lãnh đạo cấp phòng và tương đương; đánh giá, phân loại công chức, viên chức hằng năm.
Người dân đến giải quyết TTHC tại Trung tâm giải quyết TTHC tỉnh.
Lĩnh vực cải cách tài chính công là lĩnh vực có điểm số thấp nhất, do một số nguyên nhân như: không có đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tăng mức độ tự chủ kinh phí chi thường xuyên; không giảm chi trực tiếp ngân sách cho đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021; tiến độ thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra về tài chính, ngân sách; trong năm có một số đơn vị thực hiện chưa đúng quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí hành chính.
Bà Lê Thị Kim Chung, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh, đánh giá: “Mặc dù có nhiều giải pháp, sáng kiến được triển khai trên lĩnh vực cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, song vẫn còn trường hợp hồ sơ giải quyết trễ hạn. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, vẫn còn nhiều trường hợp người dân phải đi lại nhiều lần để làm TTHC; người dân chưa hài lòng về quá trình giải quyết TTHC; TTHC trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, người dân khó thực hiện; một số trường hợp công chức hướng dẫn thiếu cụ thể và có lúc chưa nhất quán nên gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp...”.
Với kết quả đó, cùng một số mặt hạn chế, bà Lê Thị Kim Chung đề nghị: “Các đơn vị tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, thông qua việc xây dựng các kế hoạch có liên quan đến CCHC hằng năm một cách khả thi, phù hợp. Quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Ðồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, thực hiện đạt hiệu quả việc chứng thực bản sao điện tử, số hoá hồ sơ kết quả giải quyết TTHC, hồ sơ trực tuyến... góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi tham gia thực hiện TTHC”./.
Hồng Nhung