ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 16:18:42
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM SỰ KIỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954-2024)

Tiếp thu thị trấn Cà Mau

Báo Cà Mau

Cầu Quay Cà Mau vào thập niên 40 (hiện nay là đoạn Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau). Ảnh tư liệu

Cầu Quay Cà Mau vào thập niên 40 (hiện nay là đoạn Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau). Ảnh tư liệu

Khi những sự sôi nổi, bồng bột bên ngoài đã lắng dịu, ta mới có đủ cái nhìn rõ rệt ở bên trong. Ðâu phải Cà Mau không nhiễm độc. Nơi nào giặc lê lết lại không lây tệ hại? Và, không những chúng lây mà còn gieo thêm nhiều nữa. Ðàng điếm, lưu manh, rượu chè, trộm cắp... Càng sâu độc là chúng tập trung tuyên truyền: “Việt Minh độc ác, dã man, phiến loạn...”. Chúng cố biến những người yêu nước thành kẻ man rợ, phản giống nòi như bọn tay sai của chúng. Và điều hệ trọng là làm sao cho dân tin theo như vậy. Lúc tôi vào phòng thông tin và phòng tác động tinh thần, vẫn còn đầy rẫy những sách báo, tranh ảnh “Việt Minh mổ bụng trẻ con, chặt đầu sản phụ, tàn sát tôn giáo”... mà địch cố tình để lại (giờ phút chót địch vẫn tuyên truyền xảo trá, còn 2 cái máy đèn, máy nước nặng nề kia, thì chúng lại đem theo). Do đó, đồng bào còn một số ít e dè, sợ sệt ta. Nếu bạn là nhân viên chính phủ đi qua đường phố, bạn thấy nếp sinh hoạt vẫn bình thường. Nhưng bạn hãy giả lơ nhìn sang cửa kiếng của dãy phố bên kia, bạn sẽ thấy những gương mặt lấm lét, tò mò trông theo bạn.

Có một lần, tôi vào hẻm phố kiếm người quen. Phố xá xiêu vẹo, đường đi lằng nhằng, nhà không bảng số. Tôi ghé căn gác nọ hỏi thăm, người con gái tóc rối bời, đang ngồi coi kinh thánh, chợt thấy tôi, chị liền xanh mặt. Chị không chỉ giùm nhà tôi muốn kiếm, mà lo “thanh minh” về mình, mặc dù tôi không đá động gì chuyện đó:

- Thú thật với ông, tôi là người có đạo. Ðạo là... thờ Chúa, và làm lành, chớ không ác hại đến ai. Nếu có, tôi chịu tội. Ông không tin, xem thử cuốn kinh coi - Lời chị lấp vấp, giọng chị run run.

Tôi lấy làm lạ, nói:

- Chị đọc kinh cứ đọc, có sao đâu.

Ðôi mắt chị vẫn lo lắng, và một lúc sau, chị cứ trút nỗi lòng (có lẽ là chị cho rằng mình bị bắt “quả tang” về tội “đọc kinh!”).

 - Hôm Tây rút về Bạc Liêu, các gia đình có đạo Thiên Chúa, phần đông đều đi hết. Còn tôi, hoàn cảnh nghèo, tới xứ lạ, không phương gì sống, nên mới liều ở lại đây - Cái tiếng “liều” chị nói nặng nề, bao trùm một cái gì ghê rợn. Khi tôi hỏi nguyên nhân nào thì chị trả lời nghe cũng rất “liều”:

- Lâu nay tôi nghe... nói Việt Minh cấm đạo. Nếu biết ai có đạo thì họ thường bắt cóc, giết đi!

Rồi ngày tháng vẫn trôi nhẹ nhàng, thư thả như mây trắng trôi trên nền trời thu xanh biếc. Ngôi chùa Quan Âm, nằm cạnh gốc cây bàng cao tuổi, khuya nào cũng nghe tiếng chuông công phu, trầm vang, thoát tục. Và, thấy Cao Ðài Phật Mẫu, trong những ngày Rằm, ngày vía đều rộn ràng tiếng trống, ngân nga tiếng đồng nữ đọc kinh. Sự e dè, nghi kỵ của người ta, không thể giải thích trong một sớm một chiều, mà để thực tế trả lời là hơn tất cả. Có những ông cha, bà phước ở Sài Gòn, Long Xuyên, hoặc Sóc Trăng, bây giờ mới dám thập thò xuống Cà Mau coi cho biết “tôn giáo ở đây mất hay còn!". Bao nhiêu cuộc tiếp xúc với Uỷ ban Quân chính thị trấn, với tín đồ của họ, cái mưu mô hiểm độc của bọn tác động tinh thần đã lòi ra trơ trẽn.

