(CMO) LTS: Suốt cuộc đời tận hiến cho sự nghiệp cách mạng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn quán xuyến tư tưởng “lo cho dân”. Trong thời chiến cũng như thời bình, trên mọi cương vị công tác, ông Sáu Dân, danh xưng trìu mến được Nhân dân cả nước, đồng chí, đồng đội quen gọi, đều để lại những dấu ấn sâu sắc.
Bài 1: Về thăm Bình Phụng
Từ Cà Mau, chúng tôi về thăm Vĩnh Long, vùng đất địa linh nhân kiệt. Không khí náo nức, từng tuyến đường, góc phố ngập tràn những băng rôn, pa-nô, áp phích tưởng nhớ, tri ân và vinh danh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Ðiều chúng tôi cảm nhận sâu sắc, cảm động nhất, chính là tình cảm mà người dân Vĩnh Long nói chung, người xứ Bình Phụng, Trung Hiệp, Vũng Liêm nói riêng dành cho vị Thủ tướng kính yêu.
Núm ruột quê hương
Về ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, nơi sinh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng tôi ghé ngay vào đình Bình Phụng, nơi ông Sáu Dân cùng đồng chí, đồng đội lập nên kỳ tích của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, khi ấy ông tròn 18 tuổi.
Ông Phạm Văn Kịch, Trưởng ban Quản lý di tích đình Bình Phụng, cho biết: “Năm 2002, kỷ niệm 62 năm ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ, bác Chín Hoà (tên Thủ tướng Võ Văn Kiệt theo cách gọi của bà con nơi đây - PV) đã lập bia tưởng niệm, bên dưới ký tên giản dị là cựu nghĩa quân Phan Văn Hoà (Võ Văn Kiệt)”. Cũng theo ông Phạm Văn Kịch, dù có nhiều bí danh hoạt động cách mạng (Chín Dũng, Tám Thuận, Sáu Dân) nhưng khi về quê nhà, Thủ tướng luôn sử dụng tên cúng cơm là Phan Văn Hoà - Chín Hoà. Còn về ngày sinh của ông, cũng là chi tiết thú vị.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm quê hương Trung Hiệp - Vĩnh Long. Ảnh tư liệu |
Ông Phạm Văn Hùng, nguyên cận vệ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, kể lại: “Về ngày sanh của mình, anh Sáu Dân không nhớ rõ. Chỉ khi cần làm hộ chiếu để đi Liên Xô hội nghị sau giải phóng, anh mới nói là ngày 23/11, cũng là ngày mà anh tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940”.
Ông Trần Văn Chinh, là cháu gọi Thủ tướng Võ Văn Kiệt là ông chú, thông tin thêm: “Ông Chín, tên cúng cơm là Phan Văn Hoà, sinh năm 1922, là con út thứ chín của gia đình (theo cách gọi Nam Bộ). Năm 16 tuổi giác ngộ cách mạng, rồi hoạt động, cống hiến cho cách mạng đến hơi thở cuối cùng”.
Tại góc vườn thờ gia tiên của dòng họ Phan, có một phiến đá nhỏ đề dòng chữ “Mẹ, tại nơi này, Người đã sanh ra chúng con”. Theo bà Ðồng Thị Diệu, người tình nguyện quản lý khu thờ gia tiên họ Phan thì: “Bia đá là chỗ buồng nhà ông Chín, nơi ngày xưa đặt chiếc giường, nơi thân mẫu của ông Chín sanh ra anh em ông. Một lòng kính yêu và tưởng nhớ mẹ, ông Chín đã tạc bia đá và ký tên là Võ Văn Kiệt, tên đặt theo họ mẹ”.
Phiến đá khắc ghi công ơn trời biển của mẹ do chính tay cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chắp bút. |
Trong căn nhà thờ gia tiên họ Phan, ông Phan Bá Ðăng, cháu ruột của ông Chín, tâm sự: “Ðây là căn nhà hương hoả mà hồi còn sống, mỗi khi về quê, chú Chín ở”. Ấn tượng về người chú ruột của ông Ðăng chỉ đơn giản là: “Chú thương con cháu lắm, lúc nào cũng thân thiện, cởi mở. Ông đi hoạt động cách mạng cả đời, chớ về quê là không quên một ai, nhớ từng chi tiết thời ấu thơ, có lần chú kể chuyện hồi xưa về ông bà mà con cháu đứa nào cũng khóc”.
