ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 11-5-25 16:58:07
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thêm hàm lượng khoa học trong nông nghiệp

Báo Cà Mau (CMO) Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo được coi là một trong những định hướng và giải pháp then chốt, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Ðây là hướng đi để giải quyết các thách thức đang đặt ra trong phát triển nông nghiệp hiện nay, góp phần tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu…

Trong định hướng xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững, tỉnh xác định KH&CN là một trong những giải pháp quan trọng. Theo đó, thời gian qua, nhiều dự án, đề tài nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp được triển khai rộng khắp trên đồng đất Cà Mau, từ trồng trọt, nuôi thuỷ hải sản cho đến lâm nghiệp…

Ðánh giá về công tác nghiên cứu và ứng dụng KH&CN thời gian qua trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, Thạc sĩ Mai Xuân Hương, Phó trưởng phòng Quản lý cơ sở, Sở KH&CN, cho biết: “Trong 5 năm gần đây, riêng Sở đã triển khai 91 nhiệm vụ khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, 84 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và 7 nhiệm vụ KH&CN cấp Trung ương”.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ biofloc sản xuất tôm giống nâng cao năng suất, chất lượng giống; nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý nước tuần hoàn và bùn thải trong nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn Cà Mau và một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; ứng dụng nhân rộng kết quả nghiên cứu, thử nghiệm đối với các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh; mô hình ứng dụng công nghệ để khôi phục và phát triển nguồn lợi cá đồng vùng U Minh Hạ; các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm, mô hình ứng dụng KH&CN tuyển chọn các giống lúa chịu mặn ngắn ngày (Camau 1), giống lúa thơm có khả năng thích nghi mặn vùng đất lúa - tôm, chất lượng cao (Cà Mau thơm 3), mô hình lúa - tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP vùng Bắc Cà Mau; ứng dụng công nghệ sinh học nhân giống cây keo lai bằng phương pháp cấy mô tế bào thực vật đã cung cấp hàng triệu cây giống keo lai/năm;… Ðó là những đề tài, dự án KH&CN tiêu biểu có thể kể đến trên lĩnh vực nông nghiệp mà tỉnh đã triển khai thời gian qua, góp phần đưa nền nông nghiệp không ngừng phát triển.

Công nghệ sinh học nhân giống cây keo lai bằng phương pháp cấy mô tế bào thực vật có thể cung cấp mỗi năm từ 1-1,5 triệu cây giống chất lượng, đáp ứng định hướng trồng rừng gỗ lớn của tỉnh.

Ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là biện pháp phòng trừ sâu bệnh triển khai rộng rãi trên các vùng trồng lúa của tỉnh. Theo ông Phạm Trường Giang, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: “Trên 80% nông dân đã ứng dụng IPM vào trong sản xuất, từ đó giảm hơn 54% lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm 14,2% lượng phân bón và giảm lượng lúa giống gieo sạ. Kết hợp nhiều biện pháp một cách hài hoà, hợp lý của IPM đã góp phần khống chế sự phát triển của sâu bệnh hại ở dưới mức có thể gây hại, bảo vệ được cây trồng mà ít gây tác hại môi trường, con người và động vật”.

Theo tính toán, chỉ trong khoảng 3 năm (từ năm 2016-2019) đề án IPM được thực hiện, nông dân đã tiết kiệm được khoảng 3,6 tỷ đồng trong số 2.400 ha. Trong đó, tiết kiệm gần 126 tấn lúa giống, trên 50 tấn phân bón và 8,9 tấn thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất giảm 1.436.800 đồng/ha và lợi nhuận cao hơn 2.882.300 đồng/ha so với các nông dân không ứng dụng IPM, qua đó thu nhập tăng thêm của nông dân trong mô hình IPM trên 7,2 tỷ đồng.

“Kết quả quan trọng nhất là tạo ra trên 13.400 tấn lúa hàng hoá an toàn, góp phần nâng cao trình độ về kỹ thuật canh tác cho nông dân. Các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, các biện pháp sinh học trong phòng trừ dịch hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn hiệu quả… đã được nông dân áp dụng ngày càng phổ biến”, ông Giang cho biết thêm.

Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh là nơi sản xuất, cung cấp nhiều giống lúa chất lượng đáp ứng sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, KH&CN đã góp phần đưa ngành nông nghiệp không ngừng phát triển. Nếu như năm 2012, toàn tỉnh chưa có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thì đến nay đã có gần 8.000 ha theo mô hình này. Ngành tôm tiếp tục khẳng định vai trò kinh tế mũi nhọn. Ứng dụng KH&CN vào công tác chọn lọc, phục tráng giống đã nâng cao năng suất, chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định: “Những đóng góp của KH&CN vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã tạo động lực mới cho nền kinh tế nông nghiệp trong tương lai”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Quân cũng chỉ ra rằng, việc đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư công nghệ cao theo khu, theo vùng sản xuất với hình thức tập trung trên địa bàn tỉnh còn nhiều rào cản. Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi việc tổ chức sản xuất phải được thực hiện trên quy mô lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng và công nghệ, trong khi vốn đầu tư từ nguồn ngân sách có hạn, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế, do việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn; đặc điểm khoảng cách địa lý tương đối xa so với các khu vực khác, dẫn đến chi phí vận chuyển cao. Mặt khác, lao động trong tỉnh đa phần là lao động phổ thông, khả năng tiếp nhận, ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong tình hình mới, Trung ương Ðảng đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khoá XIII “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ðể triển khai thực hiện nghị quyết này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2297/QÐ-UBND ngày 28/10/2021 về Chương trình Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, định hướng các nhiệm vụ trọng tâm về ứng dụng KH&CN cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao tập trung.

