(CMO) Tôi biết đến Quảng Trị qua nhiều sách báo với những cái tên: “Vùng đất thiêng”, “Vùng đất lửa anh hùng”, “Quảng Trị yêu thương, máu và hoa”… Và nay lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này, thăm các “địa chỉ đỏ” mang đậm dấu ấn lịch sử như: Thành cổ Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Sân bay Tà Cơn… bản thân không thể tránh khỏi những phút giây nghẹn lòng khi nghe nhân chứng lịch sử kể và nhìn thấy những hình ảnh, chứng tích lịch sử còn lưu giữ để nhắc nhớ một thời chiến tranh ác liệt.
Dòng người đổ về Thành cổ Quảng Trị tri ân các anh hùng liệt sĩ giữa những ngày tháng 4 lịch sử. |
Tiết trời cuối tháng 4 lịch sử - mùa của sự tri ân, với cái nắng, gió gay gắt, chúng tôi tháp tùng cùng đoàn báo chí các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đoàn cựu chiến binh, khách du lịch các tỉnh về nguồn tại Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn thắp nén hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống nơi này. Dịp này, tôi có cuộc gặp tình cờ với các nhân chứng lịch sử đến từ mọi miền Tổ quốc để hiểu hơn những mất mát, hy sinh thầm lặng của những người lính kiên trung và cả những ân tình sâu đậm của người may mắn ở lại.
Nhà báo Ngô Minh Toàn, Phó tổng biên tập phụ trách báo Cà Mau, cùng đoàn báo Đảng các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, ngày 23/4.
Thường nghe mọi người nhắc, khi đến Quảng Trị nhất định phải vào Thành cổ, dòng sông Thạch Hãn mới cảm nhận hết điều thiêng liêng ở mảnh đất anh hùng này. Quả thật không sai, tại Thành cổ Quảng Trị, có hàng ngàn liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa năm 1972. Ðiều đặc biệt ở nơi này là không một nấm mộ, thay vào đó là bát hương chung và dòng người xuôi ngược đến thắp hương tri ân, phần nào làm ấm linh hồn các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho của Tổ quốc.
Ðoàn báo Ðảng các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và báo Ðảng các địa phương tham gia đêm hoa đăng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, bên dòng sông Thạch Hãn. |
Tỉnh Quảng Trị có đến 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Ðường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của gần 54 ngàn liệt sĩ. Sáng 23/4 vừa qua, theo dòng người thắp hương các ngôi mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, tôi bắt gặp hình ảnh một người lính mái tóc bạc phơ, ngậm ngùi, đôi mắt rưng lệ đến nơi đây thắp nén hương cho đồng đội. Ông là Thượng uý Võ Tuấn Thung, 71 tuổi, quê ở xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, từng là cán bộ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 88, Sư 308, trực tiếp tham gia liên minh chiến đấu Việt - Lào, các trận đánh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, sau đó tập kết ra Bắc.
Ông Thung chia sẻ: "Vượt qua nhiều trận đánh sinh tử, tôi may mắn sống sót, riêng người đồng đội sát cánh cùng tôi là Liệt sĩ Nguyễn Viết Tá, hy sinh năm 1971 khi mới 21 tuổi và rất nhiều đồng chí, đồng đội cùng đơn vị đã gửi thân lại chiến trường. Lần này trở lại, ký ức một thời máu lửa cùng đồng đội vào sinh ra tử trên các trận tuyến xẻ dọc, ngang Trường Sơn hiện về với niềm tự hào, lẫn cả nỗi căm phẫn về sự mất mát, hy sinh của đồng đội do chiến tranh gây ra".
Thượng uý Võ Tuấn Thung, 71 tuổi, quê ở xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, từng là cán bộ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 88, Sư 308, trực tiếp tham gia liên minh chiến đấu Việt - Lào, các trận đánh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị… thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (ngày 23/4). |
Trong khuôn viên bia mộ liệt sĩ Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, tôi còn nhìn thấy cụ bà Nguyễn Thị Lài, 77 tuổi, hội viên cựu chiến binh xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, với những bước đi khó khăn tiến đến bia mộ đồng đội. Bà nhìn, thì thầm thật lâu, làn khói hương bay lơ lửng trước mặt, lan ra không trung như linh hồn những đồng đội thân thương chứng giám cho lòng thành của bà và những người lính may mắn còn sống sót trở lại thăm đồng đội và chiến trường năm xưa.
Nhà báo Trần Thị Mỹ Linh, Tổng biên tập báo Tây Ninh, chia sẻ: "Vùng đất Quảng Trị tôi đã từng đặt chân đến, nhưng mỗi lần đến, nhìn thấy mọi thứ được tái hiện hào hùng với niềm xúc động dâng trào. Nhìn lại những di tích lịch sử của tỉnh Quảng Trị như là những minh chứng cho truyền thống hào hùng của cha ông trong suốt quãng thời gian đấu tranh giữ nước, giành lại hoà bình, độc lập, tự do cho dân tộc. Ðây là một trong những nơi đáng đến để thế hệ trẻ, các nhà báo soi mình, học tập, noi theo, tự nhủ lòng phải sống, phải viết làm sao cho xứng đáng với truyền thống, sự đóng góp hy sinh xương máu của thế hệ cha ông đã dày công vun đắp cho đến ngày hôm nay".
Qua bao thăng trầm lịch sử, mảnh đất Quảng Trị đã ôm trọn những trái tim kiên dũng, hiên ngang thời đạn bom khói lửa, cùng các chứng tích lịch sử hiện hữu: dòng sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải… như những minh chứng sống về sự hy sinh anh dũng kiên cường của những người con đất Việt, đồng thời là những “tài sản quý” cho thế hệ nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu, tiếp thu kiến thức về lịch sử nước nhà. Từ đó, thêm trân trọng nền hoà bình, độc lập tự do của dân tộc, bởi tất cả được đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu của thế hệ ông cha. Ðiều này càng hun đúc ý chí cho thế hệ trẻ hôm nay có thêm động lực, mục tiêu, rèn luyện lý tưởng sống trở thành những công dân gương mẫu, có trách nhiệm đối với quê hương, đất nước./.
Loan Phương