(CMO) Gần đây, việc sản xuất nông nghiệp của nông dân Cà Mau ngày càng ổn định theo hướng bền vững hơn, khi họ đã dần thích nghi với loại hình kinh tế tập thể, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất đã có “thương hiệu” và đang gặp “thời”.
Gạo Ông Muộn “đi” nhanh
2 năm nay, tại các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các hội chợ tại TP Hồ Chí Minh, khách tham quan ấn tượng về sản phẩm “Gạo sạch Ông Muộn” trên gian trưng bày của Cà Mau. Ít ai biết rằng, để xây dựng thương hiệu này, các thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp thuỷ sản Ông Muộn đã nỗ lực rất nhiều.
Qua 2 năm hoạt động, HTX Dịch vụ Nông nghiệp thuỷ sản Ông Muộn (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) ngày càng chứng minh là mô hình hợp tác xã kiểu mới. |
Ngày 30/10/2018, HTX Dịch vụ Nông nghiệp thuỷ sản Ông Muộn (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) được thành lập, với nhiều kỳ vọng của các thành viên. Ban đầu, HTX chỉ có 28 ha trồng lúa hữu cơ và liên doanh, liên kết với các hộ dân quanh ấp thêm được 182 ha nữa. 2 vụ vừa qua, năng suất trung bình khoảng 63 tấn/ha, giá được bao tiêu là 7.000 đồng/kg đối với giống lúa ST24 và 6.000 đồng/kg đối với giống lúa 6162 (tăng cả về chất lẫn lượng so với sản xuất lúa truyền thống trước đây).
Ông Phạm Khải Hoàn (ấp Ông Muộn) cho biết: “Từ khi tham gia vào HTX, việc sản xuất của người dân thuận lợi hơn rất nhiều, năng suất và sản lượng tỷ lệ thuận với nhau, tăng theo từng mùa vụ, từng năm; các xã viên rất phấn khởi khi đã đặt đúng niềm tin vào HTX”.
Anh Nguyễn Văn Khải (ấp Ông Muộn), cho biết: “Xã viên HTX được quan tâm cả trong quá trình sản xuất, từ những hỗ trợ kịp thời về giống, vật tư nông nghiệp, phân bón, kỹ thuật… Từ đó các vụ mùa sản xuất thuận lợi hơn; đầu ra sản phẩm được đảm bảo vì lúa thương phẩm được bao tiêu”.
Năm 2019, sản lượng gạo thành phẩm của HTX là 50 tấn; thu hoạch vụ lúa - tôm vừa rồi, con số này tăng hơn nhiều lần và đến thời điểm này đã bán hết. Nhiều đơn hàng lớn của khách từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây đã được hẹn lại vào vụ mới, với kế hoạch sản xuất 200 tấn lúa.
Năm nay, HTX cũng đã trang bị được máy gặt trị giá gần 600 triệu đồng với sự trợ lực 30% kinh phí từ Liên minh HTX Việt Nam. Trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo sạch, HTX không đơn độc, mà luôn có sự đồng hành tích cực từ nhiều phía.
Ðánh giá cao hiệu quả cũng như tính ổn định của mô hình, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau Trần Văn Mân nhìn nhận: “Qua thời gian hoạt động, HTX đã chứng minh vai trò của một HTX kiểu mới. Tới đây, liên minh sẽ tiếp tục hỗ trợ để HTX phát triển bền vững hơn”.
Càng phấn khởi hơn khi Gạo sạch Ông Muộn giờ đã trở thành sản phẩm OCOP và được gắn hạng 3 sao; đây là khởi đầu tốt đẹp cho hành trình chinh phục và nâng hạng sao trong thời gian tới.
Ðiệp khúc “được mùa mất giá” vẫn còn
Cách đây 4 năm, dưa hấu Lý Văn Lâm được chứng nhận VietGAP. Ðây được xem là cơ hội cho nông dân địa phương và vai trò chủ công của HTX dịch vụ nông nghiệp Lý Văn Lâm đã được khẳng định.
Cũng từ đó, nông dân xã Lý Văn Lâm rất tự hào vì đồng dưa nơi đây được xem là lớn nhất miền Tây và mô hình kinh tế hợp tác bước đầu chứng minh hiệu quả. Vụ dưa Tết năm nay, toàn xã trồng hơn 80 ha, thu hoạch đạt từ hơn 1.400 tấn. Xã vẫn duy trì 22 ha dưa VietGAP, ước thu hoạch khoảng 500 tấn. Với giá dao động từ 8.000-10.000 đồng/kg, nông dân thu lợi nhuận từ 20-30 triệu đồng/ha. Nổi bật hơn cả là dưa hấu xã Lý Văn Lâm được công nhận là giống dưa duy nhất ở miền Tây đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Dưa được bán tại các hộ dân với giá 10.000 đồng/kg, dưa của xã viên HTX có giá thấp hơn, khoảng từ 8.000 đồng/kg; do các thương lái tự ý bỏ cọc vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ đó cho thấy, bài toán “được mùa mất giá” của nông dân vẫn chưa được giải quyết triệt để. Những thành viên chủ công của HTX cũng chưa đưa ra được giải pháp dự phòng cho tình huống này, nên khi tình trạng xảy ra vẫn còn khá lúng túng.
Xã viên Huỳnh Văn Ðời trần tình: “Khi tham gia vào HTX, tôi rất phấn khởi vì hiệu quả và chất lượng sản phẩm được khẳng định; tuy nhiên, nếu giá nông sản được đảm bảo hơn nữa thì rất tốt, khi ấy niềm tin sẽ tuyệt đối”.
Nói về giải pháp, ông Trần Văn Mân cho biết: “Tới đây sẽ củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, HTX. Ðây là nhiệm vụ quan trọng, được Liên minh HTX tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm. Theo đó, liên minh tỉnh củng cố HTX hiện có, phát triển mới những nơi đủ điều kiện, không chạy theo số lượng, thành tích. Tăng dần quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm”.
Niềm tin của chủ thể và trách nhiệm của ngành chuyên môn đã được thể hiện cụ thể, rõ ràng; tin rằng tới đây, việc sản xuất của nông dân sẽ thuận lợi hơn và kinh tế tập thể theo hướng lấy thương hiệu làm nền tảng sẽ bền vững hơn./.
Phú Hữu