Theo bà Hương, một trong những mục tiêu cụ thể về nhiệm vụ KH&CN của quyết định này là triển khai thực hiện các giải pháp công nghệ phát triển nông nghiệp theo hướng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số... phù hợp với tiềm năng lợi thế của tỉnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp, là hướng đi tất yếu trước thực tế hiện nay là nông nghiệp có nhiều biến động. Ðẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, tổ chức lại sản xuất; bảo đảm lộ trình đầu tư, quy trình sản xuất và liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm an toàn, bền vững' mang lại hiệu quả kinh tế cao, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp./.

 

Song Nguyễn

 

Liên kết hữu ích

Cà Mau - Bạc Liêu hợp nhất - Cơ hội phát triển mang tính lịch sử

Vùng đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc đang đứng trước một cơ hội phát triển mang tính lịch sử, việc sáp nhập 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính mà còn kiến tạo một không gian phát triển rộng lớn, hài hoà và bền vững. Tỉnh Cà Mau (mới) hứa hẹn trở thành một vùng kinh tế đa dạng, với các trụ cột vững chắc như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch và đặc biệt là kinh tế biển.

Cùng tháo gỡ khó khăn, đưa ngành hàng cua phát triển bền vững

Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế mà ngành hàng cua đang phải đối diện, đồng thời hướng đến sự phát triển bền vững, hiệu quả, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 4% của khu vực nông nghiệp, ngày 6/5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cua.

Cần chính sách đặc thù cho nông nghiệp tạo đột phá

Với đặc thù của vùng đất, kinh tế Cà Mau dựa phần lớn vào phát triển nông nghiệp, sản xuất trên lĩnh vực này chiếm tỷ trọng trên 30% trong tổng thể nền kinh tế của địa phương. Nhiều ngành hàng nông nghiệp trở thành kinh tế chủ lực của tỉnh như thuỷ sản (chủ yếu từ con tôm, cua), trồng cây lấy gỗ (tràm, keo lai).

Từ nghĩ khác đến làm khác

Là một trong những chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN,ÐMST), PGS.TS Vũ Hải Quân, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Ðảng uỷ, Giám đốc Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN,ÐMST và chuyển đổi số quốc gia, không chỉ là sự thay đổi trong hành động, mà còn là sự thay đổi trong tư duy. Từ “nghĩ khác” đến “làm khác”, Nghị quyết này khuyến khích các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp (DN) và nhà khoa học dám nghĩ lớn, làm lớn, chấp nhận rủi ro để tạo ra những đột phá có tính chất thay đổi cục diện”.

Giúp dân thoát nghèo bền vững

Những năm gần đây, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.

Bắt cá bè trên biển Tây

Cá bè thường xuất hiện vào khoảng tháng 4 ở vùng biển Tây Cà Mau và nhiều khu vực khác tuỳ theo mùa. Mùa khai thác cá bè thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9. Ðây là thời điểm biển êm, cá bơi theo từng bầy nhỏ nên việc khai thác loài cá này cũng khá dễ dàng. Ngư dân có kinh nghiệm sẽ xác định được toạ độ, nơi cá xuất hiện nhiều để khai thác.

Lợi ích khi liên kết

Những năm gần đây, mô hình kinh tế tập thể tại xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước đã phát huy vai trò làm cầu nối để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp, đồng thời giúp các thành viên thay đổi hình thức sản xuất, cùng đoàn kết để phát triển, góp phần nâng cao thu nhập.

Ðể lợi thế thành giá trị thực

Nông nghiệp Cà Mau dù vẫn còn nhiều khó khăn, song đang từng bước hội nhập với xu hướng cả nước và thế giới. Thời gian qua, các thành tựu của khoa học - công nghệ được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, cho ra đời nhiều mô hình sản xuất không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Nông dân vùng mặn trồng màu tăng thu nhập

Hiện nay, ngoài nuôi thuỷ sản là nghề chính, nhiều hộ dân ở huyện Ngọc Hiển tận dụng đất trống quanh nhà, bờ bao vuông tôm, đất dọc các tuyến lộ của gia đình để trồng rau màu tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chị em sẻ chia mô hình sinh kế

Trung tuần tháng 4 vừa qua, đoàn phụ nữ xã Khánh Tiến, huyện U Minh có chuyến đi học tập kinh nghiệm mô hình sinh kế. Ðối với chị em, đây không đơn thuần chỉ là một chuyến đi, mà còn là hành trình mở ra hy vọng tìm được hướng đi mới bền vững, giúp nâng cao đời sống.