Một người bạn làm phim truyền hình, gọi điện nhờ tôi giới thiệu gia đình còn giữ nếp xưa và sưu tầm những “kỷ vật” nhà nông ở quê để thực hiện đoạn phim tài liệu.
Trên đường xuống Cà Mau, ảnh cứ gọi điện hỏi thăm suốt. Nào là tìm được gia đình còn giữ nếp xưa cho anh chưa? Kiếm được mấy cái ách trâu chưa? Còn được cái cộ nào không? Có cái lò rèn nào ở vùng quê đang đỏ lửa không?…
Tôi lại cậy người thân hỏi thăm vì sợ anh bạn cất công từ thành phố về đây lỡ chuyến. Những cái anh cần, nếu ở thế kỷ trước thì khỏi phải mất nhiều công tìm kiếm...
Thời may, người bạn vùng quê Thới Bình báo tin vui đã tìm được vài thứ anh cần. Nhưng cái ách trâu đành lỗi hẹn vì đã có người mua với giá “đồ cổ”.
Lò rèn một thuở
Ðó là cái lò rèn nhà ông Nam (Lê Văn Nam) ở xứ Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình, người ta thường gọi lò rèn ông Tư Ốm. Ðã mấy mươi năm theo nghề, nay ông Nam đang truyền lại cho thế hệ tiếp nối.
Lò rèn ông Tư Ốm vẫn đỏ lửa. |
Hỏi về nguồn gốc của nghề, ông nghĩ hồi lâu rồi cười khì: “Tui chỉ nhớ, năm 12 tuổi tui đã theo cha hành nghề. Ðến cha tui trăm tuổi già thì tui thay thế đến nay. Thầy của cha tui là ông Tam Bình, thời đó làm lò rèn nổi tiếng tại chợ Thới Bình”.
Mấy chục năm trước, lúc nghề rèn hưng thịnh, lò nhà ông Nam cũng như bao lò rèn khác đỏ lửa suốt ngày đêm mà vẫn không xuất hàng kịp hẹn. Bởi vì vùng Thới Bình khi đó là vùng thuần nông, trồng lúa và trồng rẫy. Tuỳ mùa vụ mà mấy chủ lò rèn làm sản phẩm để đảm bảo cung ứng phù hợp.
Ví như mùa ruộng thì rèn phảng để phát năn, chặt cỏ; làm rẫy thì rèn lưỡi cuốc, lưỡi vá; làm mộc thì rèn búa, rèn đục. Ðến mùa gặt giáp Tết lại rèn lưỡi hái cắt lúa… Ðó là chưa kể đến rèn dụng cụ dùng trong sinh hoạt gia đình như dao, kéo.
Tất cả dụng cụ được hình thành từ khối sắt nặng trịch. “Tuỳ loại và tuỳ nhu cầu khách hàng mà rèn loại dụng cụ có sức nặng, lớn, nhỏ và độ sắc bén khác nhau. Là khối sắt, muốn bén hơn, ngót hơn thì pha thêm nhiều thép. Ðó là bí kíp của mỗi người thợ rèn. Nhưng, sản phẩm hình thành bắt mắt hay không tuỳ thuộc vào độ khéo tay của thợ kéo sắt”, ông Nam chia sẻ.
Người ta thường ví nghề rèn là nghề “nắn sắt”. Thợ nắn sắt phải cần nhiều người phối hợp ăn ý, nhịp nhàng với nhau, trên búa, dưới đe. Không có bất kỳ một khuôn mẫu nào mà tất cả nhờ vào đôi mắt quan sát, kinh nghiệm lâu năm trong nghề người thợ có thể kiểm soát được nhiệt độ lò nung và nhiệt độ của sắt thép.
Ðể sau khi nung không bị quá già hay quá non, người thợ phải xác định được độ "chín" của sắt, thép để kịp đem nhúng vào nước. Ðây là công đoạn quyết định chất lượng sản phẩm. Sản phẩm được rèn chất lượng phải đạt độ cứng, nhưng không giòn, dẻo mà cũng không mềm, mọi thứ đều phải dung hoà.
Ngày trước, làm nông chỉ dùng sức vì chưa cơ giới hoá, vì thế lò rèn cũng mọc lên nhiều. Theo nhiều cô chú cao niên, hầu như mỗi xóm đều có lò rèn để tiện phục vụ. Có lúc, nghề rèn không ở một chỗ mà đi lưu động, len lỏi trên các nhánh sông ở các vùng quê.
