Sự bùng nổ của việc bán hàng Online qua hình thức livestream đã không còn xa lạ đối với người tiêu dùng. Không thể ngoài cuộc, các chủ thể OCOP của Cà Mau cũng dần gia nhập đường đua, đưa sản phẩm lên nền tảng TikTok, kết quả rất khả quan.
Từ sau đại dịch Covid-19, xu hướng thương mại điện tử như một cuộc cách mạng, làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, riêng với các chủ thể OCOP, với năng lực hạn chế, nguồn tài chính eo hẹp, việc kết nối quảng bá sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử lớn vẫn là một bài toán khó, bởi khó cạnh tranh về giá và thiếu một chiến dịch truyền thông bài bản so với các sản phẩm khác.
Vừa qua, sự hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và TikTok Việt Nam qua Chương trình "Chợ phiên OCOP - Chiến dịch quảng bá nông đặc sản" đã mở ra một cánh cửa mới để thúc đẩy tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng.
Các sản phẩm OCOP của HTX Ba khía Ðầm Dơi đều được chị Trần Thị Xa livestream trên nền tảng TikTok và nhận về lượt tương tác cao.
Tham gia phiên livestream bán hàng, chị Lê Hồng Diệp, đại diện hộ kinh doanh Quách Tệt (Phường 7, TP Cà Mau) chia sẻ: “Từ khi sản phẩm Bột ngũ cốc An An được công nhận OCOP 3 sao thì lượng hàng xuất ra nhiều hơn. Ðặc biệt, khi biết đến TikTok và live bán hàng, lượng hàng bán ra tăng đột biến, đơn hàng đi liên tục, mang lại lợi nhuận cao”.
Theo chị Diệp, bên cạnh lượng hàng được bán tăng, qua sự tương tác giữa khách hàng và người bán, đã thu về lượng lớn phản hồi, góp ý về mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm. Ðó là cơ sở để chủ thể tự hoàn thiện mình hơn và cũng phân loại được các phân khúc khách hàng.
Dù chỉ mới lập kênh được vài tháng, đến nay, kênh TikTok “Ba khía Ðầm Dơi” của chị Trần Thị Xa (Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Ba khía Ðầm Dơi) đã có 24,2 ngàn lượt theo dõi, số lượng đơn hàng xuất ra mỗi ngày qua livestream trên TikTok lên đến hàng trăm.
Chị Xa cho biết: “Kênh được thành lập từ tháng 8/2023. Ban đầu khi làm quen hình thức bán hàng này, tôi chỉ để các bạn nhân viên live bán thử nhưng hiệu ứng không cao, chỉ xuất được vài chục đơn cho tháng đầu tiên. Ðến khi tôi trực tiếp vào live bán, từ việc quay những clip ngắn về quy trình sản xuất, câu chuyện sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, lượt tương tác tăng cao và nguồn hàng bán ra vượt ngoài mong đợi”.
Theo chị Xa, việc livestream bán hàng cần rất nhiều kỹ năng về cách nói chuyện, trả lời tương tác, cách quay dựng clip ngắn; phối hợp với các đơn vị vận chuyển gửi hàng trong ngày để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Vừa qua, trong khuôn khổ Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối các sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long 2023, câu chuyện đem sản phẩm OCOP Cà Mau tiếp thị trên các sàn thương mại điện tử được các chuyên gia phân tích, thu hút sự quan tâm của các chủ thể trong tỉnh.
Từ khi sản phẩm Bột ngũ cốc An An được bán trực tuyến trên Tiktok thì số lượng hàng bán ra của cơ sở tăng đột biến
Là đơn vị được Bộ NN&PTNT giao chức năng nhiệm vụ quản lý, thúc đẩy xúc tiến nông sản, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, đánh giá: "Với những tiềm năng, lợi thế của Cà Mau, có thể thấy được dư địa của các nhóm đặc sản về thuỷ sản, lúa gạo cũng như mật ong. Trong thời gian qua, số lượng sản phẩm OCOP của Cà Mau tăng nhanh, đa dạng về chủng loại. Ðặc biệt là chất lượng về bao bì khi các chủ thể được UBND tỉnh, cùng các sở, ngành hỗ trợ cải tiến, tạo ra những bao bì thật sự ấn tượng".
“Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là công tác truyền thông còn rất hạn chế, trong khi các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh rất ấn tượng, có thể hướng tới phân khúc thị trường cao cấp. Người tiêu dùng ở các thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội... chưa có nhiều cơ hội trải nghiệm, tiếp xúc các sản phẩm của Cà Mau, cũng như độ nhận diện thương hiệu vẫn chưa mạnh mẽ. Với sự phát triển mạnh của các sàn thương mại điện tử, gắn với các hình thức vừa giải trí vừa tiêu dùng (shop entertainment), Cà Mau có thể đẩy mạnh việc hỗ trợ các chủ thể giới thiệu, xúc tiến sản phẩm ra toàn quốc thông qua Chương trình "Chợ phiên OCOP - Chiến dịch quảng bá nông đặc sản". Chúng tôi sẽ hỗ trợ tỉnh tổ chức các phiên chợ để giới thiệu các sản phẩm qua các nền tảng mạng xã hội, đây là một sự lan toả rất lớn và thông qua việc đẩy mạnh kết nối cung - cầu thì dư địa các sản phẩm của Cà Mau sẽ từng bước chinh phục được thị trường trong nước và thế giới”, ông Tiến gợi ý./.
Hữu Nghĩa