(CMO) “Anh nông dân đi đâu đây?”, ông Bảy Ánh (Nguyễn Hữu Ánh) cười sảng khoái, đặc sệt kiểu lão nông tri điền khi gặp lại chúng tôi. Câu nói ghẹo vui ấy ám chỉ anh Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, TP Cà Mau, cũng là thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Nông dân tỷ phú xã Tân Thành.
Ông Bảy Ánh và anh Trạng, hai thành viên của CLB, đã thân tình lại càng khắng khít hơn sau gần một năm CLB đi vào hoạt động. Những mong muốn, tâm huyết của các thành viên CLB đã và đang tiếp tục được ươm mầm với những ý tưởng mới, đột phá trong thời gian tới. Ông Bảy Ánh quyết tâm thấy rõ qua giọng nói: “Không làm thì thôi, đã làm thì cho ra làm. CLB phải tạo được bước đột phá, giúp ích cho bà con còn khó khăn về kinh tế”.
Trời nắng như đổ lửa, ông Bảy Ánh rủ chúng tôi đi ra mấy ao nuôi cá chình bẻ dừa, vừa uống giải khát vừa nói chuyện. Thiệt tình nhìn miếng vuông nuôi cá chình của ông Bảy cứ như là một khu du lịch sinh thái. Lối ra các ao nuôi cá đều trải bê tông, trồng hoa; dọc theo mé ao ông trồng dừa, mà đến tận 500 gốc, nên dù trời nắng vẫn thấy mát mẻ khi đi bộ cùng ông.
Mô hình nuôi cá chình của ông Bảy Ánh nhiều năm nay luôn mang lại hiệu quả, dù rất nhiều người thất bại. |
Ông Bảy vẫn cười nói: “CLB mới thành lập, lại là CLB đầu tiên của tỉnh, nên mọi hoạt động, hình thức sinh hoạt đều do mình nghĩ, tự xây dựng chứ có tài liệu hướng dẫn gì đâu. Tuy nhiên, cũng mừng vì anh em nhiệt tình đóng góp ý kiến, CLB tổ chức họp mặt sinh hoạt định kỳ. Thời gian tới, anh em phải họp bàn lại để thành lập nguồn quỹ của CLB”.
Theo anh Trạng, ý tưởng lập quỹ đang bước đầu lấy ý kiến thành viên về mức độ đóng góp. Anh cho biết: “Ngoài quỹ hội cố định thì đây là nguồn quỹ khác, quỹ hỗ trợ người dân chưa đủ điều kiện kinh phí để phát triển mô hình kinh tế. Tức là dùng hỗ trợ người dân địa phương chí thú làm ăn chứ không phải hỗ trợ các thành viên trong CLB. Trong CLB thì mọi người có điều kiện rồi”.
Ông Bảy Ánh thật lòng: “Mình gây quỹ là để giúp bà con còn khó khăn, chứ nói thiệt, bây giờ ai kêu gọi tôi tiếp cận nguồn vốn mà chỉ vài chục triệu thì thôi, tôi không tham gia. Bởi bao nhiêu đó có đủ để đầu tư phát triển mô hình của gia đình đâu”. Thật vậy, quy mô nuôi cá chình năm nay của ông Bảy đến 40 ao, mỗi ao ngót nghét 1.000 m2. Dẫn chúng tôi tham quan, ông Bảy chỉ tay về 2 ao cá, nói: “2 ao này tháng sau là lên, ước tính mỗi ao cũng được hơn tỷ bạc. Giá cá chình năm nay giữ ổn định ở mức cao mà”.
CLB Nông dân tỷ phú xã Tân Thành có cả thảy 12 thành viên với đa dạng mô hình kinh tế, họ thành lập CLB để hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm giữa những nông dân chí thú, sáng tạo trong làm kinh tế nông nghiệp. Anh Trạng chia sẻ: “Mục tiêu là chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hiệu quả giữa các thành viên với nhau và cho người dân ngoài CLB. Bên cạnh đó là giúp đỡ người dân không phải thành viên, những người chí thú làm ăn nhưng chưa có kinh nghiệm cũng như điều kiện kinh phí đầu tư mô hình, để cùng phát triển kinh tế. CLB tổ chức các hội thảo đầu bờ, luân phiên tại nhà các thành viên, mời thêm bà con nông dân có nhu cầu tìm hiểu mô hình; mỗi đợt sẽ chọn mô hình khác nhau của các thành viên để bà con vừa tham quan, vừa học hỏi kinh nghiệm. Ðiểm hội thảo trong tháng 4 này là nhà chú Bảy Ánh”.
