Đến nay, tỉnh Cà Mau có 12 sản phẩm được bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể; 14 sản phẩm được bảo hộ với hình thức nhãn hiệu chứng nhận; 2 sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý Cà Mau (tôm sú Cà Mau và Cua Cà Mau).
Thông tin trên được nêu tại Hội nghị sơ kết Đề án hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025, sáng ngày 15/12, do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Đại biểu dự hội nghị.
Theo đánh giá tại hội nghị, trong thời gian qua, thông qua các hoạt động hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đã tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, từng bước dịch chuyển từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, từ sản xuất, phát triển sản phẩm tự do sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng có gần 40 sản phẩm tham gia truy xuất nguồn gốc. Kết quả triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh bước đầu cho thấy đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm của địa phương.
Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC) đã chủ động liên hệ và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo trên 150 tài khoản người bán trên sàn thương mại điện tử Cà Mau (madeincamau.com) và đăng tải trên 190 sản phẩm hàng hoá, dịch vụ.
Sản phẩm than đước đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Dịp này, Ban tổ chức đã công bố các quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Than đước Mũi Cà Mau”, “Đũa đước Cà Mau” cho Hội Nông dân tỉnh Cà Mau; công bố quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Cà Mau” cho UBND huyện Năm Căn./.
Kim Cương