Việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), đặc biệt là bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi không may mất việc làm. Các quyền lợi này không chỉ giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn hỗ trợ họ trong việc tìm kiếm công việc mới hoặc học nghề.
Gia đình chị Hồ Bích Trân, ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, đã có 5 năm làm công nhân may tại Bình Dương, chồng chị làm bảo vệ. Vì muốn gần gũi và chăm sóc con cái, họ đã quyết định trở về quê sinh sống. Chị Trân chia sẻ: “Nhờ tham gia BHXH nên nay tôi đến Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh Cà Mau làm thủ tục để nhận trợ cấp thất nghiệp”. Tham gia BHTN không chỉ giúp gia đình chị vượt qua giai đoạn khó khăn khi chuyển đổi công việc mà còn tạo điều kiện để chăm sóc con cái tốt hơn.
Người lao động đến Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Thà quê ở Phường 1, TP. Cà Mau, đã làm việc tại Công ty Cổ phần Cấp thoát nước được 3 năm 3 tháng. Sau khi nghỉ việc, anh Thà nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp, có nguồn tài chính ổn định trong thời gian tìm kiếm công việc mới.
Đến Trung tâm Giải quyết QTTHC tỉnh làm thủ tục để tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp, chị Trần Thị Oanh, Phường 6, TP Cà Mau, chia sẻ: "Tôi đã làm việc tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú hơn 9 năm. Do sức khoẻ kém, tôi đã xin nghỉ việc và nhờ tham gia đầy đủ các chế độ BHXH theo quy định nên tôi được nhận trợ cấp thất nghiệp 5 tháng, mỗi tháng hơn 2,8 triệu đồng".
Chị Trần Thị Oanh (Phường 6, TP Cà Mau) đang làm thủ tục để tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp.
Đây là minh chứng rõ ràng cho việc tham gia BHXH giúp người lao động có nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống khi gặp khó khăn.
Theo báo cáo từ BHXH tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có 1.623 doanh nghiệp đăng ký tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, BHTN cho 29.382 lao động. Năm qua, BHXH tỉnh Cà Mau chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 40.055 lượt người (giải quyết mới 9.606 người), số tiền 148,5 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm 2024, BHXH tỉnh đã trả trợ cấp thất nghiệp cho 2.106 người, bằng 78% so cùng kỳ.
Bà Lâm Ngọc Duyến, chuyên viên phụ trách bộ phận BHTN, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau cho biết: "Điều 57, Luật Việc làm 2013 quy định mức đóng BHTN như sau: Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BNTN; Nhà nước hỗ trợ 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách Trung ương bảo đảm. Khi người lao động thất nghiệp, họ được hưởng 4 chế độ: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp duy trì đào tạo nguồn nhân lực.
Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau đang thực hiện các chế độ chính gồm trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm. Trung tâm chủ động tổ chức các phiên giao dịch việc làm để người lao động có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, "phần lớn người lao động chủ yếu muốn nhận trợ cấp thất nghiệp, không quá thiết tha với việc tìm kiếm công việc mới hoặc học nghề do các lý do cá nhân như chăm sóc người thân già yếu hay con nhỏ", bà Lâm Ngọc Duyến chia sẽ.
Để người lao động hiểu rõ hơn về lợi ích của BHTN, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các quyền lợi khi tham gia BHXH và BHTN. Qua đó, người lao động sẽ ý thức được tầm quan trọng của việc đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi cho bản thân và gia đình khi không may thất nghiệp.
Việc tham gia BHTN không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của mỗi người lao động. Những câu chuyện thực tế từ chị Trân, anh Thà, chị Oanh là minh chứng rõ ràng cho việc BHTN đã giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo cuộc sống và tạo điều kiện để họ tìm kiếm cơ hội mới. Do đó, hãy tham gia và đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm để được bảo đảm quyền lợi khi gặp phải rủi ro trong công việc./.
Phúc Duy