Bước vào vụ lúa đông xuân, tuỳ vào địa hình khu vực canh tác, nhiều huyện đã hoàn thành khâu xuống giống. Hiện tại, thời tiết hết sức thuận lợi, ngành chức năng khuyến cáo bà con nên tuân thủ lịch thời vụ để đạt năng suất cao.
Theo đó, lịch thời vụ xuống giống đợt 1 từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch, áp dụng cho các vùng không có đê bao khép kín dự trữ nước ngọt tại chỗ, thiếu nước cuối vụ khi dứt mưa sớm; vùng đất gò cao; vùng bố trí sản xuất mô hình 2 lúa - 1 màu. Cụ thể, xã Tân Lộc, Tân Lộc Bắc (huyện Thới Bình) đã xuống giống 100% diện tích; các xã Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Hội (huyện U Minh) xuống giống khoảng 30-50% diện tích; các xã Khánh Bình, Khánh Bình Ðông, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) xuống giống 10-20% diện tích; xã An Xuyên, Lý Văn Lâm, Tân Thành và phường Tân Thành (TP Cà Mau) xuống giống 30-50% diện tích.
Nhân viên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau đến thăm ruộng lúa 30 ngày tuổi của nông dân xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời.
Toàn xã Khánh Bình có hơn 2.280 ha xuống giống vụ đông xuân. Riêng ở 2 ấp có vùng đất gò cao, là Kinh Hội và Chống Mỹ, đã xuống giống trong đợt 1 với khoảng 500 ha. Các giống chủ lực được nông dân lựa chọn là giống cao sản như ST24, ST25 và Lài thơm 8.
Ông Trần Văn Thiểu, phụ trách nông nghiệp xã Khánh Bình, cho biết: “Khi có lịch thời vụ, địa phương ban hành kế hoạch, triển khai đến từng ấp, từng tổ hợp tác, hợp tác xã. Tại xã hiện có 2 ấp, Kinh Hội và Chống Mỹ, đã xuống giống xong, lúa được từ 20-30 ngày tuổi, sinh trưởng tốt. Ðợt 2, các ấp còn lại sẽ đồng loạt xuống giống. Ðể có vụ mùa bội thu, địa phương tuyên truyền bà con nông dân tuân thủ lịch thời vụ và lưu ý về cơ cấu giống, phòng trừ sâu bệnh theo đúng khuyến cáo của ngành nông nghiệp”.
Nhờ có kinh nghiệm, lại được ngành chức năng khuyến cáo nên bà con đã chủ động từ đầu vụ, tuân thủ các phương thức, từ chọn giống đến xuống giống. Ðối với vụ đông xuân, nông dân đặt mục tiêu sản lượng từ 5-6 tấn/ha, cao hơn vụ hè thu trước đó, với năng suất chỉ 4 tấn/ha.
Ông Lê Minh Trí, Trưởng ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, chia sẻ: “Diện tích trồng lúa của ấp là 210 ha. Trước khi khởi động vụ mùa 1 tháng, ấp vận động làm đất, cày ải đồng loạt, hướng dẫn chọn giống năng suất cao, ít rủi ro và khả năng kháng sâu bệnh tốt. Xuyên suốt thời gian canh tác, địa phương kết hợp với người của xã thăm đồng thường xuyên để phòng ngừa sâu bệnh trước thời tiết bất thường”.
Cánh đồng lúa 30 ngày tuổi tại khu vùng đất gò tại ấp Kinh Hội đã hoàn thành xuống giống đợt 1, dự định đến 20 tháng chạp sẽ tiến hành cắt lúa.
Theo ghi nhận, kết thúc đợt 1 toàn tỉnh có hơn 6.800 ha đã xuống giống. Ngành nông nghiệp lưu ý nông dân cần tiếp tục theo dõi đồng ruộng, sớm phát hiện sâu bệnh có khả năng xuất hiện, như sâu phao, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn... tránh để xảy ra thành dịch, đặc biệt là đạo ôn trên lá.
Ông Ðoàn Kha, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, khuyến cáo: “Năm nay có hiện tượng El Nino, mùa hạn đến sớm hơn, tuy nhiên, dự báo từ tháng 11/2023-1/2024 còn xuất hiện một số đợt mưa lớn, nên bà con chú ý điều chỉnh mực nước ruộng phù hợp. Mặt khác, bà con nên trữ nước gần cuối vụ đông xuân. Các địa phương tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo và chú ý đến bố trí thời vụ, tiếp tục thực hiện việc xuống giống đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng. Từng nơi có kế hoạch xuống giống phù hợp trong khung thời vụ chung của tỉnh. Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, như giảm lượng giống gieo sạ, giảm thuốc trừ sâu, giảm lượng phân bón phù hợp, áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến”./.
Ngô Nhi