(CMO) Cà Mau là một trong những tỉnh có diện tích rừng ngập mặn ven biển lớn trên cả nước, với hơn 96.000 ha có rừng, trong đó có hơn 52.000 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển. Ðể bảo vệ an toàn diện tích rừng, lực lượng làm nhiệm vụ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi những hành động đe doạ, tấn công của các đối tượng manh động.
Hơn 15 năm gắn bó với những cánh rừng phòng hộ, với anh Lê Hồng Lệnh, phụ trách Tiểu khu 125, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), rừng là nhà, là người bạn thân quen. Công việc giữ rừng chưa bao giờ là dễ dàng, bản thân anh Lệnh cùng những anh em tiểu khu không quản ngại nắng mưa, vất vả lội sình lầy ngày đêm xuyên rừng tuần tra canh gác. Ðiều làm các anh luôn trăn trở, lo lắng chính là sự manh động của một số đối tượng.
Lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng thường xuyên tuần tra xuyên rừng trên địa bàn quản lý.
Anh Lệnh bức xúc kể lại: “Sự vụ cũng đã xảy ra một thời gian, thế nhưng khi nhớ lại tôi vẫn còn ám ảnh bởi sự liều lĩnh của những đối tượng vào rừng chặt phá cây. Ðó là lần tuần tra trong khu vực quản lý, chúng tôi phát hiện 1 phương tiện xuồng máy chở cây rừng. Chúng tôi cập vào phương tiện để kiểm tra, thế nhưng những đối tượng này chống trả lại quyết liệt. Rất may là chúng tôi không ai bị thương tích gì. Bấy giờ phải liên hệ nhờ sự hỗ trợ từ lực lượng biên phòng, công an địa phương mới có thể làm việc được với các đối tượng”.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích lớn, nhưng lực lượng kiểm lâm khiêm tốn, không được trang bị phương tiện để đối phó trong những tình huống nguy cấp. Vì thế, khi bị các đối tượng vi phạm tấn công, những người giữ rừng chỉ có thể tìm cách tránh né và gọi hỗ trợ từ các lực lượng chức năng đóng trên địa bàn.
Cũng vì lý do trên mà có những sự vụ, lực lượng giữ rừng đã bị thương tích vì sự tấn công của một số đối tượng. Ðơn cử như vụ vừa xảy ra vào đầu tháng 7/2023. Trong quá trình tuần tra trên địa bàn quản lý, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện một số đối tượng vào khu vực rừng phòng hộ chặt phá cây rừng trái phép. Khi lực lượng yêu cầu chấm dứt hành động để lập biên bản sự việc thì các đối tượng này đã dùng cây, hung khí tấn công làm một số anh em bị thương. Chỉ tới khi có sự xuất hiện của lực lượng công an xã, các đối tượng này mới bị khống chế.
Ông Trần Thanh Nhàn, Phó trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, cho biết: “Tình hình này cho thấy, ngoài vấn đề địa bàn rộng, lực lượng mỏng thì việc cấp quyền cũng như trang bị những công cụ cần thiết để bảo vệ sức khoẻ đối với lực lượng làm nhiệm vụ giữ rừng là hết sức cần thiết”.
Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, ngoài việc chống trả lại lực lượng làm nhiệm vụ, nhiều đối tượng vào chặt phá cây rừng trái phép còn đối phó, né tránh việc xử lý của pháp luật bằng cách phi tang tang vật khi bị phát hiện. Như vụ việc xảy ra vào thời điểm đầu năm, khi bị lực lượng quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ tuần tra phát hiện, các đối tượng chống trả quyết liệt, không cho lực lượng làm nhiệm vụ tiếp cận; đồng thời nhấn chìm xuồng để phi tang số cây vừa chặt phá. Ðối với những trường hợp như thế, giới hạn của đơn vị quản lý, bảo vệ rừng cũng chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vụ việc, trình cho cơ quan chức năng xử lý.
Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng quản lý gần 7.000 ha rừng, trải dài trên tuyến hoạt động ven biển hơn 40 km, với 4 liên tiểu khu. Thế nhưng, nguồn nhân lực để đảm bảo cho công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn thiếu và yếu. Việc thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo Nghị định 01/2019/NÐ-CP của Chính phủ vẫn còn là bài toán nan giải, bởi vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về các chế độ, chính sách, cũng như phụ cấp đối với lực lượng làm nhiệm vụ này. Và những người gắn bó với các cánh rừng phòng hộ vẫn luôn thấp thỏm, lo âu... trong hành trình giữ rừng ngày càng gian nan, nhiều thử thách./.
Lê Chí