(CMO) Sáng nay 23/9, Trung tâm Khuyến công Cà Mau phối hợp Trung tâm Tư vấn đào tạo công nghiệp và thương mại thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương (Bộ Công thương) tổ chức hội thảo bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh giai đoạn trong và sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19 cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Hội thảo tiến hành thảo luận về các vấn đề như: Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh giai đoạn trong và sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19 cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT); Chính sách hỗ trợ của Nhà nước về các khoản thuế, lệ phí, gia hạn thời hạn thuế và tiền thuế đất hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các cơ sở CNNT quan tâm và đẩy mạnh về vấn đề xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ của từng doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế thông qua các hoạt động như khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại. Trong đó, tập trung ưu tiên các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu ngành hàng và đào tạo nâng cao năng lực xúc tiến thương mại bằng các hình thức phù hợp, cả trực tiếp và trực tuyến.
Đại biểu tham dự hội thảo. |
Ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Khuyến công Cà Mau, cho biết: “Đây sẽ là một chương trình hội thảo có tính thời sự về các thông tin trao đổi về hoạt động thương mại hiện nay và có tính thực tiễn cao, giúp ích cho các cơ sở CNNT trong quá trình sản xuất kinh doanh, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại và phân phối hàng hóa của mình đến với khách hàng trong và ngoài nước”.
Ban Tổ chức kỳ vọng, các hoạt động xúc tiến thương mại, phân phối hàng hóa có hiệu quả sẽ hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp (đặc biệt là các cơ sở công nghiệp địa phương), các làng nghề, làng nghề truyền thống của địa phương phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định và từng bước mở rộng mạng lưới thị trường tiêu thụ hàng hoá trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh và xuất khẩu; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và đẩy mạnh xuất khẩu; góp phần tăng thu ngân sách, nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương, giải quyết được việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới./.
Phúc Duy