Ông Dương Thanh Tuấn, Bí thư Ðảng uỷ xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tự hào: “Trung Hiệp là vùng đất nơi Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh ra và trưởng thành. Ở đây, nơi đâu cũng in dấu những kỷ niệm của bác Chín với quê hương. Tình cảm của ông không chỉ là lời nói, dáng điệu, cử chỉ, nụ cười, mà ông hướng về quê hương của mình bằng những chỉ dẫn, bằng công việc, kết quả cụ thể để góp phần cho địa phương phát triển. Tấm lòng của ông sâu đậm với nguồn cội gia đình và lớn lao hơn là vì tương lai chung của cả quê hương, đất nước”.
Khu tưởng niệm rất bình dân
Trở về trụ sở Huyện uỷ Vũng Liêm, ông Lê Văn Lập, Bí thư Huyện uỷ, dành cho chúng tôi những lời tâm sự gan ruột về vị tiền bối: “Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt nằm kề ngay khu Huyện uỷ Vũng Liêm. Theo lời dặn của chú, chúng tôi xây dựng không gian khu tưởng niệm theo mô hình gồm công viên, nhiều cây xanh, hồ nước, luôn luôn mở cửa cho bà con khắp nơi vào tham quan, hương khói”.
Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với không gian mở ở thị trấn Vũng Liêm. |
Là người có dịp kề cận Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong khoảng thời gian ông về Vũng Liêm sinh sống, ông Lập lưu giữ cho mình những kỷ niệm riêng sâu sắc: “Nếu không có sự chỉ dẫn, chỉ đạo và sâu sát của chú thì không có Vũng Liêm phát triển được như ngày hôm nay. Tấm lòng của ông với quê hương vừa sâu nặng, vừa quyết liệt, và luôn luôn căn dặn cán bộ địa phương là phải vì dân, lo cho dân, lo cho sự phát triển chung”.
Bà Ðặng Thị Phương Thảo, Trưởng ban Quản lý Khu lưu niệm, thông tin: “Khu lưu niệm bao gồm quần thể tượng đài Ðốc binh Lễ Cẩn, Nguyễn Giao; Bia Nam Kỳ khởi nghĩa; Nhà trưng bày nông, ngư cụ. Ðây chính là tấm lòng của Thủ tướng với bậc tiền bối, nhắc nhớ đến con đường cách mạng mà ông đã tận hiến, và điều quan trọng nữa là gần gũi, luôn hướng về nguồn cội dân tộc”.
Từ khi xây dựng vào năm 2010, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ là địa chỉ đỏ để ôn lại truyền thống, mà còn là nơi vui chơi, sinh hoạt, luyện tập thể dục, thể thao của đông đảo người dân. Trong khu lưu niệm, còn căn nhà mà lúc sinh thời khi ghé Vũng Liêm, bác Sáu Dân về nghỉ ngơi, làm việc. Chính vị Bí thư Huyện uỷ Vũng Liêm khi nhắc lại vẫn bồi hồi: “Nhiều lúc, tưởng chú còn ở đó với anh em, con cháu, với quê hương. Nói là về quê, nhưng lúc nào chú cũng tất bật công việc. Lo cho công việc, nhưng ai cũng mến tính cách cởi mở, chân tình, gần gũi với mọi người của chú. Ðặc biệt là với anh em cán bộ trẻ, chú không rao giảng lý luận cao siêu, chỉ căn dặn là làm sao để phấn đấu tiến bộ, đừng ham chức vụ, ham của cải mà hư người”.
Trên đường trở về thành phố Vĩnh Long, chúng tôi lại được tiếp tục trò chuyện về cuộc đời ông Sáu Dân với các đồng nghiệp báo chí địa phương. Thật xúc động, khi anh Phan Trường Sơn, phóng viên Ðài PT-TH Vĩnh Long, say mê kể lại những chi tiết cuộc đời của bác Sáu Dân đến nỗi rơi nước mắt. Hỏi thêm mới biết, anh Sơn người gốc Cà Mau, làm phóng viên báo chí ở Vĩnh Long mười mấy năm, ngay từ khi vào nghề, anh đã rất ý thức tìm kiếm, sưu tầm các tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Rời Trung Hiệp, chúng tôi nâng niu những tấm ảnh kỷ niệm chụp chung với bà con và người thân của bác Sáu Dân, trước ngôi nhà hương hoả mà vị Thủ tướng dù đi đâu, làm gì cũng mãi mãi coi là núm ruột máu thịt để hướng về./.
Chí Diện - Phong Phú - Hải Nguyên
Bài 2: BẢN LĨNH CỦA NHÀ CÁCH MẠNG ƯU TÚ