(CMO) Sếp tôi chưa già nhưng thích hoài cổ, anh thường tìm những đề tài “xưa xưa” một chút để mỗi người cùng hoài niệm, nhớ nhung về một thời gian khó nhưng thấm đẫm nghĩa tình. Anh hỏi: “Chú Hai là người U Minh chắc rành chuyện cân, đong, đo, đếm ngày xưa lắm hen?! Viết một bài báo cho vui!”. Tôi cười và tự nói với lòng: “Mình có biết chút đỉnh, chắc tuổi cũng sắp già rồi!”.
Cân đòn giờ rất hiếm gặp tại các chợ từ đô thị đến vùng nông thôn. Ảnh: VĂN ÐUM |
Nhắc đến chuyện xưa, nhắc đến các đồ vật đo lường xưa làm tôi nhớ lại những năm tháng tuổi thơ ở kênh Cựa Gà. Con kênh nhỏ nối liền Rạch Trại, Xóm Lá thông ra Lồng Ống rồi toả về Rạch Vinh, Hương Mai, Ba Thước. Ngày xưa làm lúa một vụ, mãi tận sau này mới làm lúa vụ hai, rồi cải tạo ruộng thành vuông nuôi tôm; ngoài vườn trồng dừa, trồng chuối; trong chuồng có vài con heo; dưới ao, ngoài ruộng là cá đồng minh thiên; trên bờ thả bầy gà, bầy vịt để chờ ngày đám giỗ ông bà, hay vui mấy ngày Tết…
Hồi đó, mỗi sáng cha tôi thường thức sớm uống trà, vấn điếu thuốc rê, cầm cây sào chống xuồng ra đồng đổ lờ, thăm lưới… Cây sào được làm từ tre tầm vông đặc ruột, thẳng tắp, lên nước đen bóng. Gọi là cây sào khi cha chống xuồng ra đồng, nhưng lại trở thành cây tầm khi cha đo đất vãi mạ, hay đo đất tính tiền công cấy, công phát, công gặt… cho bà con chòm xóm. Giống như cặp chèo, quai chèo lưới được cha nâng niu cất giữ, mỗi khi đi đâu về, cha gác cây sào lên mái hiên nhà cố định một chỗ, vừa giữ gìn, vừa dễ tìm khi cần. Cha nói: “Ðể có cây sào (cây tầm) ưng ý phải chọn cây đặc ruột, đủ “tuổi”, uốn lửa cho thẳng, đo chiều dài thật chuẩn (tầm là 3 m) và phải cho cây sào “uống” dầu để chống mối, mọt”.
Trong xóm ngày xưa, nhà nào cũng có cái lon sữa bò Ông Thọ, cái lít để đong gạo; cái giạ, cái táo để đong lúa, đong cám, đong muối… Những ngày giáp hạt trong khạp hết gạo, hay những lúc lòng kênh Cựa Gà nắng hạn khô đáy không thể chèo xuồng đi chà gạo, mẹ tôi thường qua nhà bà con chòm xóm mượn vài lon, vài lít gạo. Về nhà mẹ tinh ý dặn dò chúng tôi rằng, khi nào trả gạo cho bà con nhớ nhắc mẹ đong dư thêm một chút, vì cái lon sữa bò nhà hàng xóm dùng đâm tiêu nên đáy lon bị lõm, chứa nhiều gạo hơn so với lon sữa bò đong gạo của nhà mình. Ở xứ tôi, khi dùng cái giạ, cái táo, cái lít… để đong thì người ta thường sử dụng thêm cái gạt bằng tre hoặc trúc để gạt cho ngang bằng hoặc đong vun, nghĩa là đong không cần phải gạt, vì còn tuỳ vào những sản vật khi đong. Ví như đong lúa, đong gạo, đong tấm… thì gạt; còn đong cám, đong muối, đong con ruốc tươi ngoài mé biển Hương Mai, Khánh Hội… thì đong vun, không cần gạt.
