(CMO) "Thuận vợ, thuận chồng tát biển Ðông cũng cạn", câu nói này xưa nay vẫn nguyên giá trị. Minh chứng là ngày nay có rất nhiều đôi vợ chồng chung sức đồng lòng trong lao động, làm giàu và xây dựng tổ ấm gia đình vững bền.
Vợ chồng đồng lòng thi đua sản xuất
Rời quê hương Bến Tre về ấp Ðòn Dong, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, lập gia đình với anh Trần Út Năm, chị Nguyễn Thị Thuý An mang theo tinh thần, quyết tâm làm giàu của người con quê hương Ðồng Khởi. Nếu chồng chị đảm đương hai vụ lúa mùa mỗi năm thì 4.000 m2 đất làm vườn được giao cho người phụ nữ giỏi việc trồng trọt. Chọn giống ổi lê để xây dựng kinh tế gia đình, từ năm 2013 chị mua 100 nhánh trồng thử nghiệm. Ổi trồng 8 tháng có trái, mảnh vườn bắt đầu mang huê lợi cho gia đình. Hai năm đầu để trái ít cho cây cứng cáp, chị An kiếm thêm nguồn thu từ bán cây ổi giống. Với giá 10 ngàn đồng/nhánh, chị đã xuất bán hơn 8 ngàn nhánh ổi. Từ năm thứ ba, ổi cho trái ổn định.
Thời điểm hiện tại, với giá bán 12 ngàn đồng/kg, từ 400 cây ổi sai trái, mỗi tháng chị An có nguồn thu hơn 15 triệu đồng. Bí quyết để vườn ổi vừa đạt năng suất, vừa có chất lượng được chị An chia sẻ: "Cứ 10 bữa bón phân một lần, lượng phân vừa phải, ưu tiên các loại phân nhiều kali để ổi được ngọt; phải chăm sóc cây thường xuyên giúp cây luôn xanh tốt, cho trái đều”.
Trồng ổi lê, chị An duy trì nguồn thu 15 triệu đồng mỗi tháng. |
Không dừng lại ở một mô hình, trên một công đất mặt liếp, chị duy trì vụ hoa màu với nhiều loại rau cải, xuất bán quanh năm, có nguồn thu hơn 7 triệu đồng mỗi tháng. “Cực thiệt nhưng có thu nhập thì mình ham lắm. Kinh tế gia đình ổn định, nhà cửa khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn thì bao nhiêu cực khổ, vất vả cũng không còn nữa”, chị An phấn khởi chia sẻ.
Thuận vợ - thuận chồng, cùng với người vợ giỏi giang tăng gia sản xuất, chồng chị - anh Trần Út Năm hiện là Giám đốc Hợp tác xã Tiến Bộ, chuyên cung cấp các dịch vụ nông nghiệp tại xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời. Từ chỗ thuê dịch vụ máy bay phun thuốc thực vật cho vườn cây ăn trái, ruộng lúa của gia đình, từ tháng 10/2022 anh đầu tư hơn 440 triệu đồng mua một máy cùng các trang thiết bị đi kèm. Ðể lái thành thạo, anh Năm cùng hai thành viên khác được công ty hướng dẫn, cấp giấy chứng nhận. Giảm công lao động, tiết kiệm chi phí, đảm bảo sức khoẻ khi ít tiếp xúc với thuốc hoá học là lợi ích khi ứng dụng máy bay phun thuốc trong nông nghiệp.
“Mua máy cũng là một sự mạo hiểm với gia đình”, anh Năm tâm sự. Ngoài phục vụ cho sản xuất của gia đình, anh cũng làm dịch vụ cho bà con tại huyện Trần Văn Thời. Từ khi triển khai đến nay đã phun khoảng 7.000 ha, trừ hết chi phí anh thu lại gần 200 triệu đồng. Ngày nào chiếc máy bay cũng được đặt trước, dịch vụ mới được quan tâm giúp sự đầu tư của anh Năm cũng hiệu quả hơn. “Bà con hưởng ứng nhiều vì thấy nhiều lợi ích của phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay, lượng thuốc sử dụng ít hơn so với khi phun bằng tay, tuy nhiên hiệu quả lại cao hơn. Hiện nay ngày nào máy cũng hoạt động, bản thân mình tự tin hơn cho sự đầu tư công nghệ vào sản xuất”, anh Năm phấn khởi.
Trái ngọt nơi vùng mặn
“Ấp Bá Huê có hơn 360 hộ, đa phần làm vuông, nuôi tôm, riêng hộ anh Trần Văn Những trồng bồn bồn nước ngọt, nguồn thu nhập cao, kinh tế gia đình ổn định”, đó là nhận xét của ông Võ Văn Lý, Trưởng ấp Bá Huê, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, khi đánh giá mô hình kinh tế của vợ chồng anh Trần Văn Những và chị Ðỗ Kim Cúc.
Mảnh đất 4.000 m2 xanh mát bồn bồn nước ngọt là thành quả sau 8 năm miệt mài cải tạo, tìm hướng đi mới của cả hai vợ chồng.
Năm 2015, khi thấy làm vuông không hiệu quả, anh Những quyết định bao ví, cải tạo đất. Số vốn hơn 50 triệu đồng được anh chị đầu tư dần để làm bờ bao, khoan cây nước. Chiều ngang bờ từ 7-8 m, dùng cơ giới nện cho đất dẻ, không có lỗ mọt, giữ mực nước ngọt trong ao cao hơn bên ngoài. Khi điều kiện đảm bảo, anh chị xin giống bồn bồn ngọt và nhân giống từ từ. Với giá bán 40 ngàn đồng/kg bồn bồn tươi (do vùng này ít người trồng bồn bồn nên chị Cúc bán được giá hơn so với những nơi khác - PV), mỗi tháng gia đình xuất bán từ 300-400 kg, thu lại hơn 10 triệu đồng.
Bồn bồn ngọt trên vùng đất mặn mang đến nguồn thu hơn 10 triệu đồng/tháng cho vợ chồng anh Những và chị Cúc. |
Chị Cúc cho biết, hai năm đầu mô hình cũng nhiều bấp bênh, nước mặn nhiễm vô khu vực trồng bồn bồn nên bồn bồn không phát triển. “Lúc đó cây nước nhỏ bơm không đủ, vợ chồng lấy hết tiền dành dụm khoan cây nước công suất cao hơn, đủ đáp ứng cho việc trồng bồn bồn. Mô hình ổn định, cũng lấy lại vốn và còn dư dả để lo cho con ăn học”, chị Cúc chia sẻ.
Ngoài cây bồn bồn là nguồn thu chính, trên diện tích mặt nước, bờ bao, gia đình còn thả nuôi cá, trồng thêm mía, hoa màu. Cá vừa thu hoạch vào dịp Tết mang đến nguồn thu hơn 10 triệu đồng. Các nông sản khác bán để chi tiêu trong gia đình hàng ngày.
“Mình cũng từng thất bại khi thử nghiệm các mô hình, tuy nhiên, vợ chồng cùng quyết tâm thì khó khăn nào cũng vượt qua. Giờ kinh tế ổn định đã bù lại những ngày vất vả”, anh Những chia sẻ.
Bền bỉ gắn bó mô hình, có sự gắn kết, đồng lòng của vợ, của chồng, những hoa lợi thu được chính là trái ngọt từ mầm yêu thương đã được các gia đình vun vén, chăm bồi./.
Hoài Thương