Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.
Nhìn lại hành trình của CSXH, không chỉ là những con số ấn tượng mà còn là câu chuyện về nghị lực và mồ hôi, công sức của người dân. Mỗi bước đi, từ xây dựng niềm tin đến sự tận tâm của cán bộ, đã dệt nên bức tranh rõ nét về sự chuyển mình trong đời sống người dân.
Bài 1: Cầu nối ý Đảng - lòng dân
Tín dụng CSXH không chỉ là công cụ tài chính nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, mà còn là minh chứng sống động của mối gắn kết sâu sắc giữa các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước với lòng dân. Từ khi ra đời, tín dụng CSXH đã dần khẳng định vai trò quan trọng của mình, không chỉ trong việc cải thiện đời sống kinh tế, mà còn trong công cuộc phát triển bền vững. Ðó chính là cây cầu vững chắc, nối liền những ý tưởng lớn của Ðảng với cuộc sống hằng ngày của người dân, đưa chính sách vào đời sống và tạo nên những biến chuyển tích cực ở cả góc độ xã hội lẫn kinh tế.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng CSXH (Chỉ thị số 40) trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW tại Cà Mau, tín dụng CSXH đã thực sự đi vào đời sống, trở thành công cụ hiệu quả trong giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ nhận thức sâu sắc từ các cấp chính quyền và người dân, các chương trình tín dụng chính sách đã được mở rộng, giúp nguồn vốn đến tay người nghèo và các đối tượng chính sách một cách kịp thời”. |
Ðưa chính sách vào đời sống
Từ những ngày đầu tiên, tín dụng CSXH ra đời với sứ mệnh hỗ trợ các đối tượng khó khăn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn. Tín dụng CSXH mang trong mình thông điệp mạnh mẽ của Ðảng và Nhà nước: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mỗi đồng vốn được giải ngân là một tia sáng hy vọng, mở ra con đường phát triển và đổi thay cho người dân.
Tại những vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế, tín dụng CSXH đã trở thành chiếc phao cứu sinh thực sự. Những khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) không chỉ giúp người nghèo có vốn phát triển kinh tế mà còn góp phần cải thiện toàn diện đời sống. Chính nhờ những khoản vay này, hàng ngàn gia đình đã thoát khỏi vòng xoáy nghèo khó, góp phần xây dựng những cộng đồng ổn định, phát triển. Ðiều này không chỉ giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo, mà còn ngăn chặn tình trạng vay nặng lãi, giảm tỷ lệ thất nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội cho các địa phương.
Tính đến tháng 9/2024, NHCSXH Cà Mau đã triển khai hơn 19 chương trình tín dụng, hỗ trợ trên 135.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng dư nợ hơn 4.392 tỷ đồng (tăng 262 tỷ đồng so với đầu năm 2024). Chương trình cho vay hộ nghèo góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,9% năm 2014 xuống còn 1,56% vào cuối năm 2023, khẳng định vai trò quan trọng của tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế bền vững.
Gia đình chị Ngô Thị Liễu, ấp Tân Phong B, xã Tạ An Khương Ðông, huyện Ðầm Dơi, là một điển hình nỗ lực vươn lên từ nghèo khó. Không có đất sản xuất, chị Liễu từng loay hoay tìm cách cải thiện cuộc sống. Nhờ khoản vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH, chị đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi dê.
Chị Liễu chia sẻ: “Lúc mới bắt đầu, tôi chỉ nuôi được 6 con dê. Qua từng năm, nhờ sự chăm sóc kỹ lưỡng và được hỗ trợ nguồn vốn, đàn dê đã phát triển, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ðây là điều mà trước đây gia đình tôi không dám mơ tới”.