Nói đến nghề rèn thời nay, ông Nguyễn Minh Hùng (Ba Hùng), chủ lò rèn và trại cưa ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, cho hay: “Hàng thủ công bây giờ phải cạnh tranh nhiều với hàng công nghiệp. Ví như con dao do mình rèn ra bán giá năm bảy chục ngàn, trong khi dao hàng sẵn, bán giá rẻ hơn. Tâm lý chuộng rẻ, tiện nên bà con thường chọn mua. Rồi còn nhiều những dụng cụ bằng chất liệu khác như inox, nghề rèn khó mà làm được. Ðể tồn tại, như tôi phải kết hợp thêm nghề cưa hoặc phải chuyển đổi để tồn tại”.
Thời hoàng kim của nghề rèn đã qua. Thời may, hiện nay đâu đó ở thôn quê vẫn còn những miệng lò đỏ lửa. Dẫu không thường xuyên nhưng mùi sắt, thép nóng chảy vẫn khiến nhiều người phải nhớ và cất công đi tìm.
Và nếp xưa
Vừa kết thúc công việc ở lò rèn của ông Tư Ốm, định ngủ thêm giấc cho thoả, ai dè điện thoại cứ reo liên tục. Bên kia máy, giọng cậu Năm cứ giục: "Về ngay để kịp bắt cá đìa. Năm nay, nhà cậu lại tát đìa ăn Tết".
Ký ức đã lùi xa. Nhìn cảnh mùa gặt xôn xao khi cuối mùa chướng là nỗi nhớ quê không khỏi trào dâng. Bông sậy trắng bờ kinh, tràm cũng ngát hương để đơm đầy mật ngọt gọi ong về.
Cảnh dân dã, gần gũi ở quê tôi nhưng mới lạ, bởi quê anh không có. Về quê tôi, anh bắt đầu làm quen với cánh đồng lúa một vụ (lúa mùa), cả lúa - tôm và cảnh bát ngát hương tràm từ rừng U Minh Hạ, hay chuyện cây đước sinh sôi nơi cuối đất.
Về quê chuyến này, anh bạn tôi lại được quay cảnh bên nhà bà ngoại. Bà đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn sõi lắm. Cậu Năm nói, Tết nào ngoại cũng gói mấy chục đòn bánh tét.
Năm nay, ngoại lại chuẩn bị gói bánh ăn Tết. Ngoại chuẩn bị gói bánh Tết công phu như gói bánh ngày giỗ. Con cháu gần xa thường xúm xít, đứa phụ gói, đứa theo học nghề của ngoại.
Bánh tét phải được cột bằng dây lác mới đầy đủ phong vị Tết quê. |
Ông ngoại hy sinh, bà ngoại phải bươn chải, một thân nuôi 6 người con. Rồi dựng vợ, gả chồng có gia đình êm ấm. Thương ngoại nên mỗi lần có dịp là con cháu xúm về bên bà. Mấy chục năm, đã thành nếp sống đầm ấm, hoà thuận.
Bánh tét của ngoại khi nào cũng được cột bằng dây lác. Ngoại nói, cột bằng dây lác, khi luộc bánh ít bị sứt dây, dây không giãn do bị luộc lâu trong nước sôi nên đòn bánh chắc, giẽ.
Nồi bánh tét của ngoại thơm ngát mùi lá chín. Hương nếp hoà lẫn với vị mặn của muối, vị béo của mỡ, ngọt của chuối, anh em quây quần trong tiết trời se lạnh càng tạo thêm sinh khí đầm ấm của Tết quê.
Vậy là đã 8 năm ròng tôi chưa có dịp về ăn Tết bên vòng tay mẹ. Cũng ngần ấy thời gian, tôi đã quen dần và yêu thích hương vị của mùi Tết xa quê - mùi Tết bên những đồng nghiệp, bên mái ấm gia đình bé nhỏ.
Nhận lời giúp anh bạn nhưng mình lại được thoả mãn nỗi niềm chốn quê. Mới ngót chục năm bon chen nơi phố thị, mà nay những thứ gần gũi nhất thời thơ ấu lại phải cất công tìm kiếm.
Làng quê đang từng ngày thay đổi theo nhịp sống của thế kỷ hai mươi mốt. Và chắc lòng người ai cũng háo hức cho những ngày mới. Nhưng hẳn trong sâu thẳm tâm hồn, ký ức về chốn quê vẫn đong đầy.
Vậy là anh bạn tôi đã có được chuyến đi đầy ý nghĩa...
Bài và ảnh: Phong Phú