ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 3-2-25 11:50:27
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thủ Tướng Võ Văn Kiệt sống mãi trong lòng dân - Bài cuối: Người Cà Mau và nghĩa tình sâu đậm với Bác Sáu Dân

Báo Cà Mau (CMO) Tình cảm của đất và người Cà Mau dành cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc nào cũng sâu nặng, dạt dào. Còn với bác Sáu Dân, Cà Mau là quê hương thứ hai, là sự quan tâm, lo lắng xuyên suốt.

Chúng tôi đã tìm gặp những nhân chứng, đến những địa danh đã từng lưu dấu những kỷ niệm về bác Sáu Dân ở Cà Mau qua các giai đoạn trên quê hương mình, để thêm hiểu, thêm yêu tầm vóc và cả sự giản dị, thân thương của người cộng sản ưu tú, kiên trung, tài năng lỗi lạc.

Khu di tích nhà ở và nơi làm việc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở xã Khánh Hoà đang hoàn thành công đoạn cuối kịp khánh thành dịp 100 năm ngày sinh của ông.

Những câu chuyện rất đời

Ông Trần Quốc Anh (Chín Anh), nguyên cận vệ có gần 20 năm gần gũi với bác Sáu Dân, thuật lại thời điểm mà đồng chí Võ Văn Kiệt với vai trò Bí thư Khu uỷ Khu Tây Nam Bộ về đứng chân tại Cà Mau từ tháng 10/1970. “Sau Tết Mậu Thân, tình hình T3 (Khu Tây Nam Bộ) gặp nhiều khó khăn. Cơ quan của Khu uỷ dời về xã Khánh Lâm, huyện Trần Văn Thời (cũ) từ năm 1972-1974 trong bối cảnh nơi đây là trọng điểm của chiến dịch Nhổ cỏ U Minh, B52 chà rát, địch dùng lực lượng chủ lực để tìm diệt cách mạng, đồn bót dày đặc”.

Người cận vệ Chín Anh trao đổi với các đồng chí Xã uỷ Khánh Lâm phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đồng chí Võ Văn Kiệt. Cùng với đồng chí Hai Hiền (Trưởng ban Căn cứ Khu), đồng chí Hai Mương, Bí thư Xã uỷ Khánh Lâm, ông Chín Anh đến đặt vấn đề xây dựng một số lán trại để đưa thương binh về an dưỡng trên phần đất của ông Ðỗ Văn Biện (Ấp 9, xã Khánh Lâm, huyện Trần Văn Thời (cũ), nay là Ấp 6, xã Khánh Hoà, huyện U Minh). Theo hồi nhớ của ông Chín Anh, ông Hai Biện gật đầu cái rụp, cảm khái nói: “Tao cho mượn miếng đất ở bờ đìa hậu đất. Tao theo cách mạng, cần thêm gì cứ nói”.

Cũng trong thời gian bảo vệ đồng chí Võ Văn Kiệt ở Khánh Lâm, ông Chín Anh đã tìm được hạnh phúc riêng tư của đời mình: “Tôi gặp vợ tôi đang công tác phụ nữ xã Khánh Lâm, có được hạnh phúc gia đình cũng nhờ chú Sáu Dân ủng hộ, vun đắp”. Vậy là ông Chín Anh, quê gốc Quảng Nam, trở thành rể xứ U Minh, sau giải phóng tiếp tục công tác, gắn bó với quê hương Cà Mau.

Trong những món ăn của Cà Mau, ông Huỳnh Hoài Nam, nguyên cận vệ của đồng chí Võ Văn Kiệt, kể lại: “Chú Tám Thuận (bí danh khác của đồng chí Võ Văn Kiệt) thích ăn món ba khía muối ghê hồn. Ba khía muối xứ rừng đước Ngọc Hiển thì miễn chê. Nhưng xin hoài cũng kỳ, nên kêu tôi đi học làm ba khía muối từ thím Bảy Thạng, tay nghề nhứt hạng”. Học thạo nghề, ông Nam về làm lu ba khía muối. Thông thường là bảy bữa ăn được, khi cầm cái ngoe kế càng, cắn bỏ 2 đầu, nút thịt chạy là đạt chuẩn. Nhưng để cẩn thận, ông Nam định là phải để 9, 10 ngày cho chắc ăn. Ngặt nỗi, đồng chí Võ Văn Kiệt nhớ kỹ quá, tới ngày thứ 7 là hỏi: “Ba khía ăn được chưa cậu Nam?”.

