(CMO) Ðể hiểu về lịch sử và văn hoá con người, vùng đất thì tìm đến bảo tàng; còn nhìn vào sự phát triển kinh tế năng động phải tìm đến các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN).
>> Bài 1: Điểm nghẽn hạ tầng giao thông
>>Bài cuối: Nhận diện tồn tại và mở lối tương lai
Với Cà Mau, bức tranh này xem ra không mấy tươi sáng. Nỗi niềm này thật đúng với hiện trạng của KKT Năm Căn, nơi được kỳ vọng không những "cất cánh" cho riêng tỉnh Cà Mau, mà còn mở rộng ra cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trên 12 năm chờ nhà đầu tư
Ðược thành lập cách nay trên 12 năm, nhưng đến nay chưa có dự án, công trình nào được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách thực hiện tại KKT Năm Căn, chủ yếu dừng lại ở mức giới thiệu, như dự án sản xuất và chế biến cua lột ứng dụng công nghệ cao của Công ty Yat Fung, dự án nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH B.H.N.
Trên 12 năm thành lập, KKT Năm Căn chỉ mới hình thành khoảng 4 km trục giao thông từ nguồn ngân sách.
Ông Hứa Minh Hữu, Phó ban Quản lý KKT tỉnh Cà Mau, khẳng định rằng, khi nhà đầu tư về Năm Căn để tìm cơ hội đầu tư thì họ đến KKT Năm Căn. Theo đó, KKT Năm Căn không phát triển thì huyện Năm Căn, cũng như kinh tế biển của tỉnh cũng cùng chung số phận. Một thực tế là dù trải qua rất nhiều năm hình thành, KKT vẫn chỉ là những đầm tôm rừng, ngoài những trục giao thông được đầu tư từ nguồn ngân sách vốn hạn hẹp. Ðất trong khu vực quy hoạch vẫn là của dân, không có mặt bằng sạch thì chẳng có nhà đầu tư nào dám vào.
Có vị trí thuận lợi không kém cạnh cả về đường sông, đường bộ, lại gần với TP Cà Mau, KCN Khánh An được xem là điểm sáng khi hình thành nhiều dự án với các nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Hữu, có nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KCN Khánh An, trong đó có dự án quy mô lớn... trong khi quỹ đất sạch của KCN hiện hữu còn rất ít, nên không đáp ứng nhu cầu. Ðồng thời, một số nhà đầu tư hạ tầng KCN tìm hiểu đề xuất để kinh doanh cho thuê hạ tầng, phục vụ sản xuất kinh doanh và đang có nhu cầu thuê đất rất cao, tuy nhiên, đa số cũng chỉ dừng lại ở bước tìm hiểu, chưa mạnh dạn triển khai thực hiện dự án.
Là điểm sáng trong thu hút đầu tư, tuy nhiên, đến nay các dự án tại KCN Khánh An khá nhỏ, không có nhà đầu tư tiềm năng.
Nhìn vào thực tế, ông Hứa Minh Hữu thừa nhận việc quy hoạch, xây dựng và thu hút đầu tư hạ tầng KKT, KCN đã qua trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa đồng bộ, chi phí và suất đầu tư thuộc vào loại cao nhất cả nước; KKT, KCN đều ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên rất khó thu hút đầu tư hạ tầng do hiệu quả đầu tư của dự án không cao, mà chủ yếu từ nguồn ngân sách. Từ đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đấu nối trong và ngoài hàng rào còn chưa đồng bộ; công trình hạ tầng tiện ích xã hội, nhà máy xử lý nước thải tập trung do thiếu vốn chưa được đầu tư và đặc biệt nguồn vốn tạo quỹ đất sạch chưa có nên khó khăn trong công tác thu hút đầu tư.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ðức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, cho biết, giai đoạn trước đây, Cà Mau được xác định là 1 trong 4 trục kinh tế trọng điểm, động lực của vùng ÐBSCL phía Nam sông Hậu (Cà Mau - Kiên Giang - An Giang - TP Cần Thơ), tuy nhiên, chẳng có cơ chế đặc thù nào được ưu tiên, áp dụng. Do kinh tế phát triển chậm, đến nay Cà Mau đã “văng” ra khỏi "bộ tứ" này.