Nhìn lại hành trình 5 năm vượt khó, chị Liễu không khỏi xúc động: “Nhờ có sự hỗ trợ từ NHCSXH, gia đình tôi đã thoát nghèo, không phải lo lắng nhiều về tương lai của các con nữa. Tôi luôn hy vọng rằng, các hộ gia đình khác cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ như tôi, để cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Mô hình nuôi dê thành công của gia đình chị Ngô Thị Liễu. Ảnh: HỒNG PHƯỢNG
Gia đình ông Võ Thanh Liêm, Ấp 12, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, cũng thay đổi tích cực nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. Ông Liêm chia sẻ: “Vay được 25 triệu đồng từ NHCSXH, tôi đã quyết định đầu tư trồng rau màu. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của nhân viên tín dụng và những kiến thức từ các buổi tập huấn, vườn rau của gia đình tôi dần phát triển. Hiện nay, mỗi ngày tôi thu nhập từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Không chỉ trả hết nợ, chúng tôi còn có đủ vốn để tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Những "nhịp cầu niềm tin"
Trong hành trình hiện thực hoá các chính sách xã hội, vai trò của nhân viên tín dụng cơ sở vô cùng quan trọng, như những “người giữ nhịp cầu niềm tin” cho cộng đồng. Họ âm thầm lặng lẽ, kiên trì tiếp cận từng hộ gia đình, lắng nghe và thấu hiểu những nỗi trăn trở, khó khăn của người dân, đồng hành cùng họ trong hành trình vượt khó.
Ông Huỳnh Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Nhân viên tín dụng cơ sở không chỉ hỗ trợ tài chính, mà còn là những người bạn, thấu hiểu sâu sắc hoàn cảnh của từng hộ gia đình. Họ không ngừng khơi dậy hy vọng và quyết tâm, giúp bà con vươn lên trong cuộc sống”.
Ông Nguyễn Hải Triều, Tổ trưởng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ðầm Dơi, là một trong số đó. Anh Triều tâm sự: “Công việc của tôi không chỉ là giải ngân vốn, mà tôi xem mình là người bạn đồng hành của bà con. Tôi thường xuyên thăm hỏi, không chỉ để kiểm tra việc sử dụng vốn mà còn động viên, khích lệ bà con tiếp tục nỗ lực”.
Cán bộ NHCSXH luôn tận tình, hướng dẫn người dân thủ tục vay vốn tại buổi giao dịch ở xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi. Ảnh: HỒNG PHƯỢNG
Ông Triều tự hào khi mình là cầu nối niềm tin từ Ðảng và Nhà nước với cuộc sống của người dân, mang trong mình nhiệt huyết mãnh liệt và trách nhiệm lớn lao, giúp những ước mơ của người dân dần thành hiện thực.
Một người không thể không nhắc đến là ông Thái Thành Thơ, cựu chiến binh 82 tuổi, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) tại Ấp 13, xã Khánh An, huyện U Minh. Hằng tuần, ông đều đặn đến từng hộ gia đình để kiểm tra tình hình tài chính và tư vấn thêm về cách sử dụng vốn hiệu quả.
Bà Huỳnh Hồng Cẩm, Tổ trưởng Tổ TK&VV tại ấp Tân Ðiền A, xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi, cũng là tấm gương tiêu biểu cho sự tận tuỵ và trách nhiệm của nhân viên NHCSXH. Bà chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ: “Ngày trước, khi đường sá còn khó khăn, tôi phải đi đò gần tiếng đồng hồ mới đến nhà hộ vay. Hộ dân ấy đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn nhờ khoản vay, đầu tư vốn mua giống sò huyết và nuôi trong ao nhỏ cạnh nhà. Giờ đây, cuộc sống gia đình đã được cải thiện và con cái được đến trường đầy đủ. Nghĩ về họ, tôi không khỏi xúc động và tự hào về những gì chúng tôi đã làm được”.
Các chương trình tín dụng ưu đãi không chỉ đơn thuần mang lại nguồn vốn cho người dân, mà còn là minh chứng cho sự tận tâm và cống hiến không ngừng nghỉ của nhân viên ngân hàng và các đơn vị uỷ thác, đặc biệt là các tổ TK&VV, người trực tiếp quản lý, giám sát các hộ vay.
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ðầm Dơi, chia sẻ: “Chúng tôi xem mỗi hộ dân là một câu chuyện, một hành trình. Chính vì thế, chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để đảm bảo các chương trình tín dụng được triển khai nhanh chóng và hiệu quả nhất. Niềm tin của người dân vào các chính sách của Ðảng và Nhà nước giúp hoạt động tín dụng chính sách được củng cố qua từng ngày”./.
Hồng Phượng - Việt Mỹ
Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội