Mùa mưa bão năm 2025 đã bắt đầu, cũng là lúc tình trạng sạt lở tại các cửa biển trên tuyến bờ Ðông chịu thêm nhiều áp lực, ảnh hưởng nặng nề, nhất là tại những khu vực chưa triển khai hệ thống kè giảm sóng, trong đó có khu vực cửa Vàm Lũng (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển).
Biến đổi khí hậu gây nên tình trạng sạt lở đã làm thay đổi hoàn toàn khu vực cửa biển Vàm Lũng. Ðai rừng phòng hộ hàng ki-lô-mét hướng biển đã biến mất hoàn toàn do thiên tai. Sóng biển tiếp tục tàn phá tuyến bờ, nhiều diện tích rừng vốn trước đây là rừng sản xuất đang bị tàn phá, gây áp lực đến tuyến dân cư, hạ tầng xây dựng. Cửa biển Vàm Lũng “hở hàm ếch” ngày càng rộng thêm và lùi dần vào phía trong.
Vạt rừng hai bờ cửa Vàm Lũng trở nên mong manh, yếu ớt chống đỡ trước sức tàn phá của thiên tai.
Khu vực cửa Vàm Lũng thuộc đoạn sạt lở từ Kiến Vàng đến Ông Tà với hình thái sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có chiều dài 6.400 m. Trong đó, đoạn từ Kiến Vàng đến Vàm Lũng dài 3.300 m; đoạn từ Vàm Lũng hướng về Rạch Gốc dài 1.700 m; đoạn cửa biển Rạch Gốc đến Ông Tà dài 1.400 m, với tổng kinh phí cần đầu tư trên 377 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dù khu vực này đã được UBND tỉnh ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ biển từ tháng 8/2023, nhưng đến nay cửa Vàm Lũng vẫn chưa có nguồn đầu tư nhằm hình thành tuyến kè chắn sóng, giảm áp lực lên tuyến bờ.
Khi cây rừng mất đi, nơi vốn trước đây là bờ biển nay trở thành mõm đất chơ vơ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, cho biết: "Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho nhiều đoạn của đai rừng phòng hộ ngày càng mỏng dần, một số vị trí sạt lở đã tiến sâu vào bên trong. Ðặc biệt trong mùa mưa bão, nước biển dâng cộng với sóng to, gió lớn đã phát sinh diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với chiều dài khu vực này khoảng 6.400 m".
“Diễn biến sạt lở ngày càng gia tăng, bình quân khoảng 20-40 m/năm. Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không được xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ đe doạ đến các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan Nhà nước, hệ thống điện, sản xuất của người dân và các công trình hạ tầng khác”, ông Nguyễn Thanh Tùng nêu thực tế.
Chốt Quản lý bảo vệ rừng Vàm Lũng cách cửa biển Vàm Lũng không xa.
Việc xây dựng hạ tầng tại cửa Vàm Lũng không đơn thuần là ứng phó thiên tai, bảo vệ đất, rừng, mà gắn đó là bảo vệ Di tích Quốc gia đặc biệt Bến Vàm Lũng - nơi khởi nguồn tuyến đường huyền thoại: Ðường Hồ Chí Minh trên biển, làm xoay chuyển cục diện chiến trường, góp phần quan trọng vào chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Trần Nguyên thực hiện