Ba khía muối đã ăn được, ông Nam lên báo cáo thủ trưởng. Vị thủ trưởng dặn: “Cậu kêu chị nuôi nấu nồi cơm xôm xốp, xúc lên và để ba khía ra dĩa cho tôi”. Thế rồi, vị Bí thư Khu uỷ Khu Tây Nam Bộ lấy tay không bẻ ba khía, bốc cơm ăn ngon lành.

Cà Mau luôn có Bác Sáu Dân

Nơi ở và hoạt động của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Khánh Lâm giờ đã trở thành di tích cấp tỉnh. Vui mừng hơn, di tích này đã được đầu tư xây dựng khẩn trương trong vài tháng, kịp khánh thành đúng dịp 100 năm ngày sinh của bác Sáu Dân.

Ông Ðỗ Minh Thuần, Ấp 6, xã Khánh Hoà, huyện U Minh, con út của ông Ðỗ Văn Biện, hết sức phấn khởi: “Năm 2016, nơi ở và làm việc của bác Sáu Dân giai đoạn 1972-1974 trên phần đất hương hoả gia đình tôi được công nhận là di tích cấp tỉnh. Bây giờ công trình di tích sắp hoàn thành rồi, thật không còn vui mừng nào bằng!”.

Theo ông Thuần, dù bác Sáu Dân hoạt động bí mật, nhưng về sau này, khi biết thông tin, gia đình rất tự hào vì đã góp phần nhỏ của mình vào sự nghiệp cách mạng, bảo vệ an toàn cho đồng chí Võ Văn Kiệt. Gia đình ông Thuần cũng hiến gần 2.000 m2 đất hương hoả, xây dựng di tích, theo đúng nguyện vọng của phụ mẫu căn dặn lại.

Ông Lê Văn Ðó, Phó bí thư Thường trực Ðảng uỷ xã Khánh Hoà (trái) và ông Ðỗ Minh Thuần (con út ông Hai Biện), bên hầm trú cá nhân được phục dựng lại tại Khu di tích nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt tại U Minh.

Trong khu di tích, gian thờ đồng chí Võ Văn Kiệt, có tượng và đôi câu đối: “YÊU NƯỚC THƯƠNG DÂN MINH TUỆ CAN TRƯỜNG NGHĨA ÐẢM/ KIÊN TRUNG TÂM HUYẾT NHÂN ÁI ÐỘ LƯỢNG ANH HÙNG”. Ngoài ra là khu vực nhà làm việc, hầm trú ẩn, bia ghi tiểu sử đồng chí Võ Văn Kiệt. Ông Lê Văn Ðó, Phó bí thư Thường trực Ðảng uỷ xã Khánh Hoà, phấn khởi: “Khánh Hoà với truyền thống cách mạng hào hùng, nơi được đồng chí Võ Văn Kiệt lựa chọn đứng chân hoạt động thời kháng Mỹ. Ðảng bộ, Nhân dân địa phương luôn coi đó là vinh dự, tự hào, ra sức để dựng xây cho quê hương ngày càng giàu đẹp. Riêng khu di tích nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt, sẽ trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ tiếp nối. Quê hương Khánh Hoà luôn có Bác Sáu Dân bên cạnh!”.

Sinh thời, đồng chí Võ Văn Kiệt dành tình cảm, sự quan tâm lớn lao đối với đà phát triển, đổi mới của tỉnh Cà Mau. Ngọt hoá bán đảo Cà Mau (mà nay dự án cống Cái Lớn - Cái Bé đã hiện thực hoá thành công), cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau là những dự án mở ra thế và lực mới của địa phương trong hành trình phát triển.

Ông Phạm Thạnh Trị, nguyên Phó bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: “Nhắc đến cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau không thể không nhắc tới công lao của các đồng chí Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ qua các giai đoạn!”.

Còn nói như ông Chín Anh, cái sâu thẳm nhất ở ông Sáu Dân là "lo cho dân nghèo”, lúc nào, ở đâu ông cũng nhắc đến vấn đề đó với cán bộ các cấp. Chỉ đạo làm gì, đầu tư vào đâu, làm như thế nào... ông cũng tập trung nghĩ đến hiệu quả để không lãng phí tiền của...