Sau nhiều năm “đóng băng”, mới đây KKT Năm Căn vừa được chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, dự kiến thông qua Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 6 này. Lãnh đạo Ban Quản lý KKT cho biết, thời gian qua, KKT Năm Căn ưu tiên khai thác hiệu quả tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Năm Căn, tuyến đường trục chính KKT, đường trục Bắc - Nam của KKT; xây dựng đấu nối đường trục chính, đường trục Bắc - Nam KKT với hệ thống giao thông Khu đô thị Năm Căn để khai thác đồng bộ, liên hoàn các khu chức năng trong khu kinh tế... với chiều dài chỉ khoảng 4 km.
Tại KCN Khánh An, đã đầu tư đường giao thông trục chính, cổng chào, trồng cây xanh, hệ thống thoát nước mưa đường N1, hàng rào toàn KCN; đã ban hành giá thuê đất; ban hành mức thu tiền sử dụng hạ tầng... Các KCN khác như: Hoà Trung, Sông Ðốc gần như chưa có gì ngoài đồ án quy hoạch, các cơ sở sản xuất - kinh doanh nằm rải rác, xen lẫn với nhà ở, đất sản xuất của người dân.
Cụm công nghiệp cùng chung thực trạng
Xác định phát triển công nghiệp thuộc những ngành tỉnh có thế mạnh, như chế biến nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, là một trong những định hướng phát triển kinh tế chính của tỉnh. Cái khó, vướng mắc trong công tác mời gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh còn hiển hiện tại các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn.
Hiện toàn tỉnh có 13 CCN theo quy hoạch được duyệt, trong đó CCN Phường 8 đã lấp đầy 100% do các nhà đầu tư tự thoả thuận mua đất và triển khai dự án; CCN Hoà Thành hiện đang mời gọi các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng (đang kiến nghị di dời sang địa điểm mới); 11 CCN còn lại chưa có nhà đầu tư hạ tầng. Nguyên nhân của vấn đề này vẫn là do chưa có quỹ đất sạch; yếu tố địa hình dẫn đến chi phí đầu tư tương đối cao hơn so với các khu vực khác; việc hỗ trợ, định hướng cho các nhà đầu tư lựa chọn vị trí thực hiện dự án trong các CCN là chưa khả thi và xét thấy hầu như không có vị trí phù hợp.
Thực tế này đã ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu quan trọng thực hiện Ðề án “Di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, đô thị chuyển vào khu, CCN trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2020-2030”. Một khúc mắc đang diễn ra là mục đích hình thành CCN nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh; tuy nhiên, thực tế có CCN được quy hoạch chỉ cho một ngành nghề với tổng vốn đầu tư lớn. Ðiển hình là CCN tại xã Phong Ðiền (huyện Trần Văn Thời) quy hoạch phát triển chuỗi nhà máy sản xuất khí hydrogen, ô xy, amoniac từ nguồn điện năng lượng tái tạo; do đó, chỉ có 1 hoặc rất ít nhà đầu tư có thể tham gia, như vậy là chưa phù hợp với định hướng phát triển CCN của Chính phủ theo tinh thần Nghị định số 68/2017/NÐ-CP ngày 25/5/2017.
Ðến nay, trong các KCN, KKT của tỉnh có tổng số 49 dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là 20.198,71 tỷ đồng (gồm 2 dự án FDI, vốn đăng ký 1.885,6 tỷ đồng, tương đương 82 triệu USD; 1 dự án hạ tầng 538,6 tỷ đồng). Trong đó, 29 dự án đã đi vào hoạt động và 20 dự án đang chuẩn bị đầu tư, chưa hoạt động.
(Nguồn: Sở Kế hoạch và Ðầu tư)
Trần Nguyên
Bài 3: GIAN NAN “ÐẤT SẠCH”