(CMO) Đó là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 vừa diễn ra chiều nay (ngày 30/12).
Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, năm 2020 trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã nỗ lực vượt khó, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Theo đó nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng và phát triển; các sản phẩm chủ lực mang thương hiệu đặc trưng của Cà Mau đã hình thành, phát huy tính tích cực và ngày càng có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Tổng sản phẩm (GRDP) của ngành nông nghiệp năm 2020 đạt 13.221 tỷ đồng (theo giá so sánh), tăng 4%so cùng kỳ năm 2019; kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 1 tỷ USD.
Thủy sản tiệp tục là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 592.635 tấn, tăng 4,77% so cùng kỳ; trong đó sản lượng tôm 210.075 tấn, đạt 100,04% kế hoạch, tăng 6,89% so cùng kỳ. Tổng sản lượng lúa cả năm đạt 446.875 tấn; trồng mới 522,5 ha rừng, đạt 104,5% chỉ tiêu giao. Diện tích trồng cây phân tán 3 triệu cây, tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán 26%, đạt 100% kế hoạch.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà
Qua gần 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tính đến ngày 15/12/2020, toàn tỉnh đã có 38/82 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện nay, tỉnh đã tiến hành thẩm định thực tế và củng cố hồ sơ công nhận thêm 4 xã Trần Thới (huyện Cái Nước), Tân Phú (huyện Thới Bình), Lợi An, Phong Lạc (huyện Trần Văn Thời). Qua đánh giá, đến cuối năm có khoảng 42/82 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 51,2% và dự kiến đến cuối năm 2020 bình quân tiêu chí toàn tỉnh sẽ đạt từ 16,5 tiêu chí/xã. Đối với hồ sơ thành phố Cà Mau hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, UBND tỉnh đã có tờ trình đề nghị Bộ NN&PTNT thẩm định. Thực hiện chương trình OCOP, đến nay Hội đồng cấp tỉnh đã đánh giá, xếp hạng 30 sản phẩm đạt 3 sao, 3 sản phẩm đạt 4 sao của 24 chủ thể tham gia OCOP.
Tuy nhiên, bên cạnh các chỉ tiêu đạt được, năm 2020 tiếp tục ghi nhận những diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, ước tổng thiệt hại về tài sản từ đầu năm đến nay khoảng 1.128,208 tỷ đồng. Đặc biệt, tình hình hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng rất lớn đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, tình trạng tôm chết cục bộ, làm giảm sản lượng nuôi trồng thủy sản, trong đó có tôm nuôi; đối với sản xuất lúa vụ mùa và đông xuân (2019 - 2020) thiệt hại 20.495 ha, với sản lượng thiệt hại 50.000 tấn; xảy ra 6 vụ cháy rừng, diện tích 1,5 ha. Từ đó ảnh hưởng lớn đến nhiều chỉ tiêu lớn trong ngành có tăng nhưng chưa đạt so kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tổng sản phẩm (GRDP) của ngành nông nghiệp tăng 4% so cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn thấp hơn kế hoạch đề ra 6%.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn trên 1 tỷ USD
Trước thách thức đặt ra đối với ngành nông nghiệp trong năm 2021, ngành nông nghiệp đề xuất nhiều giải pháp chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường. Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân 4,5%/năm. Nâng tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 26,2%. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 94%, tăng 1,08% so với năm 2020. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM 56,1%, tăng 12,2% so với năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo: Tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Quy hoạch chi tiết theo từng lĩnh vực của ngành để tích hợp vào quy hoạch tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đồng thời xác định nhiệm trọng tâm các khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp, trong 85 nhiệm vụ được Chính phủ đưa ra, trong đó có rất nhiều nhiệm vụ của ngành nông nghiệp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất sinh thái, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Trong đó, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa
Phát triển ngành tôm theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và bền vững; phát huy lợi thế tôm sinh thái, hữu cơ có chứng nhận, tăng giá trị gia tăng; phát triển tôm siêu thâm canh là giải pháp đột phá về sản lượng; phát triển nuôi biển thay thế dần nghề khai thác biển.
Xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, an toàn, hữu cơ theo chuỗi giá trị một cách bền vững thông qua việc nâng cao năng lực hoạt động của kinh tế tập thể, đặc biệt là xây dựng cho được HTX điểm. Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản thông qua phát triển nhãn hiệu, thương hiệu gắn với sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng hàng nông sản. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các ngành hàng chủ lực của tỉnh; tăng cường công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm./.
Trung Đỉnh