Ông Lý Quốc Khánh, Ấp 6, xã Khánh Hoà luôn tôn kính bác Sáu Dân, sưu tập hiện vật và treo ảnh Thủ tướng ở nơi tôn nghiêm trong nhà.

Những công trình mang dấu ấn của đồng chí Võ Văn Kiệt trên đất Cà Mau không chỉ lớn về quy mô, hiệu quả kinh tế trước mắt, mà còn là tầm nhìn chiến lược lâu dài. Và mục tiêu chỉ có một, đó là giúp cho tỉnh địa đầu cực Nam Tổ quốc vươn lên, cho Nhân dân Cà Mau có cuộc sống đẹp giàu. Ðất và người Cà Mau nghiêng mình tưởng nhớ bác Sáu Dân, người đã sống một cuộc đời trọn vẹn với lý tưởng cách mạng, suốt đời vì Ðảng, vì dân!./.

 

Chí Diện - Phong Phú - Hải Nguyên

 

Gió lộng xứ Ðầm

Gió rộn cuối năm. Ðường về xứ Ðầm giờ đã thông thoáng, nhiều lựa chọn chớ không như cách đây chục năm, kiểu gì kiểu cũng phải cách trở một chuyến phà vượt sông...

Hương xưa xóm Mũi

Dòng người về Mũi Cà Mau, chiêm ngưỡng chóp đất thiêng liêng ở địa đầu cực Nam Tổ quốc, hẳn nhiên còn muốn biết nhiều hơn về vùng đất, con người xứ sở kỳ diệu này. Bởi ở đây đâu chỉ có đước, mắm, sông biển, phù sa mới "biết đi", nguồn thuỷ hải sản đặc trưng dồi dào... mà còn có lớp lớp con người với tính cách phóng khoáng, nghĩa nhân, can trường và đầy ắp những ước mơ, hoài bão để khai khẩn, gìn giữ, gầy dựng một vùng đất riêng có, duy nhất cả về vị trí địa lý và bản sắc văn hoá.

Thị trấn mang tên một dòng sông

Trên dải đất hình chữ S, có rất nhiều dòng sông, mỗi dòng sông mang dáng vẻ riêng. Có con sông mang tên đẹp như thiếu nữ: sông Nhật Lệ, Sông Hương. Có con sông nghe tên đã thấy rất oai hùng: Sông Mã. Nhiều con sông mang tên miền đất mà nó chảy qua như: sông Sài Gòn, sông Thái Bình... Riêng con sông quê tôi, đặc biệt hơn, mang tên một nhân vật lịch sử: sông Ông Ðốc. Thị trấn quê tôi vinh dự được mang tên một dòng sông - thị trấn Sông Ðốc!

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ

Sản phẩm OCOP và các dự án khởi nghiệp đang nhận được nhiều sự quan tâm. Nhằm hướng đến việc phát triển sản phẩm OCOP bền vững, tỉnh đã xác định nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng hỗ trợ chủ thể OCOP từ việc hình thành, nâng hạng sản phẩm đến tiếp cận thị trường.

Ðể tái nghèo không còn là nỗi lo

Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà tỉnh quan tâm hàng đầu và chỉ đạo sát sao trong những năm qua. Bằng những quyết sách thiết thực, sự huy động sức mạnh tổng hợp từ Mặt trận, đoàn thể, các cấp, các ngành, địa phương; bằng những giải pháp sinh kế hỗ trợ đúng, trúng, kịp thời, đã cơ bản giải được bài toán thoát nghèo và câu chuyện tái nghèo.

Ðể tái nghèo không còn là nỗi lo - Bài cuối: Tăng cường phối hợp, ngăn chặn tái nghèo

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước; theo đó, tỉnh chỉ đạo kỳ quyết nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài 2: Nhiều khó khăn của chủ thể

OCOP và khởi nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định, và mỗi câu chuyện sản phẩm lại mang đến nhiều suy ngẫm cho cơ quan quản lý hỗ trợ vượt khó.

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức

Thời gian qua, các ngành, các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ khởi nghiệp gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển sản phẩm OCOP và khởi nghiệp.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.