Cái táo đong lúa từng một thời gắn bó với người nông dân. |
Hồi chưa về quê chồng ở U Minh, mẹ tôi cũng là tiểu thương tại chợ Rạch Ráng, huyện Trần Văn Thời. Gọi tiểu thương cho oai một tí, chứ thật ra mẹ buôn gánh bán bưng, được cái sạp nhỏ xíu kê lủ khủ rau, củ, quả. Khi theo chồng về kênh Cựa Gà, vốn liếng mẹ đem theo chỉ là cây cân đồng (cân được làm bằng đồng), hay còn gọi là cân xách, nó cũng na ná như cây cân đòn, nhưng nhỏ hơn. Mẹ quý cây cân không phải vì giá trị gần chục giạ lúa thời đó, mà mẹ muốn giữ một kỷ vật đã cùng bà những phiên chợ sớm, chợ chiều. Thanh cân đã gồng gánh nặng nhọc mâm cân với vô số nông sản qua tháng ngày, được giữ thăng bằng bởi trái cân để định trọng lượng. Ví như hình ảnh của mẹ tôi chòng chành cân bằng đôi quang gánh trên đôi vai chai sạm, để có được đồng hai, đồng ba lo cho anh em chúng tôi qua thời cơ cực.
Tôi nhớ cách nay lâu lắm, khi gió chướng bắt đầu trở ngọn, lúa ngoài đồng đã về tận sân, mùa chụp đìa, tát ao bắt cá rộn ràng khắp xóm; mẹ lấy trong tủ bộ dây treo kim tuyến, có trái châu cũng kết bằng dây kim tuyến giăng vào khoảng không phía bên trên bộ bàn ghế đặt trang trọng giữa nhà… Ðể chuẩn bị đón Tết, cha tôi lấy cái táo xúc đầy hai bao lúa và một bao nếp vác xuống xuồng, biểu tôi chèo ra vàm Rạch Vinh chà gạo và không quên kèm theo lời dặn: “Hai bao lúa cha đánh dấu buộc dây lạt dừa, còn bao nếp thì buộc dây chuối!”.
Vốn tính tâm hơ tâm hất, hay quên, đến nhà máy chà gạo tôi đưa cả ba cái bao lên cây cân bàn bự chảng. Ông chủ nhà máy cẩn thận hỏi tên của tôi, rồi nhìn vào ký hiệu số được khắc trên đòn cân ghi ghi, chép chép trọng lượng lúa... Xong xuôi, tôi tạt qua tiệm cà phê có kê cái bàn bi-da tại ngã tư Rạch Vinh tìm mối chơi vài “sét” bi-da để chờ tới phiên nhận gạo, nhận cám... Chiều đó tôi mê chơi nên về nhà muộn, khi mẹ mở bao đưa gạo vào khạp thì mới thấy gạo hôm nay lạ lắm, liền hỏi: “Bao nào đựng gạo, bao nào đựng nếp?”. Tôi tá hoả, vì quên dặn ông chủ nhà máy nên cả gạo và nếp đã trộn lẫn với nhau rồi. Lần đó, tôi nằm dài trên bộ ván ngựa phía sau nhà thấm thía từng nhát roi của cha, khi ngoài xóm bắt đầu lác đác tiếng pháo nổ đì đùng, hơi Tết bay vào trong chái bếp.
Không phải là vựa trái cây vùng đồng bằng sông Cửu Long như Cái Bè - Tiền Giang, Lái Thiêu - Bình Dương, Cái Mơn - Bến Tre, miệt vườn Vĩnh Long… nhưng chuyện đếm trái cây ở Cà Mau xưa cũng có nét tương đồng. Ðó là, đếm trái cây bằng chục. Số chục dùng để chỉ 10 (là chục chẵn, chục mười, chục trơn) hoặc chục trên 10 (là chục có đầu). Có nơi đếm chục trái cây tới 12, 14, 16, 18 trái. Ðiều này, thể hiện tính phóng khoáng, chan hoà, gần gũi, độ lượng, thân thương của tình đất, lòng người miền Tây Nam Bộ.
Giờ đây, chuyện đo lường hiện đại lắm rồi, gạo không còn đong bằng lon sữa bò, hay đong bằng lít mà cân bằng ký (kg), cân đồng hồ hẳn hoi, chứ không phải cân xách, cân đòn, cân đĩa, cân bàn… như trước. Trái cây cũng không đếm chục chẵn, hay chục có đầu mà đều cân bằng ký. Thú vị nhất, đến cả cây tràm, cây tre, cây trúc… ngày xưa người ta mua bán bằng cách đếm chục, đếm trăm, đếm thiên… thì nay cũng cân ký để tính tiền. Song, cho dù có thay đổi thế nào đi chăng nữa thì tình đất, lòng người Cà Mau vẫn vậy, mãi mãi dạt dào sâu nặng, không thể cân, đong, đo, đếm./.
Ðỗ Công