(CMO) Cũng như nhiều loại nông, thuỷ sản khác, đầu ra cho con cá chình, cá bống tượng lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Giá cá chình, cá bống tượng thương phẩm có lúc cao ngất ngưỡng, lúc thì rớt thê thảm.
Với diện tích nuôi cá chình, cá bống tượng trên 243 ha, hơn 230 hộ nuôi (cá chình 176 ha, cá bống tượng 76 ha), xã Tân Thành, TP Cà Mau được xem là thủ phủ của 2 loài cá này. Tuy nhiên, hiện nay, đầu ra bấp bênh do bán cho các tiểu thương xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc nên không ổn định.
Thu hoạch cá chình tại gia đình ông Huỳnh Văn Hận. |
Phó tịch UBND xã Tân Thành Trịnh Thanh Thuỳ cho biết, thời gian qua, địa phương cùng các sở, ngành tập trung tìm đầu ra ổn định cho bà con. Địa phương cũng phối hợp với UBND TP Cà Mau quy hoạch lại vùng nuôi và hướng dẫn người dân nuôi theo tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng theo thương hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận vào năm 2015. Bên cạnh đó, UBND xã liên hệ với các ngân hàng tạo điều kiện cho hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay, ổn định đời sống.
Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành Trịnh Thanh Thuỳ cũng thông tin: “Bước đầu phía đối tác Hàn Quốc chấp nhận và đánh giá cao về chất lượng, cũng như sản phẩm của con cá chình và cá bống tượng Tân Thành. Điạ phương đang tiếp tục tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường xuất khẩu sang Canada”.
Với 21 ao nuôi cá chình và cá bống tượng (diện tích 1,3 ha), sau mỗi vụ nuôi ông Huỳnh Văn Hận (Chín Hận), Ấp 3, xã Tân Thành thu lãi hơn 300 triệu đồng. Ông Hận cho biết: "Con cá chình và cá bống tượng có sức đề kháng tốt, ít rủi ro… Đặc biệt, người nuôi có thể tận dụng các loại cá tạp với giá rẻ để làm thức ăn nên tiết kiệm được chi phí ban đầu. Để dễ theo dõi cá, người nuôi dùng vó cho cá ăn, từ đó giúp phát hiện những dấu hiệu bất thường trên cá và đưa ra cách xử lý phù hợp".
Ông Chín Hận nhớ lại: Trước đây nghề nuôi cá chình, cá bống tượng được xem là nghề sản xuất siêu lợi nhuận. Ở thời điểm đó thị trường luôn ổn định, giá cá luôn ở mức cao. Nuôi 100 con cá, nếu thất thoát 70 con, số còn lại thu hoạch vẫn có lãi nhiều. Còn ở thời điểm này, nếu để thất thoát 30 con, thu hoạch 70 con coi như người nuôi trắng tay. Ông Chín Hận lý giải, do giá con giống, thức ăn tăng cao, thị trường không ổn định, giá cá thương phẩm bấp bênh.
Nông dân Tân Thành theo dõi quá trình sinh trưởng của cá bống tượng. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Tuy trải qua nhiều thăng trầm với sự biến động thường xuyên của thị trường, nhưng nhờ sự cần cù, ham học hỏi, ông Chín Hận đã thành công với mô hình này trong nhiều năm liền.
Cũng theo ông Hận, có nhiều yếu tố quyết định thành công của vụ nuôi. Bước đầu tiên là phải đào ao cho thật chuẩn. Kế đến là khâu xử lý ao nuôi và nguồn nước đạt yêu cầu rồi mới tiến hành thả giống. Song, để đảm bảo cá nhanh lớn, ngoài chế độ ăn phù hợp thì mực nước trong ao luôn trên 1,5 m. Kế đến là nguồn cá giống đóng vai trò quan trọng nhất. Khi mua cá giống, người dân thường chọn những con nhanh nhẹn, đều cỡ, nhiều nhớt… Nguồn giống được hộ nuôi mua tại các cơ sở kinh doanh có uy tín trên địa bàn với giá dao động khoảng 180 ngàn đồng/kg (tuỳ loại).
“Hồi nào tới giờ, mỗi khi cần bán cá, chúng tôi đều bốc điện thoại gọi cho vựa ở Bạc Liêu, Cà Mau để họ cho giá. Tuy có nhiều người mua nhưng chung quy đều chở lên TP Hồ Chí Minh giao lại cho thương lái, sau đó phần lớn được đóng thùng bán qua Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc cho giá bao nhiêu, vựa mua bấy nhiêu, người nuôi cá như chúng tôi không biết đâu mà lần. Bây giờ sắp có nơi tiêu thụ ổn định nên không còn phải lo đầu ra”, ông Chín Hận chia sẻ./.
Trung Đỉnh