Những lời chia sẻ của ông Bảy Ánh và anh Trạng đã nói lên tâm huyết của những thành viên CLB. Họ thành lập CLB với mục tiêu không chỉ để các thành viên phát triển mà quan trọng hơn là giúp đỡ bà con nông dân cùng tiến bộ. Những nông dân biết linh hoạt trong phát triển mô hình kinh tế và mang lại quả ngọt từ tư duy sáng tạo như ông Bảy Ánh, anh Trạng... là những điển hình để người khác học hỏi. Nó là minh chứng thực tiễn cho những kế hoạch, giải pháp của ngành chức năng khi khuyến khích mô hình kinh tế cho nông dân.
Ông Trần Quan Hiên, 67 tuổi, thành viên CLB, từng làm nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Bí quyết của ông rất đơn giản, đó là “chẳng có bí quyết gì”, như lời ông nói: “Thời trước, giai đoạn người ta nuôi tôm thất bại, tui thì trúng, được điển hình. Khi tham gia đoàn nông dân của tỉnh ra Trung ương tham gia Hội nghị Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016, nhiều lãnh đạo Trung ương hỏi thăm, sao nghe nói ở Cà Mau nhiều người nuôi không hiệu quả, ông có bí quyết gì mà hay thế? Nghe thế tui cũng chẳng biết trả lời sao, thực tế mình có bí quyết gì đâu, chỉ là mình cần cù, chịu khó. Nhiều người thả nuôi rồi bỏ đại chờ thu hoạch, không quan sát, để ý khi con tôm có biểu hiện bất thường. Cần quan sát vuông tôm (nước, tảo, rong rêu) phát triển như thế nào để kịp thời xử lý… Nông dân mà không sâu sát với ruộng đồng, vuông tôm thì làm sao biết cách ứng biến khi có sự cố”.
Ông Hiên tích cực chuyển đổi mô hình, chọn thời điểm đầu tư nuôi, trồng phù hợp với điều kiện thị trường.
Ông Hiên có 5 người con đều được học hành đầy đủ, có bằng đại học, tốt nghiệp ra trường làm việc trong ngành ngân hàng, trong cơ quan Nhà nước… Mặc dù ngoài miệng vẫn nói tụi nhỏ nó không mê nghề nông của cha, nhưng trong ánh mắt ông vẫn sáng lên vẻ tự hào: “Thì tụi nó đi học, làm việc Nhà nước, doanh nghiệp hết, làm nông thì có thời gian đâu. Ðược cái còn có thằng con mê nghề nông, hiện cũng là thành viên CLB tỷ phú. Nó thích kiểng, giờ tui lại có thêm nghề trồng kiểng”.
Năm nay ông Hiên đang chuẩn bị cải tạo ao đầm nuôi tôm công nghiệp trở lại. Ông bảo: “Mấy năm vừa qua nuôi tôm công nghiệp bấp bênh, dịch bệnh cũng nhiều nên tôi dừng nuôi một thời gian, chỉ nuôi thả lan xen cua. Bây giờ thấy đã ổn hơn nên vụ này tôi sẽ nuôi”.
Ông Hiên mời khách thăm vườn kiểng |
Chúng tôi được ông dẫn ra thăm vườn kiểng, nơi trước đây là ao đầm mới được bồi đắp lên thành vườn và nghe ông bộc bạch ý định trồng cây. Mới thấy, người nông dân khi muốn phát triển kinh tế cần học hỏi và có tư duy sáng tạo, biết đánh giá điều kiện nào khó khăn, thuận lợi, biết nắm bắt cơ hội để đầu tư chuyển đổi hay phát triển mô hình phù hợp, không chạy theo xu hướng cục bộ để dẫn đến tình trạng được mùa, mất giá. Khi ấy, nông dân mới có thể chủ động định hướng, lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, xu hướng thị trường để quyết định nuôi con gì, trồng cây gì… trong thời điểm đó.
Những thành viên CLB tỷ phú đã chứng minh một điều là họ làm giàu được, thu về lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm. Rất ít khi họ bị tác động bởi vấn đề nan giải của nhiều nông dân mà cơ quan truyền thông cứ phản ánh khi sản phẩm làm ra bị thị trường kén chọn. Ðiệp khúc “được mùa, mất giá” sẽ không xảy ra nếu nông dân chủ động, nắm chắc kỹ thuật, biết rõ quy luật thị trường. Như ông Bảy Ánh, người mấy mươi năm nuôi cá chình, mà con cá chình “khi chìm, khi nổi” nhưng ông vẫn gắn bó với nó. Có thời, người ta ùn ùn nuôi cá chình vì giá cao, kiếm tiền nhanh chóng, nhưng sau đó chỉ vài năm họ bỏ con cá chình vì lỗ vốn. Riêng với ông Bảy Ánh, đến nay con cá chình vẫn đều đặn đem về thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm./.
Ðặng Duẩn