(CMO) Là người sáng lập, rèn luyện Ðảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến vai trò của chi bộ đảng: “Chi bộ là nền móng của Ðảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”; “Tổ chức gốc rễ của Ðảng là chi bộ” và Người chỉ ra một chân lý: “Ðảng mạnh là do các chi bộ mạnh”. Một trong những công việc quan trọng của chi bộ đảng mà Bác Hồ huấn thị là “sinh hoạt chi bộ phải nghiêm túc”; “Thực tế cho thấy chỗ nào chi bộ tốt, công việc trôi chảy; chỗ nào chi bộ yếu, công việc xộc xệch”.
Tại Cà Mau, công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, trong đó có việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ luôn được thực hiện quyết liệt, liên tục, thông suốt. Sinh hoạt chi bộ tại địa phương không chỉ có sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt về nhận thức, phương thức, chất lượng, đúng quy định mà còn là tinh thần chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế, trở thành điểm sáng với “Trăm cách làm hay” để “Xây ngàn việc tốt”, góp phần vào sự ổn định, phát triển nhanh và bền vững của tỉnh địa đầu cực Nam Tổ quốc.
Bài 1: Quyết tâm chính trị lớn của toàn Ðảng
Ðất nước càng đi vào đổi mới, Ðảng ta càng coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, trong đó có việc đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đảng. Xác định rõ sinh hoạt chi bộ đảng là công việc giềng mối để khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của tổ chức cơ sở đảng và của từng đảng viên, góp phần xây dựng Ðảng thực sự trong sạch, vững mạnh.
Sinh hoạt chi bộ có nhiệm vụ quan trọng là triển khai, hiện thực hoá đường lối, chủ trương của Ðảng vào hiện thực đời sống tại cơ sở. (Trong ảnh: Lãnh đạo Ðảng uỷ xã Khánh Hoà nắm bắt đời sống, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân tại địa phương). |
Nhìn rõ những tồn tại, hạn chế
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đảng là quyết tâm chính trị của toàn Ðảng, đã được cụ thể hoá bằng Ðiều lệ Ðảng, các chỉ thị, kết luận, hướng dẫn của Trung ương, văn bản của địa phương, nhưng vẫn có thời điểm, có nơi, tổ chức đảng, đảng viên vẫn chưa thông suốt về nhận thức, tư tưởng, vì thế khi tổ chức thực hiện thì thụ động, lúng túng, kém hiệu quả.
Có một hiện tượng nhức nhối, không phải cá biệt mà là đáng báo động, đó là một bộ phận đảng viên, tổ chức đảng nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí sai lệch về mục đích, ý nghĩa của việc sinh hoạt chi bộ định kỳ. Hiện nay, vẫn phổ biến cách gọi sinh hoạt chi bộ định kỳ nôm na là “họp chi bộ”. Cách định danh này tưởng ổn, nhưng hoá ra lại phương hại đến bản chất vấn đề. Thay vì được nhận thức, tổ chức là một trong những hoạt động chủ yếu của chi bộ, có tác động trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đảng; tác động đến quá trình nhận thức đảng viên; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; thì công việc này lại được nhận thức, tổ chức theo hướng “họp” để nêu đầu công việc, báo cáo thành tích chung chung, vô thưởng vô phạt... Một bộ phận đảng viên tham dự “chiếu lệ”, thậm chí né tránh, thoái thác việc tham dự sinh hoạt chi bộ đảng định kỳ vì những lý do không chính đáng.
Tại Kết luận 18 của Ban Bí thư (khoá XII), những hạn chế trong sinh hoạt chi bộ đảng định kỳ đã được nêu rõ: “Nội dung sinh hoạt chi bộ nghèo nàn, đơn điệu, thiếu hấp dẫn, nặng về thông báo tình hình. Vai trò lãnh đạo, giáo dục và tính chiến đấu chưa được thể hiện rõ; tinh thần tự phê bình và phê bình vẫn còn yếu, chưa chủ động phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên... Chất lượng sinh hoạt của nhiều chi bộ còn hạn chế, chưa sát với thực tiễn”.
Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 10 của Ban Bí thư Trung ương (khoá X) năm 2017, Ðảng bộ tỉnh Cà Mau cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế, tồn tại: “Một số ít chi bộ chưa duy trì tốt nền nếp sinh hoạt, số lượng đảng viên tham gia chưa đều. Nội dung sinh hoạt chi bộ tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp tư nhân còn đơn điệu, có nơi còn đồng nhất giữa nội dung họp chi bộ với họp cơ quan. Nội dung sinh hoạt chi bộ ấp, khóm chủ yếu chỉ là quán triệt, triển khai nhiệm vụ của cấp trên giao, phản ánh tình hình ở ấp, khóm, khu dân cư nhưng chưa đánh giá sâu về công tác vận động quần chúng; chưa chú trọng nhiều về công tác quản lý đảng viên. Phân công nhiệm vụ cho đảng viên chưa cụ thể; việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề còn hạn chế, lúng túng về hình thức cũng như lựa chọn nội dung sinh hoạt”.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên được Ðảng bộ tỉnh Cà Mau nhìn nhận: Một số cấp ủy cơ sở chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chi bộ và việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nên trong chỉ đạo thực hiện chưa kỳ quyết, thiếu chặt chẽ; chưa thường xuyên kiểm tra, uốn nắn trong thực hiện. Trình độ, năng lực của một số bí thư chi bộ còn hạn chế nên việc chuẩn bị nội dung, điều hành, triển khai nhiệm vụ sinh hoạt chi bộ còn lúng túng, chất lượng, hiệu quả chưa cao”. Tựu trung lại, công tác nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đảng của Cà Mau vẫn vướng nhất, khó nhất chính là khâu “nhận thức” và “tổ chức thực hiện”.
Công việc giềng mối của Ðảng
Sinh hoạt chi bộ đảng, trước hết và trên hết là quy định của Ðảng đối với bổn phận, trách nhiệm và vinh dự của tổ chức đảng, đảng viên trước Ðảng, trước Nhân dân. Ðây là hoạt động chủ yếu của chi bộ đảng, tác động trực tiếp đến sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đảng, đảng viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại cơ sở.
Bác Hồ huấn thị: “Sinh hoạt chi bộ phải nghiêm túc” (Sinh hoạt định kỳ của chi bộ Ấp 10, xã Khánh An, huyện U Minh).
Trong bối cảnh hiện nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị là công việc hệ trọng, quyết định đến sự tồn vong của Ðảng, của chế độ”. Mục tiêu của Ðảng ta trong quyết tâm, nỗ lực nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đảng không gì khác là để khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của tổ chức cơ sở đảng và của từng đảng viên, để Ðảng ta thực sự là “đạo đức, văn minh”. Từ công việc sinh hoạt chi bộ đảng, giúp các cấp uỷ đảng, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm, bổn phận và vinh dự trước Ðảng, trước Nhân dân trong các công việc được giao phó.
Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá XIII ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2021 về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, trong đó mục tiêu của nghị quyết là: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Ðảng. Xây dựng đội ngũ cấp uỷ viên, nhất là bí thư cấp uỷ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng. Nâng cao chất lượng phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”.
Tại tỉnh Cà Mau, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, các cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các chi uỷ, bí thư chi bộ chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt chi bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của cấp uỷ, bí thư cấp uỷ ở cơ sở, bảo đảm vai trò hạt nhân và lãnh đạo toàn diện của Ðảng ở cơ sở; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết trong Ðảng. Kịp thời cụ thể hoá chủ trương của cấp trên phù hợp với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh. Cấp uỷ cấp trên trực tiếp thường xuyên nắm tình hình và phân công cấp uỷ viên phụ trách, dự sinh hoạt với tổ chức đảng ở cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng.
Tham gia sinh hoạt chi bộ là quyền lợi, trách nhiệm và vinh dự của mỗi đảng viên trước Đảng, trước Nhân dân (Đảng viên đóng góp ý kiến tại cuộc sinh hoạt chi bộ Ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh).
Sinh hoạt chi bộ đảng đã được nâng lên tầm mức mới về vai trò, vị trí, ý nghĩa cả trong nhận thức và thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị của nước ta hiện nay. Ðó không còn là công việc phải làm, mà cao hơn, đó là nhu cầu tự thân, tất yếu của từng chi bộ đảng, đảng viên theo quy luật phát triển. Không làm tốt công tác này, ngay từ đầu, chi bộ đảng và đảng viên đã tự làm suy giảm sức chiến đấu, mờ nhạt vai trò lãnh đạo và hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Ở góc độ khác, sinh hoạt chi bộ đảng là dịp để mỗi đảng viên “tự soi, tự sửa” thông qua công tác phê bình và tự phê bình trước Ðảng. Ðây chính là giải pháp mấu chốt nhất, căn cơ nhất để phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa từ xa, từ sớm, từ gốc rễ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của cán bộ, đảng viên.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cách đánh giá chất lượng chi bộ đảng rất trực diện, cụ thể: “Thực tế cho thấy chỗ nào chi bộ tốt, công việc trôi chảy; chỗ nào chi bộ yếu, công việc xộc xệch”. Và muốn biết chi bộ đảng có tốt hay không, có mạnh hay không, đơn giản nhất, chính xác nhất là nhìn vào chất lượng sinh hoạt chi bộ đảng định kỳ của nơi đó./.
Hải Nguyên - Mộng Thường - Loan Phương
Bài 2: VẬN DỤNG LINH HOẠT, GẮN CHẶT VỚI THỰC TIỄN