(CMO) Là vùng có diện tích trồng lúa lớn của tỉnh, hiện nay, huyện Trần Văn Thời đã bước vào canh tác lúa vụ 2 (vụ đông - xuân) với gần 29.000 ha. Những ngày này, trên các tuyến đường ven lộ, bà con ra đồng chăm sóc lúa tích cực, hy vọng vụ mùa bội thu.
Theo tập quán canh tác truyền thống, đến hẹn lại lên, nhà nhà đồng loạt xuống giống, thu hoạch trong cùng thời điểm. Việc này tuy thuận lợi cho thương lái thu mua nhưng lại có nhiều hạn chế, nhất là khi lượng nước trên các cánh đồng xả cùng lúc, dẫn đến ngập và gây thiếu nguồn nước ngọt trầm trọng vào mùa hạn.
Ðể tháo gỡ những khó khăn này, năm nay, Sở NN&PTNT hướng dẫn lịch thời vụ cụ thể, chia thời gian xuống giống thành 2 đợt, từ ngày 5/10-5/12. Cũng áp dụng thời gian như trên, nhưng huyện Trần Văn Thời do địa bàn rộng, diện tích canh tác lúa lớn, nên chia làm 4 đợt.
Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Ðể tránh tình trạng thiếu nước cuối vụ như mọi năm, chúng tôi phối hợp với Trung tâm Khai thác các công trình thuỷ lợi, lực lượng giữ cống tiến hành xổ cống theo từng thời điểm thích hợp. Mục tiêu là giữ lại nguồn nước ngọt giữa các cánh đồng, tránh việc xả ra sông đồng loạt vừa phí nguồn nước, vừa dẫn đến ngập diện rộng”.
Tại xã Khánh Bình Ðông, tổng diện tích canh tác vụ đông - xuân hơn 3.800 ha, giai đoạn 1 đã xuống giống hơn 360 ha. Ông Cao Văn Ðạt, Phó chủ tịch xã Khánh Bình Ðông, cho biết: “Năm nay, nhờ chia nhỏ từng giai đoạn xuống giống mà giảm áp lực về nguồn nước khi gieo sạ. Trước khi vụ mùa bắt đầu, chúng tôi kết hợp với cán bộ chuyên môn đi khảo sát, khuyến cáo bà con nên thực hiện đúng lịch thời vụ của ngành nông nghiệp đưa ra, đảm bảo điều kiện canh tác tốt cho vụ mùa sau”.
Mùa này, hộ ông Trương Văn Lý (xã Khánh Bình Ðông) chọn giống lúa ST25 trồng trên diện tích 1,3 ha. Sau nhiều năm luân chuyển trồng thử nghiệm nhiều giống lúa thì ST25 với nhà nông vẫn là ưu điểm.
Ruộng lúa ST25 của gia đình ông Trương Văn Lý đang phát triển tốt. |
Chỉ tay về hướng nhân công đang giặm lúa, ông Lý phấn khởi: “Toàn bộ phần lúa đã được doanh nghiệp đặt cọc thu mua với giá 7.100 đồng/kg. Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi nên lúa đang phát triển tốt. Thêm đầu ra đã có người bao tiêu nên gia đình tôi an tâm. Trước mắt là định phần giá như trên, nhưng nếu cuối vụ giá lúa tăng nhiều thì có thể thương lượng tăng thêm một ít, chạm mốc là 7.500 đồng/kg”.
Mặc dù lộ trình canh tác đang ổn định theo hướng dẫn lịch thời vụ, nhưng nông dân lo lắng do phân bón tăng cao. “Giá phân liên tục tăng, mà lúa thì thiếu phân không được", ông Lý than.
Câu chuyện phân bón tăng giá không chỉ khiến người làm ruộng đau đầu mà ngay cả các đại lý, cửa hàng kinh doanh phân bón cũng ngỡ ngàng không kém. Giá cả tăng khó dự đoán, khiến cả người mua lẫn bán đều khó xoay xở.
Theo tìm hiểu, bắt đầu từ tháng 7, 8, thị trường phân bón rục rịch tăng giá. Ðỉnh điểm rơi vào tháng 10, giá phân tăng vọt nhiều lần so với năm trước, có nhiều loại tăng trên dưới 50%. Giá phân tăng mạnh do biến động theo giá phân trên thế giới.
Ông Lê Thanh Nhàn, Cửa hàng vật tư nông nghiệp thị trấn Trần Văn Thời, chia sẻ: “So với cùng kỳ, giá phân tăng kỷ lục, đơn cử như phân urê cuối vụ rồi chỉ dao động từ 530.000-540.000 đồng/bao, nhưng hiện tại là 850.000 đồng”.
“Qua rà soát nắm thông tin, chúng tôi ghi nhận khó khăn chung của bà con nông dân trong vụ mùa năm nay. Ðồng thời khuyến cáo mọi người canh tác theo tinh thần 3 giảm, xuống giống mật độ thưa để giảm chi phí phát sinh không đáng có. Ðồng thời tiếp tục báo cáo, mong muốn ngành chức năng có biện pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp để bà con yên tâm sản xuất”, ông Tuấn cho biết thêm./.
Ngô Nhi