(CMO) Trong thời đại công nghệ số, khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ mua hàng và giao hàng tận nơi ngày càng nhiều. Nắm bắt được xu thế đó, nhiều ứng dụng ra đời. Chỉ cần điện thoại thông minh kết nối Internet thì việc mua sắm, ăn uống, đi lại, thậm chí giao hàng khá dễ dàng. Vài thao tác đơn giản giúp tối ưu hoá cuộc sống bận rộn.
Bắt đầu hoạt động giao dịch tại Cà Mau khoảng hơn một tháng nay, dịch vụ GrabFood thu hút sự quan tâm của chủ kinh doanh lẫn người tiêu dùng. Hiện nay, dịch vụ giao hàng tận nơi đối với các quán ăn khá phổ biến, tuy nhiên, với cách thức gọi trực tiếp hoặc nhắn tin qua mạng xã hội Zalo, Facebook phải đợi chờ phản hồi khá lâu, chưa kể chủ quán có thể gom nhiều đơn trên cùng một tuyến đường mới bắt đầu cho giao hàng.
Phương thức giao dịch thông qua ứng dụng giúp cả người kinh doanh và người tiêu dùng thoả mãn các nhu cầu cấp thiết. (Ảnh chụp màn hình) |
Theo đó, GrabFood là dịch vụ giao đồ ăn của Grab, tài xế giao hàng cũng là tài xế chạy Grabbike. Từ khi dịch vụ ra đời, tài xế có thêm nguồn thu do nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng về ăn uống khá cao.
Cách sử dụng khá đơn giản, chỉ cần điện thoại thông minh hoặc thiết bị có chức năng tương tự, người dùng tải và cài đặt ứng dụng Grab (đồ ăn, giao hàng, gọi xe), hoàn thành một số thủ tục cá nhân: cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhận hàng... Sau đó tìm các quán, nhà hàng, địa chỉ liên kết tại nơi bạn sinh sống và chọn món. Trên đây, mỗi cửa hàng sẽ cập nhật món ăn, bảng giá kèm hình ảnh, số lượng để khách hàng lựa chọn, cuối cùng hiển thị chi phí giao hàng để đơn hoàn thành.
Theo đó, lướt sơ qua danh sách các cửa hàng liên kết, ngoài các hàng, quán bán thức ăn phục vụ bữa chính, cơm, mì, phở…, các địa chỉ bán món ăn vặt, thức ăn nhanh, trà sữa, nước giải khát cũng tham gia rất nhiều, đặc biệt các thương hiệu phục vụ thức ăn nhanh: KFC, Jollibee, Pizza Hut, Lotteria cũng tham gia vào sân chơi này, mở rộng thêm đối tượng khách hàng phục vụ.
Chị Bảo Trân, chủ cửa hàng Panda Bike, Phường 5, chia sẻ: “Thông thường, những đơn hàng xa, cửa hàng khó đáp ứng vì nguồn nhân lực hạn chế, chưa kể khi thời tiết không thuận lợi rất khó thuê shiper bên ngoài. Cài đặt ứng dụng này tiện cho người bán lắm, khi có đơn là app báo về, mình làm xong tài xế chạy qua lấy, còn tiền hàng thì tuỳ ít nhiều sẽ có người đứng ra chuyển khoản, tầm 3 ngày hoặc hơn sẽ thanh toán một lượt khá tiện”.
Chị Nguyễn Thị Thuỵ, Phường 1, TP Cà Mau, cho biết: “Dịch vụ giao đồ khá nhanh, các hàng quán có sẵn trên ứng dụng cũng là địa chỉ tôi hay gọi đồ ăn về nhưng trước đây phải đợi khá lâu. Với ứng dụng này, tôi hài lòng nhất là các chi phí vận chuyển hiển thị minh bạch”.
Sự tiện dụng từ dịch vụ mang lại rất thích hợp với thói quen mua sắm hiện đại của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp thì nhà hàng, quán ăn chỉ được phép bán mang về hoặc mua hàng trực tuyến vẫn an toàn, đảm bảo hiệu suất kinh doanh, thay vì đóng cửa.
Chia sẻ về công việc của mình, anh Lâm Hoàng Phúc (tài xế), ngụ Phường 5, TP Cà Mau, cho biết: “Khi mở rộng sang giao hàng thức ăn thì tần suất, cuốc chạy của tôi cũng tăng lên đáng kể, do vậy nguồn thu cũng khá, dao động khoảng 200.000 đồng/ngày (tận dụng thời gian rảnh và tối). Lịch trình đặt - giao đều có định vị bản đồ nên thay vì vừa chạy vừa dò đường thì nay tôi đến đúng nơi trong thời gian nhanh, cũng ít sợ tình trạng “bom hàng”.
Không chỉ có thể theo dõi lịch trình của người giao, dịch vụ còn ưu điểm ở chỗ người cài đặt nhận về nhiều mã khuyến mãi trong quá trình sử dụng, tương ứng với từng giá hoá đơn cao hay thấp sẽ có mã khuyến mãi đi kèm.
Chị Nguyễn Thị Thuý, kinh doanh quán ăn, nước giải khát, ngụ Phường 8, TP Cà Mau, chia sẻ: “Ngoài lượng khách trực tiếp thì nay quán có thêm lượng khách nhất định thông qua ứng dụng. Việc chọn lựa món cũng khá dễ, mình bán gì thì đưa hình lên, hết món hoặc kết thúc bán thì trên ứng dụng sẽ hiển thị trạng thái đóng cửa. Chi phí giao hàng có sẵn nên tránh được những chuyện rắc rối khi tính tiền giao hàng. Ban đầu khách cũng ngại việc dùng ứng dụng đặt hàng nhưng nay thì rất thích”. Trong việc triển khai các ứng dụng tiện ích, các đơn vị đã mở rộng phạm vi hoạt động. Đó cũng là xu thế mua sắm an toàn, phù hợp với định hướng phát triển trong thời đại mới./.
Ngô Nhi