Thế rồi không ai bảo ai, đồng bào tôn giáo dần dần tin tưởng và ủng hộ chánh quyền ta. Họ bắt đầu tham gia bất cứ việc gì của cách mạng, vì họ coi chính quyền này thật sự có tự do tín ngưỡng và thật sự là chính quyền của Nhân dân.

Tiếng máy xe đò hù hụ nổi lên trong lúc gà ngoại ô chưa kịp gáy. Quen tai, nên vừa chừng đó là chúng tôi thức dậy rồi. Và, cái việc lao động đầu tiên là “gánh ky, cần xé lên đường”. Ở chợ Cà Mau hồi đó, có cái đường lầy lội, cái cống “no hơi”, cái cầu tiêu “sình bụng”, cái đống rác “ợ chua”, cái xóm nghèo xơ xác nào mà chúng tôi không biết. Giặc Pháp và bọn bù nhìn đã bòn xương, hút máu Cà Mau và để lại cho Cà Mau những bệnh hoạn đầy thân thể. Khu trường học, khu nhà xác, khu phố Cao Ðài Kênh 16, vùng hậu rạp hát Huê Tinh, vùng bến xe cũ, vùng Cầu Quay, vùng chùa Phật Tổ... Những vùng đó, chúng tôi dùng đôi vai của chiến sĩ Nhân dân gánh đá, đẩy lùi sình lầy, ruồi muỗi và đặt lên đó những trụ đèn điện, những vòi nước máy, để cải thiện đời sống cho đồng bào nghèo khổ.

 Khuya, hễ nghe tiếng xộc xạc của đá, tiếng phựt phựt cuốc đất, tiếng đùi đụi của bước chân bộ đội, nhiều đồng bào cũng thức dậy ra làm phụ. Từ xa lạ đến quen biết, rồi thông cảm, rồi thương mến, đồng bào nhất định không để riêng bộ đội làm, họ coi bộ đội như con em của họ, nên họ đã hoà thân khắng khít. Anh Thái, chỉ huy đơn vị chúng tôi, phải họp anh em lại đề ra “kế hoạch”:

- Từ nay, khuya đi làm công tác, phải đi nhè nhẹ, để cho đồng bào yên giấc, vì phần nhiều đồng bào là Nhân dân lao động đi sớm về trưa, làm lụng nặng nề.

Chúng tôi đồng ý thực hiện. Hễ gần tới chỗ đổ đá thì nhón gót đi nhẹ lại, để cần xé xuống, rồi đổ nghiêng nghiêng cho ít tiếng động. Vậy mà đồng bào cũng phát hiện được, họ chế giễu chúng tôi là quân chủ lực mà đánh “du kích”. Họ cằn nhằn chúng tôi là ham làm nặng một mình.

Rồi đồng bào lại tiếp tay bưng đá, cuốc đất, vét cống... y như là cha mẹ, anh em trong nhà vậy.

Cà Mau thay đổi bộ mặt đau thương, u ám. Nó mới hẳn lên.

Tuy không sang trọng, xa hoa, nhưng nó là thị trấn của "tự do" và "trong sạch". Không phải chỉ sạch rác rưởi, sình lầy mà còn sạch cả cờ bạc, trộm cắp, điếm đàng...

Cái thị trấn tự do sạch đẹp làm sao! Ðẹp như những chiếc khăn lụa hồng quàng trên vai của các đoàn ca sĩ thiếu nhi, rộn rã trên khắp phố phường. Ðẹp như những trường học mở cửa cả ngày lẫn đêm, đủ lớp, đủ hạng để nâng cao trình độ đồng bào. Ðẹp như những người lao động được tăng lương, quý trọng. Ðẹp như những cảnh binh luôn luôn nhã nhặn, giúp đỡ mọi người.

Ngọn gió bấc rì rào trên khóm trúc, gợi nhớ thị trấn cũ. Nhớ phố phường tao nhã, lịch sự của Cà Mau, khi về tay cách mạng, nhớ vẻ mặt vui tươi rạng rỡ của đồng bào Cà Mau, khi được sống tự do. Nhớ những thảm lúa xanh yêu kiều phía lộ mới, phía rẫy dưa, mà chúng tôi đã cấy tiếp với đồng bào dạo nọ.

Xa Cà Mau từ cuối năm 1954, tôi nghe tin những khu phố lao động của Cà Mau bị đuổi dời để cho những dãy lầu mới mọc lên; những dòng khẩu hiệu yêu nước bị bôi xoá; những bảng ghi ngày thống nhất đất nước bị chà đạp và khắc nghiệt, đàn áp cứ đè nặng đồng bào thị xã. Ngày xưa, lúc tôi đến đây, Cà Mau là thị trấn; ngày nay, lúc tôi ghé ngang trên đường đi kháng Mỹ, Cà Mau là thị xã.

