Tại chương trình “Cà phê doanh nghiệp” lần thứ 3/2024 vào sáng 20/1, với chủ đề Vận tải hàng hoá, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (ngồi bìa, hàng giữa) ghi nhận những khó khắn, vướng mắc của các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải
Ông Lê Hoàng Ngon, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Sau đại dịch Hiệp hội gặp khó khăn rất nhiều trong hoạt động; doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo đó mà gặp khó; rất mong trong thời gian tới tỉnh hỗ trợ nhiều hơn trong sản xuất, kinh doanh. Địa phương nên chủ động trong việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông từ cơ sở đến tỉnh”.
Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quan tâm văn hoá giao thông trong đưa đón khách du lịch trong thời gian và đề nghị cần có sự chấn chỉnh kịp thời để góp phần vào phát triển của ngành.
Bà Điệp Thị Hồng Nhiên, đại diện Công ty TNHH MTV Hiệp Thành Cà Mau (ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau), phản ánh, một số tuyến đường huyện rất xấu, chưa được sửa chữa kịp thời gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động. Việc cắm biển báo cấm tải bất hợp lý ở nhiều tuyến đường nhánh tại các xã, gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp.
Việc vận tải hàng hoá về tuyến xã gặp nhiều khó khăn do các tuyến lộ giao thông ngày càng xuống cấp, chưa có kinh phí duy tu và sửa chữa.
Bà Triệu Mỹ Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thuỷ bộ Minh Hải (Phường 8, TP Cà Mau) phản ánh những khó khăn của xã viên HTX trong việc hoạt động tại các tuyến đường Sông Đốc, do có nhiều biển báo chưa phù hợp, cần có sự thay đổi kịp thời để hoạt động hiệu quả hơn. Thực tế đã qua, các xã viên bị phạt nặng khi vi phạm”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở Giao thông và Vận tải, cho biết: “Trước khó khăn của doanh nghiệp, thời gian tới, sở sẽ rà lại và có hướng cấm biển báo nhận diện ngay từ đầu vào. Thực tế, chúng ta đang gặp khó là đường nâng cấp, duy tu, sửa chữa nhưng cầu vẫn chưa đủ kinh phí để nâng cấp nên không đủ điều kiện nâng cấp tải trọng cầu cho đồng bộ. Rất mong doanh nghiệp chia sẻ về khó khăn này”.
Về những trăn trở của nhiều doanh nghiệp xoay quanh việc quản lý hoạt động xe công nghệ, theo ông Sơn, dịch vụ này chưa phải là loại hình Grab chính thống nên rất khó quản lý. Thời gian tới đây, khi UBND tỉnh giao quyền quản lý về sở thì ngành sẽ có giải pháp với loại hình hoạt động này.
“Hiện chúng ta còn gặp khó khăn, nhất là vận tải hàng hoá do điều kiện tuyến đường giao thông về trung tâm xã còn khó khăn; các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cần chia sẻ và đầu tư phương tiện phù hợp’, ông Sơn bày tỏ.
Bà Phan Thị Thanh Thu, Giám đốc Dự án Phổ thông, Cao đẳng FPT Polytechnic – Cà Mau thông tin: “Tới đây, Tập đoàn FPT sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cầu giao thông nông thôn trong tỉnh với quy mô lớn; hiện đang phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp rà soát tại các địa phương, chuẩn bị các điều kiện để chuẩn bị cho công tác triển khai hiệu quả và thiết thực nhất”.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Vai trò của Hiệp hội Vận tải tỉnh rất quan trọng, đặc biệt là trong công tác đảm bảo văn hoá giao thông; tập trung tuyên truyền, nêu gương những doanh nghiệp làm tốt văn hoá giao thông, cũng như phê bình, chấn chỉnh dơn vị chưa làm tốt. Về biển báo giao thông, ngành giao thông vận tải chỉ đạo bộ phận chuyên môn và địa phương rà soát lại, cân nhắc thực hiện phù hợp với từng tuyến đường để khai thác tối ưu, bảo vệ các tuyến đã được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, HTX kinh doanh lĩnh vực này”.
“Về hệ thống đường xuống cấp, do thiếu nguồn lực đầu tư, khó khăn này do cơ chế mà ra. UBND tỉnh ghi nhận vấn đề này và đang chỉ đạo xây dựng đề án về đường ô tô về trung tâm xã một cách tổng thể nhất. Sở Giao thông vận tải phát huy vai trỏ tham mưu một cách tổng thể nhất”, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh.
Phú Hữu