(CMO) Thời gian gần đây, nhiều thông tin cho rằng thương hiệu Mật ong rừng U Minh Hạ đang bị xâm hại. Nguyên nhân chính là do một số đối tượng vận chuyển ong nuôi, mật ong từ tỉnh khác về huyện U Minh để nuôi và bán với thương hiệu Mật ong U Minh Hạ.
Trung tâm Thông tin và ứng dụng KHCN Cà Mau là đơn vị phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ UBEE nuôi thử nghiệm loại ong mật Ý tại Khu nuôi thực nghiệm Khánh An, xã Khánh An, huyện U Minh. Ông Quách Văn Ấn, Giám đốc Trung tâm thông tin và ứng dụng KHCN Cà Mau khẳng định, hiện trung tâm chỉ mới đưa loại ong này vào nuôi thử nghiệm từ đầu tháng 1/2017. Đối với sản phẩm mật từ loại ong này chưa được lưu thông trên thị trường. Tất cả vẫn còn trong quá trình khảo nghiệm, khi có kết quả tốt, Trung tâm sẽ phối hợp với doanh nghiệp chuyển giao công nghệ nuôi đến người dân khi có nhu cầu.
Đàn ong nuôi khảo nghiệm của Công ty TNHH Công nghệ UBEE đặt thí điểm tại xã Khánh An, huyện U Minh |
Cũng theo ông Quách Văn Ấn, ong Ý là loại ong có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được Bộ NN&PTNT cho phép nuôi rộng rãi trong cả nước, được Hội Nuôi ong tỉnh Tiền Giang chuyển giao công nghệ nuôi thí điểm tại tỉnh Cà Mau. Mục tiêu nhằm khảo nghiệm sự thích nghi của loài ong này tại vùng đất U Minh Hạ. Đơn vị đang kiểm định chất lượng cũng như so sánh mẫu với loài ong bản địa. Nếu đạt kết quả như mong muốn, Trung tâm sẽ tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến các bên có liên quan, đề xuất tỉnh đưa ra cơ chế nhằm chuyển giao công nghệ đến người dân. Và nếu được nhân rộng, mô hình này sẽ giảm nhọc nhằn cho nghề nuôi ong và giải quyết chuyện ăn ong gây cháy rừng.
Ông Quách Văn Ấn, Giám đốc Trung tâm thông tin và ứng dụng KHCN Cà Mau giới thiệu mô hình nuôi ong Ý tại Khu thực nghiệm Khánh An. |
Theo ghi nhận, ngoài số ong đang nuôi thực nghiệm tại Khu thực nghiệm Khánh An, UBEE đang đặt thí điểm 220 đàn tại một số hộ dân tại khu vực Ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh. Ông Huỳnh Công Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ UBEE, cho biết: “Do muốn thử nghiệm hiệu quả, đặc tính của loại ong này, phía công ty đã chủ động liên hệ đặt thí điểm mô hình tại một số hộ dân khu vực vùng ven rừng U Minh Hạ. Đây là giống ong cho năng suất và chất lượng mật cao, lại dễ nuôi vì ong ít bỏ đàn. Chi phí đầu tư khoảng 1,8 triệu đồng/thùng ong. Sau khoảng 2 tháng nuôi là có thể thu hoạch được”.
Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây là hiệu quả vẫn còn đang nằm ở mức độ khảo nghiệm. Hiện vẫn chưa có cơ sở khoa học chứng minh mức độ ảnh của loài ong này đối với giống ong thuần bản địa và cùng với đó là chất lượng giữa 2 loại mật.
Theo ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh, việc đưa loài ong Ý về nuôi tại địa bàn, đơn vị chủ công là Sở KHCN tỉnh Cà Mau chưa có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương. Việc đưa loài ong khác về nuôi tại địa bàn cần bố trí, khoanh vùng nuôi cụ thể vì có thể gây ra xung đột với loài bản địa.
Xung quanh thông tin có một số đối tượng đưa mật ong giá rẻ ở nơi khác về bán núp bóng thương hiệu Mật ong rừng U Minh Hạ, ông Dư Bé Ba cho biết, thông tin phản ánh của người dân là có thực. Hiện UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng của huyện vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ vụ việc. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Song song đó, huyện cũng đã vận động tuyên truyền các hộ nuôi ong được ủy thác thương hiệu cam kết không mua bán các loại mật ong không đảm bảo chất lượng trôi nổi trên thị trường, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mật ong U Minh Hạ cũng như người nuôi ong chân chính.
Nghề nuôi ong ở rừng U Minh Hạ là nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Cà Mau. Xây dựng thương hiệu là một vấn đề khó, làm thế nào để giữ vững thương hiệu lại càng khó hơn. Để thương hiệu “Mật ong rừng U Minh Hạ” vang xa, thì bài toán bố trí sản xuất nghề nuôi ong mật U Minh phải tìm được lời giải. Làm sao nghề nuôi ong phát triển theo nhu cầu thị trường, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh và chứa đựng hàm lượng khoa học công nghệ cao nhưng thân thiện môi trường.
Lê Chí
Ong Ý (danh pháp khoa học: Apis mellifera ligustica) hay còn gọi là ong mật ngoại hay ong mật Ý, là một phân loài của loài ong mật Apis mellifera. Đây là phân loài ong lấy mật được nuôi phổ biến trên thế giới với sản lượng mật ong cao. Ong Ý được công nhận là một giống vật nuôi nhập ngoại được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Ong Ý có cơ bắp khỏe mạnh, cánh dài và lấy thức ăn nhanh hơn, bay đi xa hơn nên sản lượng gấp 4 - 5 lần ong bản địa. Đây là giống ong thích nghi với vùng nhiệt đới gió mùa. |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, vừa qua, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra xác minh vụ việc. Ông Lưu Văn Quốc, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết: |