Sự đổi thay của hình thức chẳng có gì đẹp lắm đâu, nếu không nói là tệ hại, bởi cái bề trong của nó càng dơ bẩn, nhuốc nhơ hơn cả thời Pháp chiếm. Chỉ có một màu trắng, chói ngời. Ðó là những tấm lòng trong sạch của những người dân bất khuất, trung kiên, giữ mãi ý chí anh hùng. Dưới ngọn cờ vinh quang của Mặt trận, họ đã dũng cảm chiến đấu trong lòng địch từng giây, từng phút, để giành độc lập. Họ đạp lên lưỡi lê, họng súng và trên cả đầu thù, để đòi hỏi tự do. Họ tin chắc rằng, bão lửa cách mạng sẽ nổi lên dữ dội, quét sạch mọi tàn tích bẩn thỉu. Và, khắp phố phường Cà Mau sẽ đầy cờ giải phóng./.

 

Nguyễn Mai

 

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai viếng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng nay (16/11), Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai làm trưởng đoàn đến viếng, dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khóm 1, Phường 1, TP Cà Mau) và Khu di tích lịch sử cấp tỉnh Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam, tại Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

Tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Để chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện trọng đại lễ kỹ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954-2024), tối 15/11, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đến dự buổi tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) và rà soát công tác tổ chức lễ.

“200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử” 

Nhằm đánh giá toàn diện về vai trò, ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ trong sự kiện tập kết năm 1954, chiều 15/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử". Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc.

Bến tập kết năm xưa

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định, cùng với Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân (Bình Thuận) và Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh (Ðồng Tháp), thì Khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau. Cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời là bến tập kết để đưa cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, học sinh ở miền Nam ra Bắc để lao động, học tập, tạo nguồn cán bộ phục vụ cách mạng miền Nam.

Xúc cảm vẹn nguyên

Từ những ngày đầu tháng 11, cao điểm các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) được diễn ra khắp nơi trong tỉnh Cà Mau. Ðối với những người trong cuộc - chứng nhân của dấu mốc lịch sử ấy lại ùa về bao cảm xúc bồi hồi, nôn nao ngày họp mặt để sống lại hồi ức cách nay 70 năm, ngày lên tàu rời quê hương với niềm tin mãnh liệt vào con đường cách mạng mà Ðảng và Bác Hồ đã chọn.

Từ Sông Ðốc các anh đi

Vào khoảng cuối năm 1954, mấy chục căn nhà dọc theo sông Cái Bát (xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi ngày nay) đều có bộ đội đóng quân, riêng căn nhà 3 gian của tôi đủ chứa cả tiểu đội. Các anh di chuyển bằng những chiếc xuồng năm lá, từ Cần Thơ, Vĩnh Long... xuống. Chỉ ít hôm là các anh đi, về đâu tôi chẳng hề biết, chỉ để lại tình cảm quân - dân như cá với nước. Cho đến khi lớn lên, đi làm cách mạng, tôi mới biết Cà Mau là vùng tập kết 200 ngày, vậy là chắc các anh đi về Sông Ðốc để lên tàu tập kết ra Bắc.

Bác Ba Lê Duẩn và Nghị quyết 15

Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Cà Mau là điểm tập kết lớn nhất Nam Bộ với 200 ngày và Sông Ðốc là bến tiễn đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra Bắc.

Sông Đốc sẵn sàng cho sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc (1954-2024)

Chỉ còn 2 ngày nữa tại thị trấn Sông Đốc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sẽ diễn ra lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024). Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, ghi nhớ sự kiện các chuyến tàu chở hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam.

Nói chuyện chuyên đề vai trò phụ nữ trong sự kiện tập kết ra Bắc

Sáng nay (14/11), Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau tổ chức buổi chuyên đề Vai trò đóng góp của phụ nữ trong sự kiện tập kết ra Bắc và hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình. 

Lịch sử vọng vang

Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Ðông Dương được ký kết (20/7/1954), Cà Mau được chọn là 1 trong 3 khu vực tập kết, chuyển quân của lực lượng cách mạng ở Nam Bộ với thời hạn 200 ngày. Sau 70 năm, với độ lùi của thời gian, sự kiện tập kết ở Cà Mau đã được đánh giá, khẳng định ngày càng toàn diện, thấu đáo về tầm vóc, ý nghĩa, vai trò hết sức đặc biệt trong tiến trình lịch sử cách mạng của địa phương, Nam Bộ và đất nước.